Vốn ODA tại TPHCM: Giải ngân chậm, thiệt hại lớn

Quản lý và sử dụng hiệu quả
Vốn ODA tại TPHCM: Giải ngân chậm, thiệt hại lớn

Từ khi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được khai thông đến nay, ODA luôn là một trong những kênh huy động vốn quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn này đang rất chậm.

6/10 dự án chưa giải ngân

Một công trình sử dụng nguồn vốn ODA tại TPHCM đang được thi công (Ảnh chụp chiều 12-9-2007). Ảnh: C.Thăng

Một công trình sử dụng nguồn vốn ODA tại TPHCM đang được thi công (Ảnh chụp chiều 12-9-2007). Ảnh: C.Thăng

Ông Phạm Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, cho biết 10 dự án với kế hoạch giải ngân được giao là 2 ngàn tỷ đồng nhưng căn cứ vào số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước và báo cáo của một số chủ đầu tư thì khối lượng đã được thanh toán từ nguồn vốn ODA chỉ 998,346 tỷ đồng, mới đạt 50% kế hoạch cả năm. Một số dự án trọng điểm như dự án Đại lộ Đông Tây, dự án cải thiện môi trường nước đạt tỷ lệ khá (từ 57% đến 68%). Còn dự án vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè) mới đạt tỷ lệ 36%. Các dự án còn lại chưa giải ngân.

Theo điều tra của chúng tôi, các dự án chưa giải ngân bao gồm dự án xây dựng Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng (chủ đầu tư là Công ty Chiếu sáng công cộng); dự án xây dựng Trung tâm đào tạo từ xa TPHCM (chủ đầu tư: Trung tâm thông tin triển lãm thành phố); dự án Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại TPHCM (chủ đầu tư là Ban QL các dự án công nghệ thông tin); dự án xây dựng Trạm xử lý chất thải rắn nguy hại TPHCM (chủ đầu tư: Công ty Môi trường đô thị); dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi Tẻ giai đoạn 2 (Ban QLDA Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước) và dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị dự án tuyến Metro TPHCM (Ban chuẩn bị các dự án đường sắt nội đô).  Tổng cộng có 6 dự án. Đây chính là sự lãng phí trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA bởi đây là vốn vay mà vay thì phải trả nợ, trong đó có cả nợ gốc. “Chậm ngày nào chúng ta phải trả lãi ngày đó bởi tỷ lệ viện trợ trong tổng thể nguồn ODA là rất thấp” -ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM cho biết.

Riêng về lĩnh vực giao thông đô thị, TPHCM còn quản lý 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, trong đó 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản (JIBIC), 1 dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và 1 dự án sử dụng vốn ODA từ Chính phủ Pháp. Trong đó, tiểu dự án Rạch Hàng Bàng, một trong 4 tiểu dự án lớn thuộc dự án cải tạo môi trường thành phố bị nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khóa sổ hồi tháng 4 năm nay, không cho vay thêm 28 triệu USD do giải ngân chậm (kế hoạch cuối năm 2005 phải xong nhưng mãi đến 13-4-2007 chỉ mới giải ngân được 16%). Đây chính là hồi chuông cảnh báo đối với các dự án có tốc độ giải ngân “rùa”.

Chưa có đầu mối thống nhất?

Trưởng Ban KT-NS HĐND đồng thời cũng là Trưởng đoàn Giám sát về quản lý và sử dụng vốn ODA, ông Nguyễn Minh Hoàng bức xúc trước việc hầu hết các dự án sử dụng vốn ODA của TPHCM đều không đảm bảo về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân. Ông nói: “Đầu mối để nắm, quản lý sử dụng hiện nay chưa có. Số liệu về vốn ODA 3 nơi (Sở Kế hoạch-Đầu tư, Kho bạc, Sở Tài chính) đều khác nhau. Hôm nay Sở Tài chính báo cáo số liệu là hơn 2 ngàn tỷ đồng nhưng thực ra không phải, chỉ 6 dự án thuộc Sở Giao thông Công chính đã 2,7 ngàn tỷ đồng, chưa nói đến các dự án thuộc Sở NN-PTNT. Theo luật Ngân sách thì khi ngân sách bỏ ra phải đánh giá hiệu quả sử dụng đồng vốn. Tiền bỏ ra sử dụng ra sao, cho công trình nào, khó khăn vướng mắc ở đâu. Do đó, cần phải có đầu mối để quản lý việc sử dụng ngân sách. Để manh mún như vậy không ổn…”. Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Ban KT-NS HĐND TPHCM, cho biết năm nào chúng ta cũng nói về một số công trình dự án có những trở ngại khó khăn, sau đó là kéo dài. “Hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng bỏ ra trong một thời gian dài như vậy mà không phát huy được hiệu quả thì rất lãng phí” -ông Nghĩa nhấn mạnh và đề nghị đối với những công trình 3 năm phải hoàn thành nhưng 5 năm vẫn làm chưa xong, Sở Tài chính phải có ý kiến về vấn đề hiệu quả và chất lượng, nguyên nhân chủ quan và khách quan…

Còn theo Phó Ban KT-NS Huỳnh Công Hùng, có một vấn đề rất “lạ” là hiện nay, công tác phối hợp giữa các sở, ngành trong việc quản lý nguồn vốn ODA, vốn ngân sách của TPHCM chưa có sự thống nhất, chưa có sự phân công rạch ròi và khi có vướng mắc phát sinh thì không ai chịu trách nhiệm chính. “Nếu trường hợp 3 đơn vị Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Kho bạc Nhà nước không nắm được thì khi chính quyền hỏi tổng dự án đến đây được bao nhiêu, chừng nào hoàn thành, khả năng thanh toán ra sao… thì không ai trả lời được sao? Đây là chuyện đã tồn tại từ nhiều năm nay” - ông Hùng bức xúc.

