Ngân hàng nhà nước Trung Quốc ngày 29-2 đã hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống mức thấp nhất trong tháng 2. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ấn định giá 6,5452 NDT đổi 1 USD, giảm 0,17% trong ngày 29-2. Trên thị trường nội địa Trung Quốc, NDT tiếp tục rớt giá nhiều hơn quy định của nhà nước.
Tại hội nghị cấp bộ trưởng tài chính nhóm G20 ở Thượng Hải ngày 26 và 27-2, thống đốc Ngân hàng nhà nước Trung Quốc Chu Tiểu Xuân tuyên bố Trung Quốc không sử dụng biện pháp phá giá để thúc đẩy xuất khẩu. Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói với phía Trung Quốc rằng, thế giới cần có thông tin rõ ràng và thường xuyên về các chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Ngoài ra, một cam kết mới về tư vấn về chính sách tiền tệ đã được G20 thông qua ngày 27-2 được xem là rất quan trọng, làm giảm nguy cơ phá giá để giành ưu thế cạnh tranh.
Động thái giảm giá NDT của Trung Quốc ngày 29-2 đã khiến Mỹ bất ngờ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh “tiến bước có trật tự vào hệ thống tài chính thế giới, trong đó trị giá NDT phải do thị trường điều tiết”. Tháng 8-2015, Bắc Kinh đã làm chấn động các sàn giao dịch thế giới khi đột ngột phá giá NDT đến 5%. Đến tháng 1-2016, một lần nữa Bắc Kinh tự đánh mất tín nhiệm qua biện pháp hạ thấp biên độ dao động lên xuống của NDT trong 8 ngày giao dịch liên tiếp, làm dấy lên mối lo ngại Trung Quốc có chủ ý cho đồng tiền trượt giá. Vấn đề là với đồng tiền càng ngày càng yếu, cộng với tăng trưởng kinh tế hụt hơi, sẽ tạo ra một vòng xoáy nguy hiểm. Giới đầu tư Trung Quốc đổ tiền mua USD; tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài, đẩy ngược sức ép làm đồng NDT xuống giá thêm. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm tới 99,5 tỷ USD trong tháng 1, còn 3,23 ngàn tỷ USD. Hơn thế nữa, những lo ngại về kinh tế càng tăng sức ép mất giá với NDT. Thống kê mới được công bố ngày 1-3 cho thấy, năng lực sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc giảm đến mức thấp nhất trong 7 tháng và các dịch vụ cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm. Tại Hội nghị bộ trưởng tài chính G20 tại Thượng Hải tuần qua, Trung Quốc cam kết mạnh mẽ tái cân bằng nền kinh tế và thực hiện các loại cải cách cần thiết, bao gồm cải cách trong việc giảm công suất dư thừa. Thách thức hiện nay với các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc là làm sao cắt giảm công suất dư thừa trong sản xuất mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và không gây sốc cho thị trường tài chính thế giới.
Việc phá giá NDT, theo giáo sư Eswar Prasad, Đại học Cornell, phát biểu với tờ Wall Street Journal rằng “sự biến động hơn nữa loại tiền tệ này đã được báo trước khi Ngân hàng nhà nước Trung Quốc sử dụng NDT như một công cụ để hỗ trợ tăng trưởng”. Theo các chuyên gia, nếu xu hướng phá giá NDT tiếp tục, việc ổn định tiền tệ lại trở thành mối quan tâm hàng đầu và một cuộc khủng hoảng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc là một trong những dấu hiệu căng thẳng nhất. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể phải tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ để giữ NDT trong một phạm vi hợp lý. Can thiệp như vậy sẽ khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc bán USD để mua NDT và khi đó hiệu quả về một thị trường lấy NDT làm trung tâm bị đe dọa.
THỤY VŨ