(SGGPO).- Trước vụ hai “bảo mẫu” Lê Thị Đông Phương, Nguyễn Lê Thiên Lý của điểm trẻ gia đình Phương Anh, quận Thủ Đức ngược đãi, hành hạ trẻ em gây bức xúc trong dư luận, chiều 18-12, Thường trực Thành ủy TPHCM đã có công văn số 861 yêu cầu Ban Thường vụ quận ủy Thủ Đức chỉ đạo các cơ quan của quận khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước trên địa bàn của tập thể và cá nhân có liên quan.
Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu lãnh đạo quận Thủ Đức tăng cường kiểm tra các nhóm, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục đảm bảo đủ điều kiện. Giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TP, Ban cán sự đảng VKSND TP, Ban cán sự đảng TAND TP chỉ đạo ngành dọc tại quận Thủ Đức khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử vụ việc. Kết quả thực hiện các đơn vị, địa phương phải báo cáo Thường trực Thành ủy trước 15-1.
Trước các vụ việc ngược đãi, hành hạ trẻ em xảy ra liên tục thời gian qua (trước đó là người giữ trẻ Hồ Ngọc Nhờ đánh chết cháu Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi cũng trên địa bàn Thủ Đức), cũng trong chiều 18-12, Ban Thường vụ Thành ủy đã có công văn chỉ đạo các ban thường vụ quận ủy, huyện ủy khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động của các nhóm, lớp mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non trên địa bàn. “Kiên quyết rút giấy phép các nơi không đủ tiêu chuẩn; xử lý nghiêm các nhóm, lớp, trường mầm non không phép đồng thời khẩn trương đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các trường mầm non đúng tiêu chuẩn theo quy định để đáp ứng nhu cầu người dân. Kết quả cụ thể các địa phương phải báo cáo Thường trực Thành ủy trước 15-1” - công văn của Ban Thường vụ Thành ủy nhấn mạnh.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP kiểm tra, xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cán bộ công chức – viên chức có liên quan; khắc phục khẩn trương trình trạng thiếu trường mầm non, nhà trẻ. Giao UBND TP chỉ đạo Sở GD-ĐT, BQL các khu chế xuất - khu công nghiệp TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng trường mầm non tại các KCX-KCN đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân.
* Chiều cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM Huỳnh Công Hùng cho biết, sáng 23-12, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ triệu tập phiên họp nghe lãnh đạo các sở: GD-ĐT, LĐTB-XH, Tư pháp và chủ tịch UBND 24 quận, huyện báo cáo tình hình quản lý hoạt động của các trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn TP và từng địa bàn quận, huyện; giải pháp để quản lý dịch vụ trông giữ trẻ một cách hiệu quả.
Ông Huỳnh Công Hùng cho biết: “Thời gian qua trên địa bàn TP xảy ra tình trạng một số nhóm trẻ gia đình, một số cá nhân tổ chức dịch vụ trông giữ trẻ hoạt động không phép, có hành vi xâm hại, bạo hành với trẻ em đã gây nhiều bức xúc trong dư luận người dân. Ban sẽ làm việc với các địa phương, ban ngành có liên quan để nắm bắt tình hình, khẩn trương đề ra giải pháp quản lý hiệu quả, ngăn chặn cho được việc các em bị bạo hành”.
Hồng Hiệp
Cảnh sát khu vực biết nhóm trẻ Phương Anh hoạt động chui nhưng không tố giác?
(SGGPO).- Liên quan đến vụ hành hạ trẻ em tại nhóm trẻ Phương Anh (số 18 đường Hiệp Thành, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM), ngày 18-12, PV Báo SGGP tiếp xúc với ông Lê Ngọc Ẩn, Tổ trưởng Tổ dân phố 2 (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh).
Ông Ẩn cho biết, nhóm trẻ này hoạt động hơn một năm nay, bản thân ông hằng ngày có đi ngang qua và biết là hoạt động chui nhưng không thể xử lý. Lý giải điều này, ông Ẩn cho rằng tổ trường tổ dân phố, cũng như khu phố không có thẩm quyền kiểm tra và xử lý đối với các nhóm trẻ (!?).
Theo ông Ẩn, những người làm việc tại nhóm trẻ Phương Anh (chủ nhóm cũng như nhân viên đều là người vãng lai). Khi đến tạm trú và mở nhóm trẻ, những người này có thông báo và đăng ký tạm trú với cảnh sát khu vực. Trong mẫu khai tạm trú, tạm vắng có ghi rõ nghề nghiệp, công việc của người đến tạm trú. Như vậy là cảnh sát khu vực có biết nhóm trẻ Phương Anh hoạt động. còn vì sao nhóm trẻ này hoạt động chui trong thời gian dài mà không bị phát giác thì không rõ.