Thủ tục rườm rà, cán bộ chưa đủ tầm

Một số lý do làm chậm tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA xuất phát từ công tác chuẩn bị đầu tư (chưa tính đến  những dự báo phát triển dài hạn) nên phải điều chỉnh, thiết kế lại trong quá trình thực hiện; Vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng cũng chưa cải thiện được tốc độ “rùa” của các dự án, khiến cho tiến độ giải ngân bị chậm so với kế hoạch. Ngoài ra, việc giải ngân nguồn ODA còn chịu sự chi phối của nhiều văn bản pháp luật và của nhà tài trợ; quá trình thẩm định và phê duyệt thủ tục đầu tư các dự án ODA, các sở ngành phải vận dụng cả 2 Nghị định hướng dẫn (hoặc có văn bản hỏi Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng làm cơ sở triển khai thực hiện); những khác biệt về mặt thủ tục giữa nước ta và nhà tài trợ… Việc Bộ Xây dựng không xem xét đưa vào giá dự toán các khoản chi phí chung (phần này đã được quy định trong hồ sơ mời thầu theo thông lệ quốc tế) cũng gây khó khăn cho các dự án; Còn đối với các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như tư vấn lập kế hoạch hành động tái định cư (RAP), đánh giá tác động môi trường (EIA), khảo sát nhu cầu đào tạo… nếu định mức theo quy định của Việt Nam khó chọn được chuyên gia tư vấn trong nước có trình độ chuyên môn cao.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhà quản lý, năng lực điều hành của các Ban QLDA chưa chuyên nghiệp và còn hạn chế trong việc phối hợp, hiệu quả về tư vấn không cao do hạn chế về ngoại ngữ, nghiệp vụ. Hậu quả là hồ sơ trình duyệt phải giải trình, bổ sung, sửa đổi nhiều lần. Cán bộ của các Ban QLDA và các sở, ngành liên quan cũng chưa được đào tạo bài bản về quản lý dự án ODA… Ngoài ra, công việc tại các Ban QLDA cũng chưa thu hút được những nhân viên có năng lực tốt vào làm bởi mức lương thấp và không ổn định…

Trí Tri

****

Quyết liệt với những dự án “rùa”

TPHCM hiện đang quản lý 13 dự án ODA và hầu như các dự án này đều tập trung vào những lĩnh vực thiết yếu đối với sự phát triển bền vững của thành phố như phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đô thị…

Hiện trạng một phần gói thầu số 7 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM. Ảnh: Đình Sơn

Hiện trạng một phần gói thầu số 7 thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM. Ảnh: Đình Sơn

Để sử dụng nguồn vốn ODA đạt hiệu quả cao nhất, TPHCM đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ của dự án như vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư, thủ tục, bố trí vốn đối ứng, tăng năng lực cho các Ban Quản lý Dự án (QLDA)... Một số dự án đã hoàn thành và bước đầu mang lại hiệu quả. Ngoài ra, một số dự án lớn tiến độ thực hiện đã có nhiều tiến bộ so trước đây. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết chính quyền thành phố rất quyết tâm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. “Chúng tôi đã cho anh em trong tổ ODA xuống tận các Ban QLDA, trực tiếp tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc… để có hướng tháo gỡ kịp thời trong những tháng cuối năm” -bà Hồng nói.

Việc tiểu dự án Rạch Hàng Bàng bị “chết yểu” hồi tháng 4 năm nay do giải ngân chậm đang còn “nóng hổi” chính là bài học nhãn tiền. Để các dự án còn lại không đi theo “vết xe đổ” này, trong Công văn số 5103/VPCP-QHQT vừa ban hành ngày 10-9, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, sớm trình Chính phủ các giải pháp cấp bách để rút ngắn thời gian chuẩn bị các dự án ODA. Thủ tướng đặc biệt lưu ý rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề liên quan tới đấu thầu và giải phóng mặt bằng ngay sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ KH-ĐT và Bộ Xây dựng thực hiện đúng hạn những nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Chỉ thị số 836/CT-TTg ngày 2-7-2007 về tăng cường quản lý đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước 6 tháng cuối năm 2007 nhằm khắc phục những quy định không nhất quán và mâu thuẫn giữa các văn bản trong nước chi phối quản lý và sử dụng ODA trong các lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng công trình và đấu thầu. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động Tổ công tác ODA của Chính phủ với trọng tâm là những dự án đầu tư quy mô lớn của Nhóm 5 Ngân hàng phát triển hiện còn những tồn tại vuớng mắc để thúc đẩy giải ngân ODA. Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm 2007, Bộ KH-ĐT lưu ý tập trung vận động ODA hỗ trợ cho những vùng đang gặp nhiều khó khăn.

Tri - Nam

Tin cùng chuyên mục