Vụ giải cứu 12 công nhân: Phép màu từ chính con người…

Sau hơn 3 ngày đêm ròng rã bị mắc kẹt trong hầm tối, 12 công nhân thi công thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) được giải cứu an toàn. Điều tưởng chừng chỉ có được nhờ phép màu này lại được tạo nên từ chính con người, đó là lực lượng cứu hộ, mà chủ lực là các chiến sĩ công binh.
Vụ giải cứu 12 công nhân: Phép màu từ chính con người…

Sau hơn 3 ngày đêm ròng rã bị mắc kẹt trong hầm tối, 12 công nhân thi công thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) được giải cứu an toàn. Điều tưởng chừng chỉ có được nhờ phép màu này lại được tạo nên từ chính con người, đó là lực lượng cứu hộ, mà chủ lực là các chiến sĩ công binh.

Gieo niềm tin

Ngày 20-12, một ngày sau khi được giải cứu, 12 công nhân của Công ty cổ phần Sông Đà 505 (đơn vị thi công hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo) vẫn chưa hết tâm trạng bồi hồi. Tại khu điều trị đặc biệt trong Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, những câu chuyện của nhóm công nhân hầu như tập trung vào điều kỳ diệu đã đến với họ vào chiều 19-12.

Mừng vui nhưng vẫn chưa gạt hết vẻ lo sợ trên khuôn mặt hốc hác, anh Phạm Viết Nam (41 tuổi, quê Nghệ An), người đầu tiên được cứu ra khỏi hầm, kể: “Khi sự cố xảy ra, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng sợ hãi, mọi người ôm lấy nhau, rồi nhanh chóng chạy ra xa đống đất bị sụp. Khi đó điện bị mất, tất cả mọi thứ xung quanh chìm trong bóng tối, mọi người tự hô tên mình và gọi tên nhau để kiểm tra xem anh em có những ai. Sau khi điểm danh, chúng tôi cố gắng ổn định tinh thần, nhưng một số người đã quá sợ hãi bắt đầu kêu cứu”. Cùng tâm trạng, ông Phạm Xuân Đăng (50 tuổi, quê Vĩnh Phúc) tiếp lời: “Sau khi mọi người dần ổn định, tôi đã trấn an mọi người và tin tưởng rằng anh em ngoài đó sẽ nhanh chóng tìm cách cứu chúng tôi”.

Nhóm nam công nhân đã bình phục sức khỏe. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Và niềm tin của nhóm công nhân đã đúng. Sau nhiều giờ sợ hãi trong hầm tối, hy vọng đã thắp lên khi mũi khoan từ phía cửa hầm thông vào. “Nghe được tiếng người phía ngoài qua lỗ khoan, chúng tôi ai nấy đều reo hò vui sướng vì biết bên ngoài mọi người đang gắng sức cứu chúng tôi. Mọi người bắt đầu bàn kế hoạch để chống chọi lại với sợ hãi, cái đói và lạnh, tiết kiệm pin điện thoại để dùng chiếu sáng, dùng áo mưa công trình căng lên để che nước dột từ trên xuống. Khi sữa và thức ăn được bơm vào, anh em chúng tôi dùng nón công trình hứng lấy rồi chia nhau ăn” - công nhân Hoàng Ánh Văn (34 tuổi, quê Nam Định), kể lại.

Còn anh Nguyễn Văn Quang (38 tuổi, quê Hà Tĩnh), tâm sự: “Việc chúng tôi nhận được lá thư tay của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đưa vào bằng ống thông khí là liều thuốc tâm lý tuyệt vời để tin tưởng vào các lực lượng cứu hộ đang rất cố gắng để cứu chúng tôi”.