Chiều 18-12, PV cũng đã liên hệ với Công an phường Hiệp Bình Phước, tiếp xúc chúng tôi, một cán bộ ở đây cho biết lãnh đạo đã đi họp, tất cả hồ sơ vụ việc đã được công an phường chuyển lên công an quận và không trả lời gì thêm.
Ông Trương Văn Thống, Bí thư Quận ủy Thủ Đức, cho biết Quận ủy đang chỉ đạo UBND quận gấp rút kiểm tra, làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của phường, khu phố, tổ dân phố, cảnh sát khu vực, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị. Quan điểm của Quận ủy trong vụ việc này là phải xử dứt khoát, xử thật nghiêm để tránh những vụ việc gây nhức nhối tương tự xảy ra. Ông Thống cũng cho biết, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát hoàn tất các thủ tục pháp lý, sẽ đưa vụ việc ra xét xử lưu động và mời tất cả lãnh đạo, giáo viên, nhân viên của các nhóm trẻ – trường mầm non trên địa bàn tham dự nhằm răn đe, rút kinh nghiệm.
Tuấn Vũ
Vụ bạo hành trẻ em ở Thủ Đức - Bài học lớn của sự thiếu kiên quyết
“Dư luận chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ về vụ một bảo mẫu bạo hành đến chết một cháu bé ở nhóm trẻ gia đình tại Thủ Đức, nay cũng trên địa bàn này lại tiếp tục xảy ra vụ bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh. Đây là bài học rất lớn của sự thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của địa phương” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà nhấn mạnh điều này tại cuộc họp kiểm điểm giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2011-2013 trên địa bàn quận Thủ Đức, vào sáng 18-12.
“Nghe đến... nhức mình luôn”
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nói về trách nhiệm liên quan đến vụ này cũng khó nhưng về chủ quan, công tác quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở. Đó là trách nhiệm của ngành giáo dục, trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, là phường, là quận. “Thấy được điều này để không đùn đẩy trách nhiệm khiến dư luận phải bức xúc thêm. Tôi thấy dở ở chỗ này, trong quá trình xử lý sai phạm tại đây, địa phương đã biết trái phép rồi nhưng giải pháp không quyết liệt. Đáng lẽ ra phải dẹp ngay thì đã không xảy ra câu chuyện đau lòng này” - ông Nguyễn Hoài Chương bày tỏ.
Để rõ thêm thông tin, lãnh đạo quận Thủ Đức cho biết, năm 2012 địa điểm này tổ chức dạy nhạc cho thiếu nhi, đến năm 2013 bắt đầu giữ trẻ nhưng không có phép. Trước đó, UBND quận đã chỉ đạo 12 phường rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, trường mầm non tư thục trên địa bàn. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, “các phường chưa quyết liệt”. Lãnh đạo quận Thủ Đức cũng nêu những khó khăn trong quản lý, xử lý nhóm trẻ gia đình khi các trường công lập chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Trong khi đó, nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi rất lớn. Vì lẽ đó, từ vụ việc này lãnh đạo quận Thủ Đức kiến nghị TP có giải pháp thực hiện loại hình giữ trẻ tại các cơ sở công lập ở độ tuổi từ 6 tháng đến 18 tháng hoặc trường hợp thực hiện xã hội hóa thì cần có sự hướng dẫn các cơ sở giữ trẻ tư thục ở lứa tuổi này. Đó là chưa kể bất cập, công nhân làm việc theo ca, trong khi các trường công lập chỉ giữ trẻ theo giờ hành chính.
Kiểm điểm từng cán bộ buông lỏng quản lý
Để rõ thêm vấn đề, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà “truy” Sở VH-TT-DL: “Phường vừa để xảy ra bạo hành trẻ em có được danh hiệu phường văn hóa không?”. Ông Trần Lộc, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Gia đình, Sở VH-TT-DL, cho rằng đã giao thẩm quyền công nhận, xét duyệt khu phố văn hóa, phường văn hóa, phường văn minh đô thị cho quận - huyện. Tuy nhiên, trường hợp địa phương để xảy ra tệ nạn xã hội, trọng án hay bạo hành trẻ em như cơ sở Phương Anh thì sẽ “không tha”, nếu phường này đang được công nhận danh hiệu văn hóa sẽ không được tiếp tục.
