Hiện nay lũ đầu nguồn trên sông Cửu Long đang xuống dần và các nhà chuyên môn dự báo, vụ đông - xuân tới hứa hẹn trúng mùa nhờ lũ lớn đem lại nhiều phù sa. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về triển vọng vụ lúa đông - xuân, vụ lúa chủ lực trong năm, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết:
Theo kế hoạch giữa tháng 11-2011, nông dân các tỉnh thành ĐBSCL sẽ chính thức xuống giống trên 1,5 triệu ha lúa đông - xuân. Thuận lợi cơ bản là sau nhiều năm lũ nhỏ thì năm nay lũ lớn, mang theo nhiều phù sa bồi bổ cho đất, tháo chua rửa phèn, diệt sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng… Mặt khác, giá lúa hàng hóa đang ở mức khá cao từ 7.000 - 7.400 đồng/kg, sẽ kích thích nông dân đầu tư và chăm sóc lúa tốt hơn. Từ những yếu tố trên cho thấy vụ đông - xuân 2011 - 2012 ở ĐBSCL rất hứa hẹn.
- Phóng viên: Để đảm bảo vụ lúa thắng lợi, ngay từ bây giờ nông dân cần chuẩn bị gì, cơ cấu giống ra sao?
TS LÊ VĂN BẢNH: Hiện tại lũ đầu nguồn đang xuống, trong khi khu vực cuối nguồn lên theo triều. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân chủ động làm đất, nước rút là xuống giống ngay, cố gắng đến cuối tháng 12 phải dứt điểm. Các địa phương nên tập trung gieo sạ đồng loạt theo kế hoạch để né rầy, đề phòng sâu bệnh gây hại… Tùy theo điều kiện đất đai của từng nơi như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng ven biển, vùng nước ngọt… để chọn những giống lúa thích hợp. Về cơ bản, giống chất lượng cao chiếm khoảng 70% tổng diện tích; lúa thơm và lúa thường đều khoảng 15%. Với năng suất trung bình từ 6 - 6,5 tấn/ha, riêng vụ đông - xuân toàn vùng sẽ có từ 10 - 11 triệu tấn lúa. Nếu ngành nông nghiệp và nông dân chuẩn bị tốt, nhiều khả năng năng suất và sản lượng sẽ cao hơn.
- Thưa tiến sĩ, những năm qua ngành nông nghiệp liên tục đầu tư lai tạo nhiều loại giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Vì sao đến nay hạt gạo Việt Nam xuất ra thế giới vẫn chưa có thương hiệu?
Trên thực tế chúng ta có nhiều giống ngon, nhưng đến nay vẫn chỉ xuất gạo trắng ra thế giới. Điều này đáng phải suy nghĩ. Một trong những hạn chế cơ bản là ngành nông nghiệp chưa thể điều chỉnh được sản xuất đáp ứng theo tình hình mới. Quy mô canh tác vẫn thuộc dạng nông hộ, nhỏ lẻ, cơ cấu giống không đồng nhất, chất lượng gạo chưa đồng đều, thời vụ chưa đồng loạt…
Để nâng chất lượng hạt gạo và tiến tới xây dựng thương hiệu, nhất thiết phải mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất. Theo đó, các tỉnh tổ chức lại thành những cánh đồng mẫu lớn, gieo sạ đồng loạt và thu hoạch đồng loạt nhằm dễ chăm sóc, xử lý dịch bệnh, ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng… Đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP; nơi nào chuẩn bị tốt, nông dân nhiều kinh nghiệm thì áp dụng tiêu chuẩn Golbal GAP. Hiện tại nhiều nơi ở ĐBSCL đã và đang phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn được khoảng 10.000ha, bước đầu có kết quả rất khả quan: chi phí giá thành thấp, năng suất tăng, chất lượng gạo tốt và bán được giá cao; đặc biệt có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra không sợ ế.
Từ thành công trên, dự kiến vụ đông - xuân này, toàn vùng sẽ nâng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên 20.000 - 30.000ha. Kế hoạch năm 2012 - 2013 sẽ là 100.000ha và năm 2015 phát triển tới 500.000ha. Tôi cho rằng, phát triển mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn là hướng đi đúng cho việc sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Từ đây, việc xây dựng thương hiệu cho hạt gạo sẽ dễ dàng hơn.
- Để phát triển mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn, doanh nghiệp đóng vai trò thế nào, thưa tiến sĩ?
Theo tôi, vai trò doanh nghiệp rất quan trọng. Hiện nay Nhà nước đã có chủ trương, ngành nông nghiệp hỗ trợ hết mình và nông dân cũng đang hưởng ứng khá mạnh. Nhưng để mô hình này thành công, doanh nghiệp phải vào cuộc mạnh hơn. Cụ thể, doanh nghiệp phải liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác… bao tiêu đầu ra cho nông dân, hỗ trợ nông dân những khâu cần thiết để bà con an tâm sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn quy định. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho chứa lúa, bảo quản, tồn trữ, vốn xây dựng vùng nguyên liệu…
- Để nông dân thật sự làm giàu từ lúa gạo, theo tiến sĩ đâu là giải pháp?
Có thể nói, hiện lợi nhuận từ xuất khẩu gạo phân chia không đồng đều. Trong đó, nông dân trực tiếp làm ra hạt lúa nhưng lợi nhuận thu được ít hơn so với doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái. Mặt khác, quy mô sản xuất của từng hộ hiện quá nhỏ nên rất khó làm giàu.
Tôi lấy ví dụ: 1 hộ có 1ha đất lúa sản xuất 2 vụ/năm được 10 tấn, trừ chi phí đầu tư 5 tấn, còn lời 5 tấn. Nếu tính giá lúa bình quân khoảng 6.000 đồng/kg sẽ được 30 triệu đồng. Ở ĐBSCL, mỗi gia đình nông thôn khoảng 5 nhân khẩu, chia cho 30 triệu đồng/năm, tính ra, mỗi người chỉ thu nhập được 500.000 đồng/tháng. Với số tiền ấy không thể lo chuyện học hành, đám tiệc, mua sắm, sinh hoạt, đau bệnh… Do đó, nếu chỉ dựa duy nhất vào cây lúa trong điều kiện ít đất thì không thể khá được.
Tuy nhiên, ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên hiện có nhiều hộ canh tác từ 20 - 30ha, thậm chí 40 - 50ha trở lên, áp dụng cơ giới hóa, sản xuất theo hướng hiện đại… Không ít hộ trở thành tỷ phú từ cây lúa. Vì vậy, sản xuất lớn vẫn làm giàu từ cây lúa.
Huỳnh Lợi (thực hiện)