Vụ tiêu cực tại Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn: Liệu có “chìm xuồng”?

Vụ tiêu cực tại Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn: Liệu có “chìm xuồng”?

Trên trang “Pháp luật & Công dân” số ra mới đây, chúng tôi đã có bài viết đưa ra hàng chục vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà Thanh tra TPHCM chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.

Trong đó, có Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), đã có nhiều sai phạm dẫn đến thua lỗ gần 70 tỷ đồng. Vụ tiêu cực lớn này sau đó đã được Thanh tra TP kết luận, làm rõ và Chủ tịch UBND TP chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật. Thế nhưng, gần 3 năm qua, vụ việc vẫn “im hơi lặng tiếng” và đang có dấu hiệu “chìm xuồng”?

Làm lỗ, báo cáo lãi

Theo kết luận của Thanh tra TP, trong nhiều năm qua Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn (S.M.C) được lãnh đạo TP quan tâm, tạo điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng và kinh phí đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại. Thế nhưng, dưới sự quản lý, điều hành của ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc S.M.C, đã đưa doanh nghiệp (DN) này đến tình trạng hoạt động không hiệu quả, làm mất vốn của Nhà nước một cách nghiêm trọng và đi đến phá sản.

Số liệu về sản xuất – kinh doanh cho thấy, có năm doanh thu của S.M.C chỉ đạt hơn 3 tỷ đồng và nhiều sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ không được, nhưng vẫn được báo lãi gần 1 tỷ đồng. Từ năm 1997 đến năm 2000, S.M.C tiếp tục lỗ với con số lên đến nhiều tỷ đồng, nhưng sổ sách lại thể hiện có lãi và tình hình tài chính DN lành mạnh.

Để che mắt cấp trên, Giám đốc Nguyễn Việt Hùng đã chỉ đạo nâng khống các khoản chi phí đầu vào của sản phẩm và giá trị doanh thu; khai tăng hàng tồn kho và ghi khống các khoản nợ phải trả của các cá nhân, đơn vị.

Vụ tiêu cực tại Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn: Liệu có “chìm xuồng”? ảnh 1

Làm ăn thua lỗ, cán bộ sai phạm, dẫn đến Công ty Công nghiệp cơ khí Sài Gòn phải đóng cửa và tiến hành phá sản doanh nghiệp. Ảnh: H.N.

Đáng chú ý, năm nào, cơ quan chủ quản là Sở Công nghiệp (cũ), cơ quan thuế, tài chính cũng kiểm tra, quyết toán, nhưng không phát hiện được tình trạng “lời giả, lỗ thật” này.

Kết quả là năm nào S.M.C cũng được công nhận hoàn thành kế hoạch, chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh, các đoàn thể được khen tặng có nhiều thành tích xuất sắc.

Riêng Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ Nguyễn Việt Hùng còn được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Sở Công nghiệp, UBND TPHCM và của Thủ tướng Chính phủ.

Trước khi được chuyển về Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, bằng nhiều thủ thuật, Giám đốc Việt Hùng đã chỉ đạo làm “sạch” sổ sách qua biên bản kiểm tra báo cáo tài chính năm 2003 với các con số: tổng doanh thu: 24.027.439.472 đồng; tổng chi phí: 23.542.504.283 đồng; lãi: 476.677.439 đồng; lỗ: không.

Có dấu hiệu tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, cuối năm 2005, S.M.C lập phương án cổ phần hóa. Từ đây, một phần sự thật của DN này được vén lên, với con số lỗ đưa ra là hơn 20 tỷ đồng. Không tin vào con số này, sau nhiều lần bị cấp trên “chất vấn”, Giám đốc Nguyễn Việt Hùng mới “tự khai” con số lỗ là 40 tỷ đồng.

Để làm rõ thực lỗ, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đề nghị UBND TP cho kiểm toán toàn diện đối với Công ty S.M.C. Kết quả thật bất ngờ, con số lỗ lên đến gần 70 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn Nhà nước giao không chỉ mất hơn 37 tỷ đồng, mà còn âm 30,8 tỷ đồng.

Đến đây, Giám đốc Nguyễn Việt Hùng mới khai thật: “Vì đơn vị chạy theo thành tích và mong muốn có thời gian để khắc phục, chúng tôi đã không báo cáo sự thật về tình hình tài chính. Trong nhiều năm qua đã nâng khống doanh thu để che giấu lỗ, lập các chứng từ giả để báo cáo sai sự thật…”.

Sau khi tiến hành thanh tra, Thanh tra TP đã có kết luận, con số lỗ gần 70 tỷ đồng tại S.M.C chưa thể khẳng định là lỗ thật, vì qua thanh tra cần phải xuất toán (giảm lỗ) chi phí hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, nổi lên các dấu hiệu của hành vi tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: toàn bộ hệ thống sổ sách, chứng từ kế toán tại S.M.C được ghi chép không trung thực, vi phạm nghiêm trọng Luật Kế toán; báo cáo tài chính không trung thực trong 10 năm, hậu quả là vốn của Nhà nước bị thiệt hại nghiêm trọng; chi sai quy định tiền lương, thưởng lễ, tết cho CB-CNV số tiền gần 7 tỷ đồng; thanh toán bằng ngoại tệ (USD) không đúng quy định cho người nước ngoài tại Việt Nam trong việc mua máy móc, thiết bị có giá trị 121.000 USD; sử dụng 2.503 hóa đơn giá trị gia tăng khống từ năm 2000 đến 2004; nhập, xuất thu chi khống đối với máy mài răng trị giá 1,96 tỷ đồng; mua sắm máy móc thiết bị không phù hợp, gây thiệt hại cho Nhà nước 4 tỷ đồng; dùng tài sản là 9 nhà xưởng để thế chấp vay vốn ngân hàng hàng chục tỷ đồng không đúng mục đích gây lỗ, không có khả năng chi trả…

Những sai phạm trên, theo kết luận của Thanh tra TP, “đã được hình thành một cách cố ý, có tổ chức, có hệ thống với nhiều thủ đoạn gian dối, tinh vi, thật giả lẫn lộn kéo dài trong nhiều năm, mang nhiều khuất tất, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng…”.

Trách nhiệm trước hết thuộc về ban giám đốc công ty, trong đó trực tiếp là ông Nguyễn Việt Hùng, nguyên giám đốc và bà Phạm Thị Lệ Hoàng, nguyên kế toán trưởng. Ngoài ra, còn có một loạt cán bộ liên đới trách nhiệm trong việc để xảy ra nhiều sai phạm tại S.M.C những năm qua cần được xem xét, xử lý. Trên cơ sở đó, Thanh tra TP đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND TP chuyển sớm hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra làm rõ để khởi tố hình sự.

Thống nhất với kết luận kiến nghị này, đầu năm 2007, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Thế nhưng, từ đó đến nay vụ việc vẫn “im hơi lặng tiếng”. Dư luận đặt câu hỏi: Liệu vụ tiêu cực lớn này có “chìm xuồng”?

HOÀI NAM