Vú sữa Lò Rèn đi “Tây”

Vú sữa đạt chuẩn toàn cầu
Vú sữa Lò Rèn đi “Tây”

Mặc dù đã bước sang đầu tháng 3-2009, thời điểm cuối vụ thu hoạch nhưng tại chợ đầu mối nông sản xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang, trên chợ dưới sông không khí mua bán vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim vẫn còn náo nhiệt.

Theo bà chủ điểm mua bán trái cây Ba Dũng, từ ngày vú sữa Lò Rèn được cấp chứng nhận Global G.A.P. (tiêu chuẩn toàn cầu về sản phẩm an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) thì không còn cơ hội mua được loại vú sữa này nữa. “Không đủ vú sữa để xuất khẩu sang châu Âu, có đâu được đến mình mà mua”, bà Ba Dũng nói thế.

Vú sữa đạt chuẩn toàn cầu

Vú sữa Lò Rèn đi “Tây” ảnh 1

Chọn vú sữa Lò Rèn xuất khẩu. Ảnh: KTNT

Tháng 4-2007, Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang triển khai chương trình “Hỗ trợ phát triển toàn diện vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim” ở 13 xã của huyện Châu Thành và 3 xã của huyện Cai Lậy. Mục tiêu của chương trình là xây dựng vùng chuyên canh cây vú sữa áp dụng tiêu chuẩn Global G.A.P. và các giải pháp khoa học tiên tiến để nâng cao chất lượng năng suất phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Chương trình gồm 4 đề tài lớn, trong đó có đề tài “Nhân rộng và phát triển mô hình Global G.A.P. vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim”, do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang thực hiện trên cơ sở kế thừa mô hình sản xuất theo hướng Global G.A.P đã được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam xây dựng từ năm 2005.

Sau khi tham quan mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. trên thanh long của Bình Thuận, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học tỉnh phối hợp với Hội Làm vườn huyện Châu Thành tiến hành tập huấn mô hình cho Ban Quản trị Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim và 33 nông dân tự nguyện tham gia sản xuất vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global G.A.P. với 12ha.

Tháng 11-2007, Ban Quản trị HTX Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim chính thức hợp đồng sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn Global G.A.P. Đến 6-2008, có 19 hộ nông dân với diện tích 7ha sản xuất vú sữa được Công ty SGS Việt Nam trao giấy chứng nhận Global G.A.P.

Ngày 24-12-2008, HTX vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim đưa vào hệ thống siêu thị Metro 400kg vú sữa đạt chuẩn Global G.A.P. đầu tiên kể từ ngày được cấp chứng nhận. Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim là sản phẩm nông nghiệp thứ hai của Việt Nam (sau trái thanh long Bình Thuận) được chứng nhận tiêu chuẩn trị giá toàn cầu.

Hướng tới xuất khẩu sang Mỹ

Vú sữa Lò Rèn đi “Tây” ảnh 2

Chuyên viên đoàn kiểm tra Mỹ thưởng thức vũ sữa

Theo Sở Khoa học và công nghệ Tiền Giang, để đạt được chứng nhận Global G.A.P., hệ thống chất lượng của HTX phải thỏa mãn 141 yêu cầu và nông dân phải thực hiện 236 yêu cầu “khắt khe” của Global G.A.P..

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim cho biết: “Với diện tích sản xuất của nông hộ trong HTX nhỏ lẻ, phân tán (từ 2.000 - 4.000m2), thói quen sản xuất cũ đã hình thành quá lâu nên nhiều nhà vườn khó có thể thay đổi được ngay, chưa kể cán bộ hướng dẫn chưa có kinh nghiệm. Có những lúc chúng tôi tưởng như đành buông xuôi, không thể thực hiện được. Nhờ sự động viên, khuyến khích của các cơ quan chuyên môn, sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các chuyên gia... cuối cùng 19 hộ nông dân của HTX cũng đã được cấp giấy chứng nhận đạt Global G.A.P.”.

Theo Chủ tịch xã Phú Phong Nguyễn Hữu Sơn, dù diện tích còn khiêm tốn nhưng việc áp dụng thành công quy trình sản xuất vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. đã mở đường cho loại trái cây đặc sản vùng sông nước Nam bộ này ra các thị trường khó tính trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết thêm, ngày 9-2-2009, HTX đã xuất khẩu 110kg vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. đầu tiên sang thị trường Nga, với giá 40.000đ/kg, cao gần gấp đôi so với tiêu thụ nội địa.Trước đó, HTX cũng đã giao cho Tập đoàn siêu thị Metro 400kg vú sữa đạt tiêu chuẩn Global G.A.P. mang sang thị trường Đức để chào hàng.

Hiện nay, mỗi ngày HTX thu mua khoảng 1 tấn vú sữa Lò Rèn có nguồn gốc từ các vườn đã được chứng nhận Global G.A.P. và của các vườn vú sữa đạt chất lượng khác để đưa ra thị trường Hà Nội tiêu thụ.

Để phát triển, nhân rộng diện tích vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn G.A.P., HTX vận động nhà vườn mở rộng trồng vú sữa Lò Rèn áp dụng theo quy trình trên. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng lập dự án mở rộng diện tích trồng cây vú sữa Lò Rèn lên 5.000ha vào năm 2015.

Việc vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim đi tiên phong sản xuất theo tiêu chuẩn Global G.A.P. mở ra triển vọng tươi sáng cho hàng nông sản Việt Nam chen chân vào thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Điều đáng nói là, lần đầu tiên, một mô hình HTX nông nghiệp với nhiều hộ nông dân nhỏ lẻ của ĐBSCL có thể liên kết lại với nhau để thực hiện thành công tiêu chuẩn Global G.A.P.. Đây là thành công có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh sản xuất trái cây của nông dân Việt Nam đang loay hoay tìm đường xuất khẩu.

Nông dân Trương Văn Vốn ở ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, phấn khởi cho biết: “Nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo Global G.A.P. nên chi phí sản xuất giảm 30%-50%, số lượng trái đạt chất lượng tăng từ 30% lên 70%, dẫn đến lợi nhuận tăng 40% so với sản xuất không theo Global G.A.P.”.

Nguyễn Bình Tây

Tin cùng chuyên mục