Chiều 17-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thủ Đức TPHCM đã khởi tố vụ án, xử lý hình sự đối với Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, trú tại 112/273A Nguyễn Duy, phường 9, quận 8, TPHCM), Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, trú tại 41 ấp Thác Lác, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Thị Điều (24 tuổi, trú xã Nam Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) về hành vi hành hạ người khác; Lê Thị Đông Phương còn bị khởi tố thêm tội kinh doanh trái phép. Tối cùng ngày, Viện KSND quận Thủ Đức cũng đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý.
Tàn ác với con trẻ
Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Thủ Đức, Phương là chủ nhóm giữ trẻ Phương Anh, địa chỉ số 18 đường Hiệp Bình (khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Nhóm giữ trẻ này bắt đầu hoạt động từ tháng 8-2012 và không được cơ quan chức năng cấp phép.
Ngoài bà Phương làm chủ nhóm, nhóm giữ trẻ Phương Anh còn có Điều làm bảo mẫu và Lý làm cấp dưỡng. Mãi đến ngày 15-11-2013, tổ kiểm tra liên ngành của phường Hiệp Bình Phước kiểm tra, phát hiện nhóm giữ trẻ hoạt động giữ 9 trẻ (12 tháng tuổi trở lên) không phép, đã lập biên bản, yêu cầu chủ nhóm ngưng hoạt động.
Đồng thời hướng dẫn bà Phương liên hệ Phòng Giáo dục quận Thủ Đức để được hướng dẫn cấp phép.
Đến ngày 6-12, tổ liên ngành phường tiếp tục kiểm tra, phát hiện nhóm giữ trẻ Phương Anh vi phạm các lỗi tương tự, xử phạt hành chính và buộc ngưng hoạt động. Dù vậy, sau khoảng thời gian này, nhóm giữ trẻ Phương Anh vẫn bất chấp yêu cầu của UBND phường Hiệp Bình Phước và các quy định của Luật Giáo dục, tiếp tục hoạt động. Trong quá trình hoạt động, những người làm việc tại nhóm giữ trẻ Phương Anh đã có những hành động tàn ác đối với con trẻ. Cụ thể, Điều thường chỉ tay vào mặt và quát tháo khi cho trẻ ăn. Khi trẻ không ăn, Điều túm cổ trẻ ngồi trên ghế, bặm môi và liên tục đút thức ăn vào miệng. Khi trẻ nuốt chậm, Điều lại liên tục dang tay đánh mạnh vào người các bé… Còn Lý thường xuyên dùng tay chỉ mặt và đánh các bé, nhận đầu bé, bế bé bỏ lên miệng thùng nước khi cho bé ăn…
Những hành động dã man đối với trẻ của những “giáo viên” làm việc tại nhóm giữ trẻ Phương Anh diễn ra trong thời gian dài, bị người dân phát hiện và tố cáo đến Công an phường Hiệp Bình Phước. Qua thu thập chứng cứ, hình ảnh, video clip từ người dân cung cấp, trong 2 ngày 16 và 17-12, Công an quận Thủ Đức và Công an phường Hiệp Bình Phước đã mời Lý, Phương và Điều lên làm việc. Tại cơ quan công an, các đối tượng này đã khai nhận toàn bộ những hành động dã tâm của mình đối với trẻ được gửi tại nhóm giữ trẻ Phương Anh trong thời gian qua. Các bé thường xuyên bị những “giáo viên” tại nhóm giữ trẻ này đánh cũng được công an xác định, gồm: Lê Tuấn Khang (2 tuổi), Nguyễn Trần Hòa (1 tuổi)…
Theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 17-12, nhóm giữ trẻ Phương Anh đã tháo bảng hiệu, ngưng hoạt động, khóa trái cổng.
Ai chịu trách nhiệm?
Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Phước, cho biết: “Đây là lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra trên địa bàn phường. Chủ nhóm giữ trẻ là người có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, có ý định mở hoạt động nuôi giữ trẻ và có liên hệ với phường để làm hồ sơ. Trong quá trình kiểm tra, nhóm này có sơ sở vật chất khá tốt, thoáng mát, nhưng không ngờ lại xảy ra sự việc như vậy”.
Liên quan đến hoạt động nuôi dạy trẻ trên địa bàn, bà Trần Thị Minh Nguyệt khẳng định, hiện chưa thể thống kê số nhóm giữ trẻ tự phát trên địa bàn phường vì có những nhóm chỉ giữ vài ba bé và khi hoạt động không báo cáo với phường. Trong khi đó, mang câu chuyện quản lý đến gặp Phòng Giáo dục quận Thủ Đức, đại diện Phòng Giáo dục cho biết hiện phòng chỉ mới có thể quản lý những nhóm giữ trẻ gia đình có cấp phép. Những nhóm giữ trẻ tự phát thuộc phạm vi quản lý của phường, chỉ bao giờ phường giới thiệu để cấp phép thì phòng mới kiểm tra về mặt chuyên môn. Trong khi đó, lãnh đạo Phòng Giáo dục quận Thủ Đức cho rằng, đối với các nhóm giữ trẻ, trách nhiệm cấp phép và quản lý chính thuộc về phường, quận chỉ theo dõi về chuyên môn. Đơn vị này cũng cho biết hầu hết các trẻ được gửi ở các nhóm giữ trẻ là con của công nhân lao động.
