Ngày 19-3, Mỹ và liên quân chính thức khai hỏa trên vùng trời Libya, đánh dấu cuộc chiến đầu tiên do chính quyền Tổng thống Obama khởi xướng. Từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Mỹ “đều đặn” tiến hành chiến tranh ở khắp các châu lục mà theo các nhà phân tích quân sự - chính trị thế giới, mỗi nhiệm kỳ tổng thống đã tiến hành ít nhất một cuộc chiến.
- Tổng thống Truman và cơn ác mộng ở Nhật Bản
Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 được “khóa sổ” bởi hai vụ ném bom nguyên tử xuống TP Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào ngày 6-8 và 9-8-1945 theo lệnh của Tổng thống Mỹ mới lên lúc bấy giờ là Harry S.Trunan (1945-1953). Ít nhất 214.000 người đã thiệt mạng, phần lớn là dân thường. Cuộc chiến tai hại nhất trong lịch sử nhân loại đã khép lại nhưng thế giới vẫn chấn động vì những cuộc chiến sau đó, phần lớn do Mỹ và đồng minh tiến hành.
Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Truman quyết định dồn lực vào cuộc chiến Triều Tiên (1950-1953). Mỹ cũng xác định rằng, Đông Bắc Á có nhiều lợi ích trong chiến lược toàn cầu của mình, mà điểm then chốt là Hàn Quốc. Với Mỹ, Hàn Quốc là mấu chốt chiến lược đối với sự có mặt của Mỹ tại châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Bởi ngoài sự đề phòng Liên Xô, Mỹ còn sợ nếu mất Hàn Quốc, không chỉ Liên Xô và Trung Quốc, Nhật Bản cũng sẽ là một đối trọng với Mỹ.
Năm 2010, Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên dẫn một báo cáo nhân kỷ niệm 60 năm ngày xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong đó tính toán rằng chi phí thiệt hại do Mỹ gây ra kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt năm 1945 là gần 65.000 tỷ USD. Con số này bao gồm hơn 26.000 tỷ USD bồi thường cho các hành vi tàn bạo của Mỹ khiến 1,23 triệu người Triều Tiên thiệt mạng, 2,46 triệu người bị thương và hơn 1 triệu người bị bắt cóc hoặc mất tích.
- Kennedy và tội ác da cam
Lịch sử đã ghi nhận nhiều đời Tổng thống Mỹ đóng vai trò quan trọng, gây nên mất mát to lớn trên chiến trường Việt Nam thập niên 1950-1970. Ngày 10-8-1961, chất độc da cam/dioxin lần đầu tiên được rải thử nghiệm xuống đồng bằng miền Nam Việt Nam. Đến tháng 11-1961, Tổng thống J.Kennedy (1961-1963) chính thức đồng ý việc sử dụng loại chất độc này để phát quang tất cả khu vực cây cỏ, phục vụ cho cuộc chiến. Đến năm 1971, Mỹ đã rải tổng cộng 83 triệu lít chất độc da cam xuống Việt Nam, khiến ít nhất 4,8 triệu người Việt Nam và hàng trăm ngàn lính Mỹ bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, con số thực tế khó có thể thống kê được vì những hệ lụy sau đó là vô cùng to lớn.
Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) đã khiến 58.209 lính Mỹ thiệt mạng, hơn 153.000 lính bị thương và đây là một trong những cuộc chiến “đắt giá” nhất của Mỹ với phí tổn lên đến 676 tỷ USD. Về phía Việt Nam, 3-5 triệu người đã thiệt mạng trong chiến tranh, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội và môi trường mà cuộc chiến đã gây ra. Trong đó có tỷ lệ dị tật bẩm sinh cao nhất thế giới (khoảng 300 trẻ em dị tật ra đời mỗi năm). Một nửa diện tích rừng của Việt Nam bị phá hủy do chất độc da cam. Theo trang từ điển bách khoa Britannica, chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam được xếp vị trí thứ 2 trong tốp 10 sai lầm lớn nhất của các đời Tổng thống Mỹ.
Một sai lầm lớn nữa của vị Tổng thống thứ 33 là giai đoạn 1961-1963, khi ông tán thành việc các các phần tử lưu vong Cuba đổ bộ vào Vịnh Con heo nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Kế hoạch được tiến hành vào tháng 4-1961, chưa đầy 3 tháng kể từ khi John F.Kennedy lên nhậm chức tổng thống. Quân đội Cuba, được sự huấn luyện và trang bị từ các quốc gia thuộc khối phía Đông, đã đánh bại đội quân lưu vong trong vòng 3 ngày.
- Hai đời Tổng thống Bush và “khát vọng” Iraq
Năm 2003, Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush (2001-2009) lấy cớ Iraq có vũ khí sinh học trái phép, phát động chiến dịch giải phóng Iraq. Cuộc chiến kéo dài trong 8 năm, để lại tổn thất lớn đối với Mỹ và các nước đồng minh. Theo thống kê chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, 4.758 binh sĩ nước này đã thiệt mạng tại Iraq cùng hàng ngàn binh sĩ bị thương. Nhiều người dân Mỹ bất bình khi người thân của họ phải đổ máu ở một đất nước xa xôi. Sau đó là những nỗi đau bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần với “Hội chứng Iraq” đeo đẳng cuộc đời của những cựu binh Mỹ. Tính đến nay đã có đến 106.000 lính Mỹ bị các dạng bệnh trầm cảm, tỷ lệ tự sát trong binh lính tăng vượt ngưỡng trung bình trong dân chúng.
