(SGGP).- Chiều 23-3, Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức tọa đàm “Từ đề án thay thế 6.700 cây xanh đô thị nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội”.
Tại buổi tọa đàm, TS-KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm nghiệp, cho rằng sai lầm của đề án thay thế 6.700 cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội là do từ trước đến nay nhiều người luôn xem cây đô thị giống như cây trên rừng. Việc trồng cây trong đô thị hiện nay cũng không đúng với quy cách và vì thế, cây ốm yếu, sâu bệnh là chuyện đương nhiên. để cây xanh đô thị sinh trưởng tốt, an toàn cho đô thị thì thay bằng đất phải trồng bằng giá thể, mỗi 1m³ giá thể tương đương với 100m³ đất, việc chăm sóc, tỉa cành, việc xây các đường ống cho rễ cây để không ảnh hưởng đến hạ tầng cũng phải tính đến.
“Nếu bây giờ Hà Nội chặt một cây ốm đi và thay bằng một cây mới nhưng vẫn giữ nguyên cách trồng cũ đã lạc hậu thì kết quả chắc chắn sẽ còn tệ hơn bởi môi trường đô thị cho cây sinh trưởng ngày càng xấu đi” - KTS Phó Đức Tùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS Phó Đức Tùng, TS Nguyễn Tiến Hiệp, Trung tâm bảo tồn Thực vật Việt Nam cũng cho rằng, việc thay thế cây xanh là có thể, tuy nhiên, thay như thế nào, tiêu chí cây xanh như thế nào thì cần phải được phân định rõ ràng. Đặc biệt, trước khi đưa cây trồng vào thực tế thì cần phải có thử nghiệm tại vườn ươm trong chính đô thị. Ví dụ như Hà Nội muốn trồng cây vàng tâm nhưng vàng tâm là loại cây chỉ hợp với độ cao trên 300m so với mực nước biển, sinh trưởng tốt ở độ cao 800 - 1.000m, nay đưa về sống ở đô thị thì có phù hợp không, chắc chắn là không. “Nếu vẫn tiếp tục muốn trồng loại cây này thì phải trồng thử trong các vườn ươm 3 - 4 năm xem có phù hợp không trước khi trồng đại trà trên các tuyến phố” - TS Nguyễn Tiến Hiệp cho biết.
GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam kiến nghị việc thanh tra lần này phải do Thanh tra Chính phủ thực hiện thì mới có thể minh bạch và rút được kinh nghiệm cho những lần sau.
Liên quan đến vấn đề đang gây tranh cãi về cây gỗ mỡ hay cây vàng tâm, TS-KTS Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, “vàng tâm và cây gỗ mỡ là hai loài khác nhau nhưng cùng chi nên nhìn về bên ngoài khá giống nhau”. KTS Phạm Anh Tuấn cũng cho rằng việc xác định là gỗ mỡ hay vàng tâm thì không khó.
HOÀI TRÂM - BẢO VÂN
- Việc thay thế cây xanh ở Hà Nội: Bán đấu giá nộp ngân sách số gỗ, củi