Vốn lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp: Đẩy mạnh giải ngân

Theo chỉ đạo của UBNDTP, trong năm 2014, các sở-ngành và NHNN chi nhánh TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) với doanh số cho vay ít nhất tăng 50% so với năm 2013, đạt khoảng trên 20.000 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp.
Vốn lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp: Đẩy mạnh giải ngân

Theo chỉ đạo của UBNDTP, trong năm 2014, các sở-ngành và NHNN chi nhánh TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) với doanh số cho vay ít nhất tăng 50% so với năm 2013, đạt khoảng trên 20.000 tỷ đồng, nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp.

Hơn 6.500 tỷ đồng lãi suất ưu đãi

NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, ngành ngân hàng TPHCM đã tổ chức 9 đợt ký kết với tổng số vốn khoảng 6.500 tỷ đồng cho gần 270 DN, 21 hộ sản xuất kinh doanh và 4 HTX tại 9 quận - huyện vay thông qua chương trình kết nối NH-DN. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, đây là bước khởi đầu cho chương trình kết nối trong năm 2014, hứa hẹn một năm ngành ngân hàng có nhiều nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ DN trên địa bàn TP. “Đặc biệt hơn nữa, NHNN Việt Nam cũng đã có văn bản triển khai Chương trình Kết nối NH-DN trên cả nước. Theo đó, trên cơ sở khảo sát, nắm bắt những khó khăn của DN trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn, các ngân hàng tiếp cận, thẩm định và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các NHNN chi nhánh các tỉnh, TP tổ chức lễ ký kết hỗ trợ vốn vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN”- ông Minh cho hay.

Là ngân hàng luôn đồng hành với các chương trình hỗ trợ DN của TP, ông Đào Nguyên Vũ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay, Sacombank đã triển khai 13 gói cho vay ưu đãi trị giá 21.550 tỷ đồng và 90 triệu USD nhằm góp phần hỗ trợ cho các khách hàng DN và cá nhân trên cả nước tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề tiếp tục phát triển trong những năm kế tiếp. Trong đó, tại chương trình Kết nối NH-DN tại TPHCM, Sacombank đã dành 472 tỷ đồng cho vay ưu đãi DN tại TPHCM.

Trong năm 2014, chương trình kết nối NH-DN sẽ phát triển tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao và DN nhỏ và vừa), trong đó trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa, DN có ứng dụng công nghệ cao. Hiện các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên tham gia chương trình này được hưởng mức lãi suất phổ biến từ 7% - 8%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VND và khoảng 10% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Theo ông Minh, từ nay đến cuối tháng 6-2014, NHNN chi nhánh TPHCM sẽ phối hợp với Sở Công thương TP và Hiệp hội DN TPHCM  đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình này tại tất cả các quận-huyện còn lại trên địa bàn TP.

Các ngân hàng đang đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Các ngân hàng đang đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bình ổn thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Gấp rút giải ngân vốn cho dn bình ổn

Cùng với việc thực hiện Chương trình Kết nối NH-DN, TPHCM cũng đẩy mạnh việc giải ngân vốn cho các DN tham gia bình ổn thị trường, thông qua 28 hợp đồng nguyên tắc vừa được ký kết giữa 8 ngân hàng và 28 DN ký kết để thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng sữa, lương thực thực phẩm, đồ dùng mùa khai trường trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, 8 ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay, gồm: Vietinbank - chi nhánh 7; Eximbank; Sacombank; BIDV - chi nhánh Bến Thành; Agribank - chi nhánh Lý Thường Kiệt;  Ngân hàng Quân đội, DongA Bank và HDBank, tăng 3 ngân hàng so với chương trình bình ổn năm trước. 28 DN được vay vốn là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn ở các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, sữa, đồ dùng mùa khai trường như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra); Công ty TNHH Phạm Tôn; Công ty TNHH Ba Huân; Công ty cổ phần Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifoods); Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng (Citimart); Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (Adeco); Công ty Thực phẩm công nghệ Sài Gòn; Công ty cổ phần Sài Gòn Food…

Số vốn giữa các ngân hàng và từng DN vẫn đang được hai bên bàn thảo. Tuy nhiên, tổng số vốn trong cả chương trình năm nay được các ngân hàng cam kết cho DN vay là 8.300 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với chương trình năm ngoái, trong đó có 2.800 tỷ đồng là vốn vay ngắn hạn với lãi suất 5,5% - 6%/năm, tăng gần 1.940 tỷ đồng so với năm ngoái; 2.150 tỷ đồng vốn vay trung, dài hạn để phát triển chuồng trại, vùng nguyên liệu… (tăng 1.050 tỷ đồng so với năm ngoái) với lãi suất từ 7% - 10%. Phần còn lại là 3.350 tỷ đồng được các ngân hàng đăng ký cho các DN sản xuất, hợp tác xã, hệ thống phân phối tham gia chuỗi cung ứng hàng bình ổn vay với lãi suất 7% - 8%/năm.

Mới đây, tại cuộc họp triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2014,  bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, năm 2014, các ngân hàng đã dành gói tín dụng 8.300 tỷ đồng với lãi suất phù hợp nhằm hỗ trợ vốn cho DN, do vậy các DN cần nhanh chóng liên hệ với Sở Tài chính để biết được hạn mức phê duyệt, trong trường hợp cần vay thêm vốn nên đăng ký với các sở, ngành để được hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình giao dịch, nếu các DN gặp khó khăn, cần báo ngay cho các đơn vị chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lãi suất cho vay, bà Lê Ngọc Đào lưu ý các ngân hàng cần thực hiện đúng các cam kết với TP về tổng hạn mức và lãi suất cho vay ngắn hạn và dài hạn. Trong trường hợp phát hiện các đơn vị có hành vi vi phạm, sẽ kiến nghị cấp trên xử lý nghiêm.

NHUNG NGUYỄN - UYỂN NHƯ

Tin cùng chuyên mục