Trong khi đó, trang Just Foreign Policy đưa ra con số gây sốc: Số dân thường thiệt mạng trong 8 năm xảy ra chiến tranh tại Iraq là hơn 1,4 triệu người, gấp 10 lần con số mà Mỹ và đồng minh xác nhận. Số tiền mà chính quyền Mỹ đổ vào cuộc chiến là 740 tỷ USD và nếu đặt con số này bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp vượt hơn mức 9% kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, sẽ hiểu được vì sao, phần lớn người dân Mỹ phản đối cuộc chiến này.
Thật sự, cuộc chiến xâm lược Iraq không phải đến tháng 3-2003 mới bắt đầu mà nó đã được khơi mào từ năm 1991, khi Mỹ dưới thời Tổng thống George G.Bush (“Bush cha”) kéo theo liên minh gần 30 quốc gia, trong đó có Anh và được Liên hiệp quốc phê chuẩn giải phóng Kuwait để bảo vệ nhân quyền (?!). Trong cuốn The Secret War on Iraq (Cuộc chiến bí mật ở Iraq), nhà báo, nhà làm phim tài liệu về đề tài chiến trường, John Richard Pilger (người Anh gốc Australia) đã phân tích rằng mục đích của nhiệm vụ được gọi là “tái thiết Iraq” chẳng qua chỉ là cách để Mỹ và Anh tiến đến kiểm soát nguồn dầu lớn từ quốc gia Trung Đông này. Cuộc chiến còn được gọi là Chiến dịch Bão táp sa mạc để lại thiệt hại nặng nề cho liên minh.
Về phía Mỹ, 148 binh sĩ tử trận, một phi công bỏ mạng ở vùng núi hẻo lánh của Iraq. Anh xác nhận có 24 binh sĩ tử trận, Pháp là 2 và các quốc gia Ả Rập có tổng cộng 39 thương vong trong tổng số binh sĩ bị thương vong khi ấy là 776 người (Mỹ có 467 người). Tuy nhiên cho đến năm 2000, 183.000 cựu chiến binh chiến tranh vùng Vịnh (hơn 1/4 binh sĩ tham chiến) đã được Bộ Cựu chiến binh tuyên bố là tàn tật. Khoảng 30% trong số 700.000 nam và nữ phục vụ trong lực lượng Mỹ tại chiến tranh vùng Vịnh vẫn chịu nhiều rối loạn tâm lý, thường được nhắc đến là “Hội chứng vùng Vịnh”.
Dưới thời của G.W.Bush, một quyết định tham chiến quan trọng được đưa ra, gây ra nhiều hệ lụy đối với nước Mỹ hiện tại chính là quyết định đem quân đến Afghanistan. Lý do là quyết chiến với lực lượng khủng bố Al-Qaeda vì đã gây ra vụ tấn công kinh hoàng ngày 11-9-2001, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Nhưng lại một lần nữa, tác giả John Richard Pilger cho rằng động cơ dẫn đến cuộc chiến này không gì khác ngoài đường ống dẫn dầu từ Turkmenistan đến Pakistan. Số lính Mỹ thiệt mạng từ năm 2001 đến nay là 2.373 người, chỉ riêng năm 2010 là 711 người. Số dân thường Afghanistan thiệt mạng chỉ trong năm 2010 là đã lên đến 2.777 người.
Chiến dịch đẫm máu này được Mỹ gọi là chiến dịch tự do lâu dài. Đối với Anh, đồng minh thân cận nhất và luôn sát cánh với Mỹ trong những cuộc chiến mang danh chính nghĩa này cũng đã đối mặt với những hậu quả nặng nề. Đến nay, ít nhất 358 lính Anh đã thiệt mạng trên chiến trường Afghanistan. Dù đã trải qua hai phiên điều trần nhưng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vẫn không giải thích được quyết định tham chiến tại Iraq một cách thỏa đáng. Và giờ đây, chính quyền Mỹ cũng đã phải cay đắng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế là do sa lầy trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan.
- Những vòng lặp đều đặn
Trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) được thế giới đánh giá là một trong những vị Tổng thống gieo hạt giống chiến tranh ở nhiều nơi, từ châu Mỹ La tinh, Trung Đông đến Đông Nam Á. Khi ra tranh cử, ông Reagan hứa cắt giảm thuế và xóa bỏ bội chi ngân sách nhưng khi rời Nhà trắng, ông đã để lại một lỗ hổng trong ngân sách liên bang lớn hơn của cả 39 người tiền nhiệm cộng lại. Nguyên nhân chính đến từ các cuộc chiến bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Chính sách ngoại giao đi kèm quân sự của Tổng thống Reagan không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Nhưng thất bại lớn của Reagan được nhắc đến nhiều gắn với vụ vụ Iran-Contra năm 1986. Tổng thống đã bị buộc phải thừa nhận ông đã chấp thuận cung cấp vũ khí cho Iran trái với chính sách của quốc gia. Sau đó, sự việc bị lộ rằng lợi nhuận từ bán vũ khí được chuyển sang giúp phiến quân Contra chống chính phủ cánh tả Sandinista ở Nicaragua.
Dưới thời Tổng thống Bill Clinton (1993-2001), chiến tranh Nam Tư năm 1999 xảy ra khi Mỹ và NATO dưới danh nghĩa bảo vệ người Albania thiểu số ở Kosovo lật đổ Milosevich, người có xu hướng chống Mỹ và phương Tây. Hậu quả là hơn 10.000 người thiệt mạng, 800.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Và cuộc chiến Libya đang diễn ra là cuộc chiến đầu tiên do Tổng thống Mỹ đời thứ 44 Barack Obama tiến hành, là cuộc chiến thứ 3 ông can dự vào chỉ trong 2 năm đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình
NHƯ QUỲNH
| |