Vụ hè thu ở ĐBSCL: Chủ động phương án tiêu thụ

Nông dân lãi bao nhiêu?
Vụ hè thu ở ĐBSCL: Chủ động phương án tiêu thụ

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), giữa tháng 6 tới, bà con nông dân ở ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 8 triệu tấn lúa hè thu. Vấn đề đặt ra là việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hay lại “trầy trật” như vụ đông xuân và làm thế nào để bà con lời 30% trở lên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?

Nông dân đưa lúa vào nhà máy xay xát chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: Đức Trí

Nông dân đưa lúa vào nhà máy xay xát chế biến gạo xuất khẩu. Ảnh: Đức Trí

Nông dân lãi bao nhiêu?

Nhiều năm qua, diễn biến giá cả và tiêu thụ lúa gạo trong nước gắn liền với thị trường gạo thế giới. Vụ đông xuân vừa rồi, thị trường gạo thế giới trầm lắng, khiến việc tiêu thụ lúa của bà con cũng chậm theo. Nếu không có việc mua tạm trữ 2 đợt gần 1,5 triệu tấn gạo (khoảng 3 triệu tấn lúa) của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) với giá sàn 4.000 đồng/kg, giá lúa sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Dù chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng trong bối cảnh đó, việc mua tạm trữ có vai trò khá tích cực vào việc giúp kềm giữ giá lúa ở mức 4.000 đồng/kg (giá mua bình quân 2 đợt là 4.150 đồng/kg lúa).

Việc mua tạm trữ vừa qua có mấy vấn đề cần được làm rõ: Bà con nông dân thực lãi bao nhiêu vẫn chưa có câu trả lời chính xác vì cho đến bây giờ, Bộ Tài chính (được Thủ tướng Chính phủ giao) vẫn chưa công bố giá thành lúa đông xuân ở vùng ĐBSCL. Trước khi đưa ra mức giá sàn, VFA tham khảo với Bộ NN-PTNT và ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL. Dù chưa là mức giá chính thức, nhưng khá chính xác với thực tế. Do vậy, với giá mua bình quân 4.150 đồng/kg lúa 2 đợt vừa qua, bà con lời trên 30% trở lên, có nơi hơn 40%. Tuy vậy, không ít người cho rằng, người trồng lúa không thể có mức lời này vì công thức tính khác nhau. Thực tế tùy theo điều kiện thổ nhưỡng đất đai và trình độ của bà con nông dân sẽ có giá thành khác nhau.

Trong bối cảnh giá lúa xuống thấp, việc VFA nhanh chóng quyết định mua tạm trữ gạo bằng vốn và tiền vay ngân hàng của 30 doanh nghiệp để bình ổn giá lúa gạo trên thị trường là hành động dũng cảm, tích cực và kịp thời. Cùng với việc tổ chức lực lượng hàng xáo, cam kết mua với giá không bị lỗ của lực lượng này… là sự chuyển biến rõ nét của các thành viên VFA so với những năm trước được ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đồng tình. Nhưng việc làm này có ý kiến cho rằng, VFA đơn phương áp đặt, “vừa đánh trống, vừa thổi còi”…

Không để “nước đến chân...”

Hiện nay giá lúa trên thị trường đang tăng do trong giai đoạn giáp hạt giữa 2 mùa vụ, trong khi nhiều hợp đồng đến hạn giao hàng, nhất là các hợp đồng thương mại được ký kết thời gian qua (chiếm trên 44%). Nhưng theo dự báo của các doanh nghiệp, khi vụ hè thu vào giai đoạn thu hoạch rộ, diễn biến về giá và tiêu thụ có thể lập lại như vụ đông xuân, “điệp khúc buồn” được mùa mất giá. Nhu cầu thế giới về gạo không thay đổi, nhưng nếu giá gạo cao, các nước châu Phi, 1 trong 3 khu vực tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, sẵn sàng chuyển qua ăn bắp, lúa mì…

Thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thu hoạch lúa tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhưng vấn đề hiện nay là nguồn cung dồi dào, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo như Pakistan, Myanmar, do lượng gạo dự trữ lớn, đặc biệt là Thái Lan, riêng Việt Nam hiện tồn kho gần 1,8 triệu triệu tấn… Do vậy, dù cho đến thời điểm 20-5-2010, hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay lên đến 4,462 triệu tấn (tăng gần 23% so cùng kỳ 2009), trong đó đã xuất 2,625 triệu tấn (trị giá 1,2 tỷ USD). Nhưng về giá trị lại giảm và giá có chiều hướng đi xuống (chỉ còn 360 - 370USD/tấn gạo). Một điều chắc chắn giá thành lúa hè thu cao hơn lúa đông xuân vì chi phí sản xuất (bơm nước, sấy…) tăng lên, trong khi năng suất và chất lượng lại không bằng vụ đông xuân do thu hoạch rơi vào mùa mưa, việc phơi lúa không dễ dàng... Vì vậy, giá thành sẽ cao, chất lượng giảm và nông dân đạt hiệu quả thấp.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường chỉ mua lúa với giá thấp để tính toán sao cho xuất khẩu có lời. Do đó, việc mua tạm trữ phải được đặt ra để giữ giá trên thị trường không xuống dưới giá thành. Nhưng điều này đòi hỏi phải có chủ trương và chính sách của nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính cần sớm công bố giá thành lúa để doanh nghiệp có cơ sở tính toán, đưa ra mức giá mua hợp lý, bảo đảm bà con có lời 30%. Và điều quan trọng hơn phải có các phương án ngay từ bây giờ để kịp thời thu mua mùa thu hoạch sắp đến. Nếu không có giải pháp kịp thời, bà con nông dân sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

Vụ đông xuân vừa qua, các thành viên VFA đã tự bỏ tiền và vay vốn ngân hàng để mua tạm trữ gần 1,5 triệu tấn gạo nên sẽ khó có thể tiếp tục “ôm hàng” tạm trữ nếu lúa hè thu lập lại diễn biến như vụ đông xuân. Nhưng điều đáng ngại nhất hiện nay là việc VFA có thể sẽ chờ Nhà nước công bố giá thành chính thức mới tiến hành việc mua lúa hè thu. Như vậy, mọi việc sẽ chậm trễ. Từ vụ đông xuân rút ra nhiều điều, trong đó có bài học, đừng để “nước đến chân mới nhảy” và lập lại “điệp khúc buồn” như mọi năm.

Công Phiên

Ám ảnh lúa IR 50404

Theo Viện Lúa ĐBSCL, nông dân đã xuống giống khoảng 1,1 triệu/1,6 triệu ha lúa hè thu, trong đó tỷ lệ sử dụng giống IR 50404 khoảng 17% (tương đương 272.000ha). Đây là một tỷ lệ khá cao, đáng lo ngại. Đầu vụ sản xuất hè thu, cây lúa chịu ảnh hưởng nặng từ hạn hán, chất lượng thu hoạch sẽ thấp. Trong khi vào thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu thường có mưa dầm, gây khó khăn cho phơi, sấy… rất khó xử lý độ ẩm. Cây lúa gặp hạn dẫn đến gạo bạc bụng, hạt không no. Nhu cầu thế giới hiện nay lại cần gạo chất lượng cao. Do vậy, doanh nghiệp lo lắng “kịch bản” lúa IR 50404 tồn đọng sẽ tái diễn - nếu nông dân cứ trồng tiếp giống lúa này trong vụ hè thu. Theo các nhà khoa học, IR 50404 là giống kháng rầy, dù tỷ lệ bạc bụng cao, hạt ngắn (chất lượng cho xuất khẩu kém)… nhưng dễ trồng ở các vùng sinh thái khác nhau nên nông dân ưa chuộng.

C.Phong

Tin cùng chuyên mục