- Ga Sài Gòn khẩn trương trung chuyển khách đến Ga Biên Hòa
- Nhiều người đến ga Sài Gòn trả vé
(SGGPO).- Sáng 21-3, tại ga Biên Hòa, Sở GTVT Đồng Nai đã có cuộc họp bàn về công tác vận chuyển hành khách và đảm bảo ATGT sau sự cố sập cầu Ghềnh với lãnh đạo ga Biên Hòa và các đơn vị liên quan.
Ông Trần Văn Dũng, phó giám đốc chi nhánh vận tải Bình Thuận khẳng định: Đã có 3.500 khách được trung chuyển từ ga Biên Hòa về TPHCM. Tất cả hành khách mua vé xuất phát từ ga Sài Gòn đã được bố trí xe trung chuyển xuống ga Biên Hòa. Về vấn đề an ninh trật tự và an toàn cho hành khách đến nay vẫn được đảm bảo, đường sắt cũng tăng cường lực lượng nhân viên xuống ga Biên Hòa để hướng dẫn hành khách và chưa có hành khách nào bị chậm, trễ chuyến tàu tại ga Biên Hòa.
Đối với hàng hóa, ngành đường sắt cũng đã khẩn trương khảo sát tại ga Hố Nai và Trảng Bom. Trước mắt có hơn 1.000 tấn hàng ngành đường sắt đã nhận vận chuyển bằng cách sử dụng xe tải bốc xếp từ ga Sóng Thần về ga Hố Nai để vận chuyển kịp thời cho khách hàng.
Hành khách chuẩn bị lên tàu tại ga Biên Hòa. Ảnh: Ngô Sỹ
Tại cuộc họp ông Trịnh Tuấn Liêm, giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: Sự cố sập cầu Ghềnh là nghiêm trọng trước hết các đơn vị vận tải, ngành liên quan phải có biện pháp đảm bảo tuyệt đối ATGT trong quá trình trung chuyển hành khách và hàng hóa.
Ông Liêm cũng cho biết Sở GTVT đã dọn dẹp hành lang, vỉa hè, lắp thêm biển báo trên đường Hưng Đạo Vương để đảm bảo giao thông; các lực lượng Cảnh sát trật tự, CSGT phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, điều tiết giao thông không bị ùn tắc trước cổng ga. Ga Biên Hòa cũng cần lắp thêm hệ thống camera để giám sát theo dõi đảm bảo an ninh trật tự. Lực lượng cảnh sát trật tự, CSGT giải quyết phương tiện ra vào trật tự không để mất hành lý của hành khách cương quyết không để xảy ra ùn tắc giao thông.
Tại ga Biên Hòa công tác phục vụ hành khách cũng được tăng cường, Đoàn tiếp viên Phương Nam đã phải tăng cường lực lượng từ các chuyến tàu đưa rước nhân viên từ ga Sài Gòn xuống Biên Hòa phục vụ hành khách.
Ngày 21-3, hàng trăm khách đi tàu về miền Trung, miền Bắc đã tập trung ở Ga Sài Gòn trước khi tàu chạy nhiều giờ vì lo bị lỡ chuyến về quê sau sự cố sập cầu Ghềnh ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).
Nghe thông tin cầu Ghềnh bị sập, mặc dù 12 giờ trưa 21-3 mới đến giờ tàu chạy, nhưng ông Trần Hoàng Thanh đi từ Ga Sài Gòn ra Ga Thanh Hóa đã đến từ 8 giờ sáng, vì lo ngại không lên được tàu đúng giờ. Hàng trăm người khác cũng có tâm lý như ông Thanh nên trong buổi sáng nay, rất đông hành khách tập trung ở Ga Sài Gòn.
Ông Trần Hoàng Thanh cho biết: “Việc trung chuyển như thế này không được thuận tiện cho lắm, chúng tôi phải mất nhiều thời gian hơn để xuống được Ga Biên Hòa, rồi từ đó mới đi miền Trung, miền Bắc. Tôi mong Bộ GTVT sớm khắc phục sự cố giao thông này để việc đi lại của người dân được thông suốt”.
Hành khách lên xe trung chuyển từ Ga Sài Gòn đến ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình. Ánh: Thanh Hải
Trong ngày 21-3, Ga Sài Gòn phải trung chuyển hành khách đi tàu lửa về Ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình. Đến khoảng 10 giờ sáng, đã có ít nhất 8 chuyến xe trung chuyển khách từ Ga Sài Gòn về Ga Biên Hòa để tiếp tục hành trình, với số lượng hàng trăm hành khách. Hành khách tập trung khoảng 40 - 50 người, vừa đủ 1 xe buýt trung chuyển thì được đưa lên xe đi ngay, nên lượng khách dồn ứ tại Ga Sài Gòn không đông như ngày hôm qua, 20-3.
