Vụ Bệnh viện Đa khoa Tây Đô, sau 8 năm thành lập, tranh chấp kéo dài: Sẽ tiếp tục nội chiến?

Sau khi Báo SGGP đăng tải bài viết “Bệnh viện Đa khoa Tây Đô, sau 8 năm thành lập: Tranh chấp kéo dài”, PV Báo SGGP đã đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP Cần Thơ) để tìm hiểu xem khi nào bệnh viện này có giấy phép kinh doanh mới.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Vì tính chất phức tạp của vụ việc tranh chấp kéo dài ở Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô (BVTĐ), vừa qua, đơn vị đã có văn bản gửi đến Công an TP Cần Thơ, Sở Tư pháp, VKSND TP Cần Thơ, TAND TP Cần Thơ để xin ý kiến về tính pháp lý của hồ sơ đăng ký chuyển đổi của Công ty TNHH Bệnh viện Tây Đô thành công ty cổ phần do nhóm thành viên gửi đề nghị ngày 14-6. Tuy nhiên đến nay các cơ quan trên vẫn chưa có ý kiến nên vẫn phải chờ…

Đối lập với nhóm thành viên trên, phía ông Diệp Thanh Bình lại cho rằng Sở KH-ĐT Cần Thơ phải cấp lại giấy phép đăng ký kinh doanh mới cho 7 thành viên ban đầu. Bởi trước đó, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do có bà Cao Thị Hồng Huệ, một thành viên sáng lập công ty là công chức, đã được làm sáng tỏ. Qua xác minh, các cơ quan chức năng đã xác nhận bà Huệ là viên chức nên được phép góp vốn sáng lập công ty. Cũng theo phía ông Bình, khi cấp giấy phép kinh doanh lại cho 7 thành viên như ban đầu, BVTĐ sẽ thực hiện theo kết luận thanh tra số 619/KLTTr-SKHĐT ngày 1-6-2010 của Sở KH-ĐT TP Cần Thơ.

Cả 2 bên đều nộp hồ sơ đề nghị Sở KH-ĐT cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho mình dựa theo những lý lẽ riêng. Chính vì sự rối rắm, phức tạp này mà hiện nay, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT TP Cần Thơ) vẫn chưa biết phải cấp giấy đăng ký kinh doanh cho bên nào. Điều này cũng đồng nghĩa, thời gian tạm ngưng hoạt động chuyên môn của BVTĐ sẽ tiếp tục kéo dài bởi chưa thể xin Bộ Y tế cấp phép hoạt động lần 2.

Chiều 29-10, trao đổi với PV Báo SGGP qua điện thoại, bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: BVTĐ là cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập do Bộ Y tế cấp phép hoạt động, Sở Y tế Cần Thơ chỉ theo dõi chuyên môn khám chữa bệnh. Tranh chấp xảy ra tại BV kéo dài, BV sử dụng con dấu vuông (thay vì là dấu tròn) là không đủ cơ sở pháp lý trong khám chữa bệnh. Giấy phép hoạt động chuyên môn bệnh viện này cũng đã hết hạn nên sở đã đề nghị bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động chuyên môn. Do BVTĐ không đủ cơ sở pháp lý hoạt động nên đến thời điểm này các BS tại BVTĐ vẫn chưa được Sở Y tế Cần Thơ cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định mới.

  • Một Điều dưỡng của Bệnh viện Tây Đô (xin giấu tên): 

Việc tranh chấp kéo dài ở bệnh viện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Là nhân viên của bệnh viện mà khi sinh con cũng không được nằm ở nơi mình công tác. Bệnh viện hoạt động không có con dấu nên không mua được thẻ bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên. Vì vậy, khi đến bệnh viện khác để sinh con tôi phải đóng toàn bộ chi phí.

  • Một bác sĩ công tác tại Khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa Tây Đô (hiện đã chuyển công tác):

Ban đầu, tôi cũng rất kỳ vọng đây sẽ là nơi đánh dấu sự mở đầu cho y tế tư nhân ở ĐBSCL với trang thiết bị máy móc hiện đại, nhân lực mạnh. Tuy nhiên đến nay thì tranh chấp kéo dài đã khiến bệnh viện này hoạt động không ra làm sao. Mới đây bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động là một sự lãng phí vô cùng lớn. Máy móc thiết bị hiện đại phải trùm mền, trong khi đời sống anh em bác sĩ, cán bộ, nhân viên thì bấp bênh… Rất nhiều người quá nản đã ra đi tìm nơi khác. Những người cố trụ lại bệnh viện, luôn thắc thỏm lo âu vì công việc không ổn định. Hiện tại anh em chỉ mong sao bệnh viện được cấp giấy đăng ký kinh doanh, hoạt động hợp pháp để còn chữa bệnh cho nhân dân, đúng như những gì một bệnh viện cần làm.

Đình Tuyển

Tin cùng chuyên mục