Theo Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà, bài học rất lớn rút ra từ vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Phương Anh là nếu không kiên quyết trong xử lý sai phạm sẽ gây ra hậu quả rất lớn, nhất là những vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã liên tục xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc lớn trong dư luận, như tình trạng xây dựng hàng trăm căn nhà không phép tại huyện Bình Chánh, vụ lương khủng tại các doanh nghiệp công ích và tình trạng bạo hành trẻ em tại các trường tư thục, nhóm trẻ. Sai phạm lương khủng tại các doanh nghiệp công ích do chính cơ quan quản lý nhà nước phát hiện nhưng cán bộ quản lý còn phải kiểm điểm, bị xử lý; trong khi đó, vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Phương Anh lại do báo chí phanh phui, cho nên quận phải kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân đã để xảy ra sai phạm trong quản lý.
Bài học lớn thứ 2 trong công tác quản lý nhà nước, theo Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà, khi những bất cập nếu không được giải quyết kịp thời thì vấn đề sẽ phát sinh ngoài tầm kiểm soát và cũng không thể lường hết hậu quả. Do vậy, đồng chí yêu cầu các sở ngành chức năng, chính quyền địa phương phải rà soát, thống kê cụ thể nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi để kiến nghị TP, Trung ương có giải pháp. Một vấn đề quan trọng khác, là việc giáo dục, nâng cao tư cách, phẩm chất của con người, đặc biệt đối với người giữ trẻ rất quan trọng nên ngành giáo dục phải quan tâm nhiều hơn.
Kiên quyết ngưng hoạt động các nhóm trẻ không phép
Về vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Phương Anh, trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết: Đây là hành vi nghiêm trọng có dấu hiệu hình sự của người quản lý điểm giữ trẻ Phương Anh. Chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm, đã đề nghị đình chỉ hoạt động và phạt vi phạm hành chính, nhưng chủ cơ sở vẫn cố tình hoạt động. Sở GD-ĐT đã đề nghị UBND quận Thủ Đức xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời đề nghị UBND quận Thủ Đức tổ chức rà soát toàn bộ các nhóm trẻ trên địa bàn, kiên quyết ngưng hoạt động các nhóm trẻ không phép.
Từ năm 2008, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 03/2008/CT-UBND về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non tại TPHCM. hiện Sở GD-ĐT đã trình dự thảo Chỉ thị của UBND TP về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non, các cơ sở giáo dục mầm non tại TPHCM thay thế Chỉ thị 03/2008/CT-UBND để phù hợp tình hình mới.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, đầu năm học 2013 - 2014, sở đã kiểm tra 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập, 1.379 nhóm lớp có phép và 92 nhóm lớp không phép. Kết quả: có 12/451 trường ngoài công lập, 130/1379 nhóm lớp có phép và 84/92 nhóm không phép chưa đảm bảo yêu cầu.
Vận động doanh nghiệp hỗ trợ giữ con công nhân
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM: Hiện 15 KCX-KCN trên địa bàn TPHCM có khoảng 270.000 công nhân lao động (CNLĐ), trong đó, 60% là nữ. Nhu cầu về nhà ở, nhà trẻ cho con em CNLĐ đang là nhu cầu bức thiết của đa số CNLĐ.
Ai cũng muốn con mình được chăm sóc, học tập ở những nơi có chất lượng. Tuy nhiên, đa số thu nhập trung bình của cả hai vợ chồng công nhân chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tháng nên khó có điều kiện gửi vào cơ sở chất lượng. Còn gửi vào các cơ sở nhỏ lẻ tự phát đồng nghĩa với việc con em có được chăm sóc chu đáo tùy thuộc vào lương tâm người giữ trẻ.
