(SGGPO).- Sáng nay, tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, TAND quận Thủ Đức đưa ra xét xử sơ thẩm đối với hai bảo mẫu hành hạ trẻ em. Hai bị cáo Lê Thị Đông Phương, Nguyễn Lê Thiên Lý bị xét xử về tội “Hành hạ người khác”.
Do đây là vụ án được đông đảo người dân quan tâm nên dù 8 giờ sáng phiên xử bắt đầu nhưng từ sáng sớm đã có hàng ngàn người dân – không chỉ trên địa bàn quận Thủ Đức mà còn từ các địa phương khác đến tham dự phiên xử. Tuy nhiên, vụ án được xét xử trong căn phòng nhỏ nên không thể đáp ứng nhu cầu của người đến xem, tạo khung cảnh hỗn loạn, chen chúc trong và ngoài phòng xử. Rất đông người dân không chen chân vào được, phải đứng ngóng bên ngoài phòng xử giữa trời nắng.
Nhiều người bức xúc nói: “Đã thông báo rộng rãi là xét xử lưu động thì cần xử ngoài trời để ai cũng được xem. Ai cũng bỏ công ăn việc làm đến đây thì phải sắp xếp cho người dân trực tiếp xem”. Đến khoảng 9 giờ, một màn hình được đặt bên ngoài phòng xử để người dân có thể theo dõi, nhưng người dân cũng không thỏa mãn vì máy quay đặt từ dưới chiếu lên nên không thể thấy được mặt hai bị cáo.
Theo cáo trạng của Viện KSND quận Thủ Đức, dù chưa được cấp giấy phép nhưng Lê Thị Đông Phương vẫn mở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh trên đường Hiệp Bình, thuộc phường Hiệp Bình Phước quận Thủ Đức. Nguyễn Lê Thiên Lý là cấp dưỡng tại nhóm tre này. Cả hai bị cáo có nhiều hành vi hành hạ các cháu bé được phụ huynh gửi tại đây như: quát mắng, tát vào mặt, đánh vào người, dí đầu xuống đất, dùng khăn bịt mũi… để buộc các cháu phải ăn.
Đứng trước vành móng ngựa, hai bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Nguyễn Lê Thiên Lý khai rằng do bé Lê Tuấn Khang bị bệnh, lười ăn, ăn vào bị ói nên bị cáo đè đầu cháo xuống để bắt cháu ăn cháo. Còn cháu Bùi Ngọc Châu không chịu ăn, bị cáo quá nóng giận nên bế cháu lên, dọa bỏ cháu vào thùng nước để cháu sợ, phải ăn.
Bị cáo Lê Thị Đông Phương khai rằng bị cáo tốt nghiệp cử nhân Sư phạm mầm non của Trường Đại học Sài Gòn. Bị cáo khai không hành hạ trẻ thường xuyên, thậm chí khi thấy các cô quá nghiêm khắc với các cháu thì bị cáo còn nhắc nhở phải cư xử nhẹ nhàng.
Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, chị Trần Thị Thanh Phương (mẹ cháu Nguyễn Trần Hòa) cho biết gửi cháu vào Trường mầm non tư thục Phương Anh từ tháng 12-2012. “Từ lúc đi học, cháu bị rối loạn tiêu hóa do bị ép ăn, trong khi trước đó cháu không bị bệnh. Khi mẹ đón, cháu rất mừng và có dấu hiệu sợ sệt cô giáo. Khi được mẹ chở đi học, cháu sợ, khi gần đến trường thì cháu ngoảnh mặt đi nhưng tôi cứ nghĩ là do cháu lười đi học. Mỗi lần thấy vết bầm, vết đỏ trên người cháu, tôi hỏi thì được trả lời là do cháu bị té. Từ lúc nghỉ học thì cháu không còn bệnh nữa”, chị Phương nói. Chị yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả học phí 15 triệu đồng, bồi thường sức khỏe 20 triệu đồng và bồi thường tinh thần 25 triệu đồng.