Cứu người là nhiệm vụ đặc biệt

Trở lại với chiến dịch cứu hộ 12 công nhân bị mắc kẹt, ngay sau khi sự cố xảy ra vào sáng 16-12, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt trực tiếp đến hiện trường đã chỉ đạo huy động mọi lực lượng và phương tiện có thể để cứu người nhanh nhất, trong đó ưu tiên hàng đầu là tìm cách thông hơi, bơm ôxy vào trong. Tối cùng ngày, lỗ khoan đầu tiên đã thông vào vị trí các công nhân bị mắc kẹt, vừa để thông hơi, vừa để giao tiếp, động viên các công nhân, tiếp thức ăn cho họ. Tiếp sau đó, ngành chức năng đã huy động tổng lực để cứu người, trong đó có trên 100 chiến sĩ công binh. Đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào hiện trường chỉ đạo tìm phương án cứu hộ và đồng ý cho lực lượng công binh đào một đường hầm tiếp cận nhóm công nhân vào chiều 18-12. Đây là quyết định tạo sự đột phá cho công tác cứu hộ.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Công binh, người trực tiếp chỉ huy lực lượng cứu hộ tại hiện trường, cho biết: “Khi được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ tham gia cứu hộ, Binh chủng Công binh xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt. Chúng tôi lập tức lên phương án cứu hộ và đề xuất phương án đào thêm hầm phụ (bên trái, sau đường hầm phụ bên phải do Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam đảm nhiệm - PV) và được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý”.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, tình hình thực địa lúc đó vô vàn khó khăn, thách thức do việc đào hầm gặp phải nhiều đá mồ côi. Bên cạnh đó, khi hầm chính bị sập, nền địa chất nguyên bản bị phá vỡ nên rất dễ xảy ra rủi ro. Lực lượng công binh đã dồn toàn lực, chia nhiều ca để đào hầm với quyết tâm cao nhất.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại thực địa, việc đào hầm của lực lượng công binh được tiến hành hết sức nhịp nhàng và khẩn trương. Gỗ thông liên tục được đưa vào để chèn, cố định hầm, chống sạt lở; đất đá đều đặn được chuyển ra ngoài. Sự nỗ lực tuyệt vời này đã giúp các chiến sĩ công binh tiếp cận, giải cứu nhóm công nhân sớm hơn 2 ngày so với dự kiến. Ngay sau khi giải cứu 12 công nhân thành công, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng chia sẻ: “Việc đào hầm thành công nhanh là nhờ thực hiện theo phương pháp truyền thống, kết hợp với thiết bị chuyên dụng hiện đại”.

Báo chí quốc tế đưa tin đậm cuộc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt

Ngày 19-12, ngay sau khi cuộc giải cứu 12 công nhân thành công, hãng tin Reuters của Anh đã có bài viết sớm nhất ca ngợi những nỗ lực của lực lượng cứu hộ Việt Nam trong cuộc chạy đua cứu sống các công nhân mắc kẹt dưới hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Theo hãng tin này, thời tiết và địa hình phức tạp của hiện trường tại tỉnh cao nguyên Lâm Đồng đã cản trở nỗ lực cứu hộ ngay từ khi vụ tai nạn xảy ra ngày 16-12. Thậm chí đã có lo ngại rằng các công nhân có thể không sống sót do thiếu dưỡng khí và nước trong hầm dâng cao. Tuy nhiên, tin vui đã đến vào chiều 19-12 sau khi các công nhân được giải cứu khỏi đường hầm bị sập trong tiếng vỗ tay, tiếng cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc của những con người chứng kiến quá trình cứu hộ nước rút kéo dài suốt 82 giờ được người dân cả nước vô cùng quan tâm.

Hãng AFP của Pháp đưa tin “với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhân viên cứu hộ, 11 nam giới và 1 phụ nữ đã được đưa ra khỏi hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo trong tình trạng sức khỏe tốt”. Hãng tin AP của Mỹ cũng đưa tin 12 nạn nhân bị mắc kẹt đã được cứu sống và cần được theo dõi y tế dù đều trong tình trạng ổn định. Các nhân viên cứu hộ đã khoan lỗ để đưa không khí, thức ăn và nước uống vào bên trong hầm cho các nạn nhân, trong khi các binh sĩ và thợ mỏ đào đường để tiếp cận họ.

Cùng ngày, các hãng tin khác như Tân Hoa xã của Trung Quốc; Independent của Anh; Asia Network, Bangkok Post của Thái Lan... cũng có bài viết về chiến dịch cứu hộ của Việt Nam.

HẠNH XUÂN

Sức khỏe 12 công nhân đã ổn định

Bác sĩ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, cho biết, từ tối 19-12, lực lượng cán bộ y tế của Lâm Đồng và Bệnh viện Chợ Rẫy đã túc trực để chăm sóc đặc biệt các công nhân. Sáng 20-12, các công nhân tiếp tục được chụp X-quang kiểm tra tổng quát sức khỏe. Ngoài việc chăm sóc y tế, bệnh viện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan chăm lo, giúp các công nhân, đặc biệt là công nhân nữ Đặng Thị Hồng Ngọc ổn định tâm lý. Đến tối 20-12, sức khỏe các công nhân đã ổn; chị Ngọc cũng đã ăn uống được và tâm lý ổn định, được chuyển ra khoa Nội để các y bác sĩ tiếp tục theo dõi, chăm sóc, chứ không còn nằm ở khoa Hồi sức cấp cứu.

NHÓM PV

>> Điều kỳ diệu đã đến

Tin cùng chuyên mục