Lãnh đạo Ga Sài Gòn cho biết, trong ngày hôm nay có hơn 900 hành khách mua vé đi tàu. Việc hành khách tập trung ở Ga Sài Gòn chỉ là do tâm lý. Việc trung chuyển hành khách từ Ga Sài Gòn đến Ga Biên Hòa đã được thực hiện ngay sau khi sự cố xảy ra nên không có hành khách nào bị lỡ chuyến. Việc trung chuyển được Hợp tác xã vận tải 19-5 (TPHCM) hỗ trợ xe xuyên suốt thời gian chờ khắc phục sự cố. Trong ngày hôm nay, nhà ga vẫn không nhận hàng ký gửi của hành khách.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay: “Từ hôm qua đến nay, chúng tôi tập trung xử lý tình huống. Trong một, hai ngày tới, chúng tôi sẽ công bố chính thức kế hoạch chạy tàu. Theo dự kiến, hàng ngày sẽ tổ chức hai đôi tàu từ Hà Nội đến Nha Trang và ngược lại. Ba đôi tàu Thống Nhất từ Sài Gòn đi Hà Nội và ngược lại. Bên cạnh đó sẽ có một đôi tàu từ Sài Gòn – Vinh và ngược lại và một đôi tàu Quy Nhơn – Sài Gòn”.
Sáng 21-3, tại quầy vé của ga Sài Gòn (quận 3, TPHCM) đông người đứng xếp hàng hơn mọi ngày, phần lớn là những hành khách đến trả vé sau khi nghe thông tin phải lên ô tô trung chuyển ra ga Biên Hòa để tiếp tục chuyến đi.
Đứng chờ xếp hàng để tới lượt trả vé, chị Lê Thị Ái Nhi (ngụ quận Thủ Đức) cho biết, đã mua 2 vé tàu đi Quy Nhơn nhưng khi biết phải trung chuyển ra ga Biên Hòa nên đành đổi ý. “Chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn vào lúc 19 giờ nhưng nếu ô tô trung chuyển đi vào giờ cao điểm thì chắc phải đến sớm hơn 1 tiếng. Trong khi đó, công việc nhiều thì sợ chạy lên không kịp nên đành kiếm phương tiện khác để đi” – chị Nhi cho hay.
Tương tự, bà Nguyễn Minh Hoa cho biết: “Từ nhà ra ga Sài Gòn cũng đã mất khoảng thời gian ngồi taxi rất mệt mỏi rồi. Nhưng nay lại tiếp tục ngồi ô tô trung chuyển ra ga Biên Hòa thì sợ sức không chịu nổi. Biết rằng đi tàu đỡ mệt, an toàn nhưng quãng đường, thời gian lên tàu nhiêu khê quá”.
Hành khách đang chờ trả vé sau khi biết thông tin vụ sập cầu Ghềnh. Ảnh: Thanh Hải
Ghi nhận tại ga Sài Gòn, từ đội ngũ bốc xếp cho đến nhân viên bán vé đều đi hỏi thăm những người đến để đi tàu hỏa để tránh trường hợp không biết thông tin về vụ sập cầu Ghềnh và kịp lên ô tô chuyển tải đến ga Biên Hòa. Tại quầy bán vé, nhân viên cũng tư vấn cho khách mua đi, trả vé về thông tin chuyển tải hành khách bằng ô tô đến ga Biên Hòa và đảm bảo lên tàu để đi.
Khi vừa mới nghe thông tin sập cầu Ghềnh tại quầy hướng dẫn, anh Trần Mạnh Tùng (quê Phú Yên) quyết định không trả vé. Anh Tùng nói : “Do chỉ còn hơn 1 tiếng nữa đến giờ đi, tuy có vất vả tí nhưng đi tàu hỏa rất an toàn. Một phần nếu giờ trả vé phải đi ra bến xe kiếm phương tiện khác thì lại tốn thời gian mà chưa chắc về Phú Yên đúng giờ”.
Tuy có người trả vé nhưng vẫn nhiều hành khách lựa chọn đi tàu hỏa vì thuận tiện di chuyển, thoải mái và an toàn. Anh Nguyễn Văn Thủy (một công ty du lịch) vừa mới đưa danh sách cho nhân viên để chờ in vé cho khách trong chuyến tour đi Quy Nhơn cho biết, sau khi vụ sập cầu Ghềnh, công ty đã thông báo đến khách về trường hợp này nhưng hành khách vẫn mong muốn được đi để trải nghiệm phong cảnh khi đi bằng đường sắt.
Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc công ty Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: Ngành đường sắt tập trung, đảm bảo cho hành khách đến ga Biên Hòa đúng giờ tàu chạy. Đối với những xe trung chuyển có xảy ra ùn tắc, kẹt xe trên đường đi thì không nên lo lắng, ngành đường sắt sẽ linh động cho tàu chờ đủ hành khách mới xuất phát. Dự kiến sắp tới sẽ thay đổi một lịch trình chuyển tải để thuận lợi hơn cho hành khách. Ngành đường sắt hiện nay đang tập trung toàn bộ nhân lực từ các xí nghiệp toa tàu, đoàn tiếp viên, nhân viên… chuyển lên ga Biên Hòa để phục vụ đảm bảo sự hài lòng cho hành khách.
NGÔ SỸ - ĐỨC TRUNG - THANH HẢI