Tương tự, chị Bùi Thị Thanh Lệ (mẹ cháu Lê Tuấn Khang) cho rằng việc các bị cáo khai nhận dọa các trẻ bắt ăn do nóng giận là không đúng. Chị nói: “Hành động nhận đầu con tôi xuống đất là chỉ nhằm để thỏa mãn thú tính. Từ đầu, khi đưa con đến trường, tôi có nói với cô Phương là đừng đánh con tôi, không thể dùng bạo lực ép con tôi ăn. Tôi yêu cầu xử lý các bị cáo nghiêm khắc để những đứa trẻ vô tội sau này không bị hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần”. Chị Lệ yêu cầu các bị cáo bồi thường tiền thuốc chữa trị cho cháu Khang 5 triệu đồng, tiền tổn thất tinh thần 15 triệu đồng.
Được nói lời cuối cùng, các bị cáo bày tỏ sự ăn năn hối hận vì hành vi sai trái của mình. Bị cáo Phương xin lỗi gia đình những người bị hại, xin lỗi gia đình phải chịu nhiều tai tiếng vì bị cáo, xin lỗi các thầy cô đã buồn nlòng vì hành vi của bị cáo và xin đuợc hưởng mức án nhẹ để sớm về nuôi con nhỏ. Bị cáo Lý xin đuợc hưởng mức án nhẹ để sớm làm lại cuộc đời, báo hiếu cha mẹ.
Trước khi vào nghị án, chủ tọa phiên tòa tuyên bố: “Vụ án này là bài học đau lòng đối với tất cả mọi người. Hành vi của các bị cáo gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Phiên tòa là lời cảnh tỉnh: người lớn phải có trách nhiệm tôn trọng quyền lợi trẻ em được quy định trong Luật bảo vệ trẻ em. Hành vi xâm phạm các quyền cơ bản của trẻ em sẽ bị pháp luật nghiêm trị. Người làm việc trong các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em càng phải tuân thủ điều này”.
Lúc 11 giờ 5 phút, thay mặt hội đồng xét xử, chủ tọa phiên tòa tuyên đọc bản án. Theo nhận định của hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng của trẻ em. Hành vi đối xử thô bạo với trẻ em - những người không có khả năng tự vệ đã làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, môi trường hoạt động của các cơ sở giáo dục chân chính. Hậu quả hành vi của các bị cáo gây ra là các bị cáo bị hoảng loạn, lo âu, trầm cảm, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và sức khỏe của các cháu sau này. Các bị cáo phạm tội với nhiều người, nhiều lần nên cần phải có mức án nghiêm.
Từ đó, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phương mức án 3 năm tù, bị cáo Lý mức án 3 năm tù cùng về tội “Hành hạ người khác”. Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Phương phài bồi thuờng cho cháu Nguyễn Trần Hòa (đại diệnn là chị Trần Thị Thanh Phương) 20 triệu đồng, bồi thường cho cháu Lê Tuấn Khang (đại diện là chị Bùi Thị Thanh Lệ 20 triệu đồng. Bản án đã nhận được sự đồng tình của tất cả những người tham dự phiên tòa.
Ở nhà trọ tại Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương, từ sáng sớm chị Lầu Cẩm Nguyệt đến tòa để được nghe xử án. Chị nói: “Hành vi của các bị cáo không thể chấp nhận được. Đã từng có con mà đối xử với con người khác như vậy là rất nhẫn tâm, cần phải có bản án thích đáng. Hành vi ngược đãi trẻ em và hiếp dâm trẻ em là không thể tha thứ được vì ảnh hưởng tâm lý trẻ em lâu dài, không thể phục hồi, các cháu sẽ bị ám ảnh suốt đời. Trước khi ra tay đánh người khác thì phải nghĩ đến hậu quả. Không thể làm xong rồi nói “lỡ”, nói lời xin lỗi”.
Ở nhà trọ tại Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương, từ sáng sớm chị Lầu Cẩm Nguyệt đến tòa để được nghe xử án. Chị nói: “Hành vi của các bị cáo không thể chấp nhận được. Đã từng có con mà đối xử với con người khác như vậy là rất nhẫn tâm, cần phải có bản án thích đáng. Hành vi ngược đãi trẻ em và hiếp dâm trẻ em là không thể tha thứ được vì ảnh hưởng tâm lý trẻ em lâu dài, không thể phục hồi, các cháu sẽ bị ám ảnh suốt đời. Trước khi ra tay đánh người khác thì phải nghĩ đến hậu quả. Không thể làm xong rồi nói “lỡ”, nói lời xin lỗi”. |
ÁI CHÂN