(SGGPO).- Ngày 11-2, bà Trần Thị Sắc (43 tuổi, trú tại xã H’bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, đã nhận được 110 triệu đồng, nguồn hỗ trợ chi phí vận chuyển, khai thác từ UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), trong vụ “hòn đá bị bắt giam” mà Báo SGGP online đã phản ánh.
Trước đó, ngày 15-1-2014, phiên xử phúc thẩm vụ “hòn đá bị bắt giam”, Hội đồng xét xử của TAND tỉnh Gia Lai đã đồng ý cho bà Sắc và đại diện UBND huyện Chư Sê tiếp tục thương lượng sau khi những nỗ lực thương lượng đã bất thành, vào thời điểm cuối năm 2013.
Trả lời với phóng viên Báo SGGP online, bà Trần Thị Sắc cho hay tại phiên tòa diễn ra ngày 15-1-2014, đại diện UBND huyện Chư Sê đã đồng ý hỗ trợ 110 triệu đồng cho bà Sắc nhưng yêu cầu không được cung cấp thông tin ra công luận. Và việc lập biên bản tiền hỗ trợ được đại diện UBND huyện Chư Sê thỏa thuận lập thành hai bản; một biên bản giá 50 triệu đồng và một biên bản giá 60 triệu đồng.
Trước đó, tại TAND tỉnh Gia Lai, bà Sắc tỏ ra khá bức xúc về mức giá hỗ trợ tại cuộc thương lượng diễn ra vào ngày 27-12-2013, với mức đưa ra là 20 triệu đồng. Trong thời gian thương lượng tại tòa, đại diện UBND huyện Chư Sê đã “cò cưa”, từ 20 triệu lên 50 triệu, 80 triệu, 100 triệu, cuối cùng là 110 triệu đồng. Đến mức giá này thì được bà Sắc đồng ý.
Trở lại với việc UBND huyện Chư Sê “hỗ trợ” 110 triệu đồng, người dân trong tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi, số tiền hỗ trợ cho bà Trần Thị Sắc lấy từ tài sản của người ký quyết định tịch thu hòn đá (tức ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê), hay từ ngân sách Nhà nước? Đồng thời dư luận cũng cho rằng việc đưa hòn đá đang tranh chấp ra đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), khi chưa diễn ra các phiên tòa xét xử là phản cảm...
Trước đó, năm 2012, khi bà Trần Thị Sắc thuê máy đào ao lấy nước tưới vườn thì phát hiện một hòn đá lớn. Bà Sắc đã đưa hòn đá về nhà người quen cùng xã để lau chùi, đánh bóng nhằm trưng bày trong gia đình. Đoàn cán bộ liên ngành huyện Chư Sê đã đến lập biên bản tịch thu hòn đá mà không nêu rõ lý do.
Ngày 30-5-2012, ông Nguyễn Hồng Linh - Chủ tịch UBND huyện Chư Sê đã ký Quyết định số 17/QĐ-UBND xử phạt hành chính bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp” và tịch thu hòn đá. Sau đó chính quyền huyện Chư Sê đã giam hòn đá trong lồng sắt một thời gian dài.
Bà Trần Thị Sắc đã gửi đơn khởi kiện vụ án hành chính đến TAND huyện Chư Sê, đề nghị tòa án tuyên huỷ Quyết định số 17 của UBND huyện Chư Sê và trả cục đá nêu trên cho bà.
Tại phiên tòa phúc thẩm được mở vào ngày 17-12-2013, đại diện UBND huyện Chư Sê - ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - đã xin tạm hoãn phiên tòa để thương lượng. Tại buổi xét xử này, HĐXX đã tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
Sau đó một thời gian, vào ngày 27-12-2013, UBND huyện Chư Sê và bà Trần Thị Sắc đã có buổi thương lượng để thống nhất cách giải quyết vụ khiếu kiện “tịch thu hòn đá”. Tuy nhiên, buổi thương lượng bất thành, do bà Trần Thị Sắc không đồng ý với mức hỗ trợ 20 triệu đồng, mà UBND huyện Chư Sê đưa ra.
Tin, ảnh: ĐỨC TRUNG
>> Hòa giải vụ “hòn đá bị bắt giam”: UBND huyện Chư Sê “hỗ trợ” 50 triệu đồng
>> Xét xử phúc thẩm vụ “hòn đá bị bắt giam”: Tạm dừng phiên tòa để thương lượng
>> Nguyên đơn vụ “hòn đá bị giam” bị bác đơn