* Việt Nam chạm ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình
(SGGP). – Trên 8,06 tỷ USD là số vốn ODA được các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam năm 2010, một con số vượt rất xa mọi dự đoán trước đó. Đứng đầu danh sách các nhà tài trợ đa phương về số vốn cam kết vẫn là Ngân hàng Thế giới (WB), với gần 2,5 tỷ USD, tiếp đến là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với gần 1,5 tỷ USD. Đứng thứ 3 là Ủy ban châu Âu (EC) với trên 331,9 triệu USD… Trong số các nhà tài trợ song phương, Nhật Bản đứng đầu với số vốn cam kết lên tới 1,64 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc (270 triệu USD), Hoa Kỳ (gần 138,2 triệu USD)…
Trong cuộc họp báo được tổ chức ngay sau phiên bế mạc Hội nghị CG 2009, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, có 1,4 tỷ USD trong tổng vốn ODA là viện trợ không hoàn lại, phần còn lại là vốn vay ưu đãi. Toàn bộ vốn ODA của Australia dành cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại; 80 triệu trong số vốn mà Nhật Bản cam kết cho Việt Nam cũng là viện trợ không hoàn lại,... Một số khoản vay với các điều kiện ít ưu đãi hơn được WB và ADB dành cho các dự án xây dựng nhà máy điện và cơ sở hạ tầng giao thông như đường cao tốc, bến cảng... vẫn có lãi suất chấp nhận được, thấp hơn lãi suất vay thương mại.
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: Nợ quốc gia tuy ở mức cao do nhu cầu đầu tư phát triển lớn, nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn và “Việt Nam chưa bao giờ chậm trả nợ đối với bất kỳ một nhà tài trợ nào”. Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, xác nhận điều này và cho biết thêm, WB và các nhà tài trợ khác vẫn đang giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn vay và trả nợ của Việt Nam và không nhận thấy bất kỳ vấn đề nào đáng lo ngại.
Đại diện các nhà tài trợ cũng tỏ ra cơ bản hài lòng với tiến độ giải ngân các dự án ODA thời gian gần đây. Đề cập đến những thách thức mới khi Việt Nam đã chạm ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, bà Victoria Kwakwa khuyến cáo: Việt Nam quan tâm giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đảm bảo an sinh xã hội để ngày càng nhiều người dân tiếp cận được các dịch vụ công ích và hạn chế tình trạng thất nghiệp. Việt Nam cũng cần tăng cường hiệu quả đầu tư công, chú trọng chất lượng, hiệu quả đầu tư hơn số lượng đầu tư.
Trong khi đó, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam, lưu ý các nhà hoạch định chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và những “trách nhiệm khác của một quốc gia đã có thu nhập trung bình”.
A.PHƯƠNG
Thông tin liên quan |
>> Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2009: |