Sau khi sự việc được phát giác, chiều 17-12, đoàn công tác do Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn dẫn đầu đã làm việc với UBND quận Thủ Đức. Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn đã chỉ đạo, qua vụ việc hành hạ trẻ nói trên, quận phải nhanh chóng rà soát kiểm tra lại toàn bộ các nhóm giữ trẻ trên địa bàn quận. Những điểm giữ trẻ có giấy phép thì kiểm tra, rà soát, những điểm giữ trẻ không phép thì phân ra để có hướng xử lý. Nếu nhóm giữ trẻ giữ trên 6 em nhưng không xin phép và tuyển dụng người giữ trẻ không có chuyên môn thì phải cương quyết đóng cửa. Riêng với nhóm giữ trẻ Phương Anh, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu quận lập danh sách và vận động bố mẹ có con gửi tại đây chuyển con đến gửi tại những điểm giữ trẻ đã được quận cấp phép.
Theo ông Lê Hồng Sơn, sở sẽ phối hợp với quận khẩn trương đề xuất TP đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường mầm non tại Khu chế xuất Linh Trung 1 để có thêm nơi giữ con công nhân. Làm việc với đoàn công tác của TP, lãnh đạo quận Thủ Đức đã nhận toàn bộ trách nhiệm vì đã quản lý chưa chặt chẽ. Quận đã chỉ đạo UBND phường Hiệp Bình Phước tổ chức kiểm điểm đối với các cán bộ công chức liên quan trong công tác quản lý địa bàn. Quận đã chỉ đạo Phòng Giáo dục quận phối hợp với 12 phường tổ chức kiểm tra, rà soát lại tất cả các điểm giữ trẻ trên địa bàn. Qua đó, xác định trên địa bàn quận Thủ Đức hiện có 111 nhóm giữ trẻ không phép đang hoạt động. Rõ ràng, chính sự thả nổi, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý hoạt động giữ trẻ từ quận đến phường đã để xảy ra tình trạng đáng tiếc kể trên. Đây là bài học đau lòng, hồi chuông cảnh báo cho không riêng gì quận Thủ Đức!
Còn nhiều nhóm lớp mầm non hoạt động không phép
Sau khi những hình ảnh đày đọa trẻ mầm non được đưa ra công luận, ngày 17-12, cộng đồng mạng ngập tràn những lời bình luận phẫn nộ dành cho các bảo mẫu. Đa số ý kiến đề nghị phải xử lý hình sự hành vi này. Nhiều ý kiến đề xuất Bộ GD-ĐT, cơ quan quản lý trường mầm non phải khám tâm thần những người được đào tạo sư phạm ngành mầm non, mẫu giáo trước khi cho hành nghề. Bởi nếu không có lòng yêu trẻ thì không nên theo ngành này.
Thậm chí, nhiều ý kiến van xin những ai không có tấm lòng yêu thương trẻ đừng làm nghề trong nuôi dạy trẻ, vì nếu chăm sóc trẻ kiểu bạo hành thì tâm sinh lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, xã hội sẽ ngày càng có nhiều tệ nạn xã hội. Một số ý kiến đề xuất ngành giáo dục phải có quy định bắt buộc đưa camera giám sát khi tổ chức, cá nhân mở trường mầm non...
Chiều cùng ngày, trao đổi với báo chí về vụ bạo hành trẻ mầm non ở TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết bà rất đau lòng vì bạo hành khiến trẻ rất sợ hãi, ảnh hưởng tâm lý về sau. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ, nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh, đặc biệt là nơi khu công nghiệp, khu chế xuất như TPHCM, Hà Nội là rất lớn. Với số trẻ tăng nhanh, trường lớp công lập chưa thể đáp ứng nổi nhu cầu người dân nên phải xã hội hóa, vì thế nhiều cơ sở mầm non tư thục ra đời.
Tuy Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản pháp lý, trong đó có quy chế trường mầm non tư thục, quy định rõ điều kiện thành lập các nhóm lớp để huy động các tổ chức, nguồn nhân lực tham gia chăm sóc trẻ em… nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều nhóm lớp hoạt động không phép, không đủ các tiêu chuẩn quy định.
“Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh trách nhiệm chính quyền địa phương, đặc biệt ở các khu công nghiệp trong việc phối hợp kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm. Bởi thực tế, nhiều người mở lớp mầm non chỉ để kinh doanh mà không quan tâm tâm lý, tình cảm, nhu cầu của trẻ” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, quy định mở nhóm lớp mầm non của Bộ GD-ĐT còn dễ dãi vì khi muốn mở nhóm lớp, chủ lớp chỉ cần tốt nghiệp THCS (lớp 9), một trong nguyên nhân dẫn đến các sai phạm thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, quy chế trường tư thục ban hành từ năm 2008 trong bối cảnh giáo dục mầm non còn nhiều khó khăn. Theo quy định, nếu mở trường mầm non, người chủ phải có trình độ trung cấp sư phạm mầm non. Với nhóm lớp, do điều kiện chăm sóc số lượng trẻ ít, thường dưới 50 trẻ, quy định chủ nhóm lớp trình độ THCS trở lên.
Bên cạnh đó, quy chế quy định mở nhóm lớp phải đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất theo điều lệ trường mầm non, đội ngũ giáo viên cũng phải được đào tạo từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên… Tuy nhiên, vừa qua nhiều nhóm lớp được mở không tuân thủ quy định của bộ, cố tình mở chui. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu ý kiến từ địa phương, nhà quản lý, nhà giáo để xem xét điều chỉnh yêu cầu cao hơn về trình độ của chủ nhóm lớp.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có công văn yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, làm rõ mức độ vi phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với sự việc nêu trên và xử lý theo quy định. Sở phải báo cáo về Bộ GD-ĐT quá trình và kết quả triển khai thực hiện các yêu cầu trên trước ngày 19-12. |
TUẤN VŨ - LINH ĐAN-LÂM NGUYÊN