Trước đây, quy hoạch các KCX-KCN chỉ tập trung xây dựng hạ tầng, cây xanh, chưa chú ý đến việc hình thành các nhà trẻ dành cho con CNLĐ - ngoại trừ KCN Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có nhà trẻ. Bây giờ, việc xây dựng các trường mầm non là hết sức khó khăn, vì quỹ đất tại các KCX-KCN không còn trống. Trước tình hình trên, LĐLĐ TP kiến nghị, lãnh đạo TP nghiên cứu xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp (DN) xây dựng nhà trẻ cho con công nhân. Ít nhất, mỗi KCX- KCN cần có một nhà trẻ nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Đối với KCX-KCN còn ít quỹ đất, mong TP xem xét điều chỉnh quy hoạch, trích một phần diện tích đất, hoặc mảng xanh để xây dựng nhà trẻ trên cơ sở vẫn đảm bảo mảng xanh cho khu vực. Kiến nghị TP chỉ đạo ngành dọc tăng cường quản lý chặt chẽ, kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở ngoài công lập, cơ sở giữ trẻ tự phát. Nếu các cơ sở vi phạm thì cần chấn chỉnh, thậm chí đóng cửa. Nếu có sự quản lý nghiêm, có nhiều cơ sở giữ trẻ chất lượng, CNLĐ sẽ yên tâm làm việc, cống hiến cho xã hội. Nhằm chia sẻ với TP, với các DN chưa có nhà trẻ cho con em CNLĐ, với trách nhiệm của tổ chức công đoàn, LĐLĐ TPHCM đã chỉ đạo công đoàn cơ sở tích cực vận động DN có biện pháp hỗ trợ CN tiền giữ trẻ; tùy theo điều kiện thực tế của DN, có thể hỗ trợ từ 30%, 50% hay 100% giá giữ trẻ hàng tháng. Đồng thời, các cấp công đoàn cũng tuyên dương, nhân rộng các điển hình DN trong việc chăm lo tốt cho CNLĐ trong đó có việc tạo điều kiện giữ trẻ cho CNLĐ.
Lỗi không chỉ của 2 bảo mẫu
Hai ngày qua, ai cũng phẫn nộ trước hành động nhẫn tâm đối với trẻ em của 2 “bảo mẫu” ở nhóm trẻ Phương Anh. Việc Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý bị khởi tố, bắt tạm giam đã phần nào xoa dịu được nỗi bức xúc của mọi người.
Những lời cay nghiệt mà mọi người dành cho 2 “bảo mẫu” này, là không oan. Nhưng công bằng mà nói, lỗi không chỉ của họ. Nói cách khác, họ cũng là “nạn nhân” của một nền giáo dục với nhiều bất cập. Một khi giáo dục được mang đi “kinh doanh” như hiện nay thì những sự việc đau lòng như trên chẳng có gì là khó hiểu. Bởi lẽ, khi các trường công lập mang đi kinh doanh dưới bức rèm “xã hội hóa” (như trường hợp “xã hội hóa” Trường Mầm non 29-3 ở Đà Nẵng), mức học phí sẽ tăng cao, phụ huynh không đủ tiền phải chạy vạy kiếm trường công khác để gửi con đi học; nếu xin cho con không được, đành ngậm ngùi gửi con mình đến các nhóm trẻ gia đình để giảm bớt chi phí. Mà nhóm trẻ gia đình phần lớn là tự phát, giáo viên và bảo mẫu ở đây đa phần chưa được đào tạo bài bản, không có nghiệp vụ sư phạm nên khi đối mặt với sự quấy, phá, khóc... của trẻ, họ lúng túng và áp dụng những biện pháp dạy trẻ phản sư phạm, làm tổn hại đến sức khỏe, đặc biệt là tâm hồn của trẻ, như trường hợp ở nhóm trẻ Phương Anh.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc đau lòng liên quan đến bảo mẫu hành hạ trẻ em mầm non, và mỗi lần như vậy, từ báo chí đến các ngành chức năng đều nhận định đây là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các nhóm trẻ gia đình, các trường học. Tuy nhiên, xác định như vậy là thiếu, vì người được cảnh tỉnh ở đây không thể thiếu những người làm công tác xây dựng chính sách giáo dục. Bởi nếu, chính sách (vĩ mô) mà tốt, sâu sát thì ắt những trường hợp đau lòng như trên không nhan nhản như bây giờ.
Mong sao, những người làm giáo dục, những nhà quản lý và xây dựng chính sách giáo dục hãy nghĩ trước khi làm một điều gì đó liên quan đến giáo dục chứ không phải là “mang (vụ hành hạ trẻ ở TPHCM) ra xử lưu động rồi mời các đối tượng đang hành nghề bảo mẫu tương tự như nhóm Phương Anh đến dự để răn đe” như một vị lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM trả lời báo giới vào trưa 18-12. Bởi lẽ, làm như vậy chưa hẳn mang lại hiệu quả. Cái người dân cần là một chính sách giáo dục hợp lý là trách nhiệm từng người chứ đừng mãi “đề xuất”, “kiến nghị” rồi mọi thứ rơi vào quên lãng.
NHÓM PV