(SGGP).- Ngày 23-10, phiên tòa xét xử vụ thất thoát 966 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh 6, TPHCM (viết tắt là Agribank chi nhánh 6) bước sang ngày làm việc thứ hai. Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn sai phạm của các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Agribank chi nhánh 6 liên quan đến việc cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tấn Phát (Công ty Tấn Phát) vay 170 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Công ty Tấn Phát do bị cáo Dương Thanh Cường (49 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) thành lập, giao cho bị cáo Thái Cường (46 tuổi) làm giám đốc. Tháng 9-2007, bị cáo Dương Thanh Cường chỉ đạo bị cáo Thái Cường vay Agribank chi nhánh 6 số tiền 170 tỷ đồng. Một tháng sau, bị cáo Hồ Đăng Trung (62 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) và bị cáo Thái Cường ký Hợp đồng tín dụng với nội dung Agribank chi nhánh 6 cho Công ty Tấn Phát vay 170 tỷ đồng, mục đích vay là góp đầu tư tại Khu căn hộ và Trung tâm thương mại Đông Phương Phát, số 10, Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất 1,15%/tháng.
Theo quy định của Agribank Việt Nam, thẩm quyền cho vay tối đa của Agribank chi nhánh 6 không quá 80 tỷ đồng, việc cho vay 170 tỷ đồng phải xin nâng quyền phán quyết của Agribank Việt Nam. Tuy nhiên, bị cáo Trung không thực hiện quy định này mà chỉ đạo bị cáo Hồ Văn Long (39 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Tín dụng Agribank chi nhánh 6) lấy quyết định nâng quyền phán quyết của dự án khác đưa vào hồ sơ vay tiền của Công ty Tấn Phát. Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa, hỏi bị cáo Trung: “Bị cáo có biết đây là việc làm gian dối không?”. Bị cáo Trung thừa nhận có sự gian lận để hợp thức hóa hồ sơ vay. Bị cáo Trung cũng khai rằng biết việc không xin nâng quyền phán quyết là trái quy định.
Trong số tiền mà Công ty Tấn Phát vay, có 130 tỷ đồng được thế chấp bằng tài sản là quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ, quận Tân Phú, thuộc sở hữu của Công ty Dệt kim Đông Phương. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) khu đất số 10 Âu Cơ chỉ là giấy chứng nhận tạm thời, có ghi rõ không được chuyển nhượng, mua bán, thế chấp nhưng khu đấy này vẫn được thế chấp cho khoản vay 130 tỷ đồng. Sau đó, dù Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương không đề nghị nhưng tháng 4-2008, Trương Nhật Quang (35 tuổi, cán bộ tín dụng Agribank chi nhánh 6) vẫn lập tờ trình đề xuất cho Công ty Tấn Phát mượn lại GCNQSDĐ tạm thời khu đất số 10 Âu Cơ để hoàn thành thủ tục pháp lý, thời gian mượn là 10 ngày. Đề xuất này được bị cáo Trung ký duyệt. Thế nhưng, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp GCNQSDĐ hợp pháp lâu dài đối với khu đất số 10 Âu Cơ, khu đất trên được Công ty TNHH Đông Phương Phát - là công ty liên doanh giữa Công ty Bình Phát và Công ty Dệt kim Đông Phương - sử dụng thế chấp vay tiền Ngân hàng TMCP Phương Nam. Sau một thời gian, Công ty TNHH Đông Phương Phát đem khu đất này ủy quyền cho Ngân hàng Phương Nam chi nhánh Lý Thái Tổ quản lý, sử dụng, chuyển nhượng. Chỉ đến khi bị Agribank chi nhánh 6 nhiều lần thông báo yêu cầu hoàn trả GCNQSDĐ, bị cáo Dương Thanh Cường mới dùng 13 GCNQSDĐ khác thế chấp bổ sung. Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Trung cho rằng việc cho mượn giấy tờ tài sản thế chấp trong trường hợp doanh nghiệp cần, cán bộ ngân hàng đề xuất là không sai (?!). Hội đồng xét xử đặt vấn đề: lẽ ra khi không đòi được tài sản thế chấp thì Agribank chi nhánh 6 phải khởi kiện ngay, phải đặt sự bảo toàn vốn của Nhà nước lên trên hết, đằng này lại để kéo dài hết năm này đến năm khác, các bị cáo không có trách nhiệm với Nhà nước. Trước câu chất vấn này, bị cáo Trung im lặng.
Hôm nay 24-10, phiên tòa tạm nghỉ. Ngày 26-10, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.
ÁI CHÂN