(SGGPO).- Ngày 9-1-2013, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án "lạ" - con giết mẹ xảy ra ở tỉnh Vĩnh Long. Cũng như ở những phiên tòa trước, hai bị cáo một mực kêu oan.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 2 giờ sáng 7-2-2007, Huỳnh Văn Quyên (SN 1962, ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đến giường ngủ của mẹ ruột là bà Dương Thị Tám (SN 1929, sống cùng nhà) gọi bà thức dậy đi Cà Mau. Bị bà tiếp tục la rầy về việc không ép chuối phơi khô và tổ chức đám giỗ không đúng ý bà, Quyên dùng tay trái bóp vào cổ áo bà Tám, tay phải ôm sau lưng kéo lại. Bà Tám vùng vẫy nên Quyên bóp mạnh tay hơn. Khi bà Tám không còn cử động, Quyên đưa bà lên giường. Thấy bà Tám nằm im, cho rằng bà đã chết nên Quyên gọi vợ là Lê Thị Tám (SN 1967) đến.
Nghĩ rằng mẹ chồng đã chết, Lê Thị Tám bàn với chồng mang xác đi giấu. Trong lúc hai vợ chồng bị cáo Quyên mang xác bà Tám xuống bến sông trước nhà để đưa xuống xuồng chở ra sông Tân Hạnh phi tang thì bị chị Trần Thị Ngọc Yến nhìn thấy. Sau khi bỏ xác mẹ xuống sông, dọc đường vợ chồng bị cáo bơi xuồng về nhà cũng bị anh Dương Quang Phuông và chị Trần Thị Ngọc Yến nhìn thấy.
Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 2-2012, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt bị cáo Quyên mức án tù chung thân về tội "Giết người", bị cáo Tám 4 năm 4 tháng 7 ngày tù - bằng thời hạn bị tạm giam - về tội "Che giấu tội phạm". Sau phiên xử, hai bị cáo Quyên và Tám làm đơn kháng cáo kêu oan. Đại diện hợp pháp của bị hại (các con bà Dương Thị Tám) cũng làm đơn kháng cáo kêu oan cho hai bị cáo, cho rằng mẹ mình chết là do tự tử vì trước đây bà Tám nhiều lần nhắc đến chuyện khi về già sẽ tự tìm đến cái chết để không làm khổ bản thân và làm khổ con cháu.
Tại phiên xử phúc thẩm, trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử về những lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra, hai bị cáo cho biết đã khai theo sự ép cung, mớm cung của cán bộ điều tra. "Vì muốn được về sớm chăm sóc con và có điều kiện làm đơn kêu oan cho chồng nên bị cáo viết tờ thú tội theo kịch bản có sẵn của cán bộ Tâm", bị cáo Tám nói.
Về chi tiết vì sao nhận diện được xác người chết là mẹ của mình ngay khi vừa nhìn thấy, bị cáo Quyên khai: "Trên cái xác có cái khăn mà mẹ tôi thường xuyên xài, lại bận bộ đồ mà chiều hôm trước bị cáo thấy mẹ mặc nên biết đó là mẹ mình".
Trong phần bào chữa cho hai bị cáo, luật sư Trương Đình Tùng nêu nhiều điểm nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong vụ án. Cụ thể, các lời khai nhận tội của bị cáo Quyên, của bị cáo Tám không thống nhất về địa điểm, thời gian, cách thức giết bà Tám cũng như cách phi tang xác bà nhưng vẫn được dựa vào đó để kết luận các bị cáo có tội.
Ngoài ra, lời khai của hai nhân chứng Trần Thị Ngọc Yến, Dương Quang Phuông cũng mâu thuẫn nhau. Bà Yến khai do nước sông cạn nên bị cáo Quyên phải dùng dầm chống xuồng đi, trong khi ông Phuông khẳng định nước sông dâng cao, xuồng vợ chồng Quyên bơi bình thường... Từ những luận cứ nêu trên, luật sư đề nghị hội đồng xét xử tuyên hai bị cáo vô tội, trả tự do tại tòa.
Theo hội đồng xét xử, lời kêu oan của các bị cáo và lời bào chữa của luật sư không có căn cứ để chấp nhận. Bên cạnh đó, các bị cáo nói rằng bị ép cung nhưng lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh, trong khi lời khai nhận tội của các bị cáo tại cơ quan điều tra phù hợp với lời khai của các nhân chứng. Nhận định bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là phù hợp, đúng người, đúng tội, hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Quyên mức án tù chung thân về tội "Giết người", bị cáo Tám 4 năm 4 tháng 7 ngày tù về tội "Che giấu tội phạm".
ÁI CHÂN