Vòng luẩn quẩn

Ngày 11-1, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan. Hội nghị sẽ đi sâu thảo luận các nỗ lực của từng nước cũng như quốc tế “nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan và những thế lực hậu thuẫn cực đoan hóa, tuyển mộ chiến binh, dụ dỗ các cá nhân cũng như tổ chức tại Mỹ và các nước thực hiện các hành vi bạo lực”.

Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud cho rằng việc tổ chức hội nghị là một sáng kiến mới, cho thấy nhu cầu cần có một chiến lược toàn cầu đối phó với chủ nghĩa cực đoan, trong đó có các hành động đáp trả quân sự, chia sẻ thông tin, thực thi pháp luật và phối hợp với các nước Hồi giáo.

Theo ông Gerard Araud, vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo ở nước Pháp là “cú đánh” vào nền dân chủ phương Tây và điều đó cho thấy các cuộc tấn công khủng bố có thể tiến hành ở bất cứ đâu, dù châu Âu hay ở Mỹ, từ bất cứ cá nhân hay tổ chức cực đoan nào.

Các vụ tấn công tạp chí Charlie Hebdo và bắt cóc con tin tại Pháp khiến các nước dường như xích lại gần nhau hơn. Chưa bao giờ có nhiều tổ chức Hồi giáo trên toàn thế giới cùng thể hiện tiếng nói chung về điều này như thế. Giới lãnh đạo và các tổ chức Hồi giáo chính thống cùng lên án vụ thảm sát tại tòa soạn Charlie Hebdo là hành vi khủng bố ghê tởm đi ngược lại với các nguyên tắc của đạo Hồi. Al-Azhar, một trong những cơ sở nghiên cứu Đạo hồi Sunni được nể vì nhất, gọi vụ tấn công là “một sự xúc phạm chống lại các tình cảm Hồi giáo”.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo quốc tế cũng công bố một thông cáo nói rằng những hành vi khủng bố như thế “chỉ tiêu biểu cho những kẻ tội phạm”, chứ không phải là đạo Hồi. Các nhà lãnh đạo các quốc gia với đa số dân theo Hồi giáo, như Syria, Iraq, Ai Cập và Saudi Arabia đều lên án những hành động khủng bố. Ngay cả bộ ngoại giao Iran cũng lên án vụ tấn công.

Tuy nhiên, đã có ít nhất 3 vụ tấn công vào thánh đường của người Hồi giáo tại Pháp sau vụ tấn công vào tòa báo Charlie Hebdo. Nguy cơ bạo động từ các phần tử quá khích của cả 2 phía đã kích hoạt các “tế bào” khủng bố. Giới phân tích đang rất lo ngại về nguy cơ cộng đồng người Hồi giáo tại Pháp nói riêng, và tại châu Âu nói chung, trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành và kỳ thị.

Vài năm gần đây, tâm lý bài Hồi giáo đã có dấu hiệu tăng mạnh tại Pháp, Đức, Italia… thể hiện qua các diễn biến: các đảng cực hữu ngày càng có thêm nhiều kết quả tốt trong các cuộc bầu cử, một số nhân vật nổi tiếng không ngần ngại công khai thể hiện quan điểm bài Hồi giáo.

Nỗi lo ngại đặc biệt mạnh mẽ tại Pháp, nơi có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất châu Âu với khoảng 5 - 6 triệu người, trong lúc chính phủ Pháp lại rất tích cực trong cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi, cũng như lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria.

Cả Mỹ lẫn châu Âu đang quên một điều, sự lạm dụng trong tự do ngôn luận lẫn những chính sách mang tính kỳ thị chủng tộc mới chính là gốc rễ của vấn đề, tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa cực đoan.

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh để bàn cách chống chủ nghĩa cực đoan theo con đường bạo lực có thể làm cho bạo lực bùng lên mạnh hơn, đúng như lời dự đoán của cựu Đại sứ Pháp Marc Pierini: “Chúng ta đang ở trong vòng luẩn quẩn vì vụ khủng bố ở Paris và các cuộc biểu tình bài Hồi giáo sẽ nuôi dưỡng lẫn nhau”.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục