Sau khi trở lại vị trí người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã có những bước đi mạnh mẽ với ưu tiên tập trung vào an ninh quốc gia và tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại. Và không khó để nhận ra trong những bước đi này, Thủ tướng Abe đang muốn khôi phục lại ý tưởng “Vòng cung thịnh vượng bốn bên” nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng và “bao vây” Trung Quốc. Theo đó, Nhật sẽ lấy quan hệ đồng minh với Mỹ làm hạt nhân, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh với Ấn Độ và Australia.
Ngay trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Abe đã khẳng định phát triển quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ - Ấn là vấn đề có tính chất then chốt nhưng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh Nhật - Mỹ - Australia cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Ý tưởng này đã hình thành từ 5 năm trước. Trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, ông Shinzo Abe đã kêu gọi thành lập liên minh “Vòng cung thịnh vượng bốn bên” dọc theo rìa ngoài Âu - Á giữa Nhật, Mỹ, Australia và Ấn Độ, bởi lẽ ông đã lường trước được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở những năm tiếp theo.
Theo ý tưởng, mạng lưới thiết lập giữa các quốc gia nằm trong vòng cung này, trong đó 4 quốc gia chủ chốt sẽ cho phép con người, hàng hóa, vốn và tri thức di chuyển tự do để thúc đẩy tăng trưởng giữa các bên. Nhật Bản đã có các tuyên bố chính thức về hợp tác an ninh với Ấn Độ và Australia cũng như quan hệ đối tác đồng minh thân cận với Mỹ.
Lý giải cho mong muốn nhanh chóng khôi phục “Vòng cung thịnh vượng bốn bên” của Thủ tướng Shinzo Abe, theo các chuyên gia phân tích chính trị nó xuất phát từ căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ngày một leo thang mà Tokyo cho rằng đang đe dọa đến an ninh lẫn kinh tế của nước này.
Ngoài ý tưởng “Vòng cung thịnh vượng bốn bên”, Thủ tướng Shinzo Abe còn nhận định rằng thúc đẩy kế hoạch tăng cường quan hệ hợp tác với Nga và các nước châu Á khác mới có thể cải thiện mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Khi Thủ tướng Abe vạch ra chiến lược phục hồi cán cân lực lượng tại châu Á, Phó Thủ tướng Taro Aso, đồng minh thân cận của ông đã đến Myanmar, nước gần đây nổi lên như một “sân khấu quan trọng” trong môi trường chính trị châu Á. Nhật Bản còn gửi thông điệp muốn xoa dịu quan hệ với Hàn Quốc-quốc gia có tranh chấp về đảo Takeshima/Dokdo khi gửi một đặc phái viên đến Seoul gặp gỡ Tổng thống đắc cử Park Geun-hye. Đây là một trong những bước đi mà ông cho là có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự ổn định ở Đông Á, nếu mối quan hệ Nhật - Hàn được cải thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ - Nhật - Hàn cùng bắt tay thực hiện chiến lược an ninh trong khu vực.
Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Nhật Bản, ông Abe tỏ rõ tham vọng muốn nâng cao vị thế của Nhật Bản trên chính trường thế giới bởi nước Nhật đang bị cho là “thụt lùi” so với sự trỗi dậy của các nước láng giềng. Những bước đi mới của Thủ tướng Abe cho thấy, thay vì dùng vũ lực, Chính phủ Nhật Bản đã khôn ngoan chọn biện pháp dùng sức mạnh ngoại giao “mềm” nhưng không kém phần “cứng rắn” để khẳng định vị trí trên toàn cầu nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền, tạo sức bật mới trong cuộc chạy đua giành lại ngôi á quân kinh tế thế giới.
Thanh Hằng