Vụ tiêu cực tại Công ty Vifon: Bộ Công thương không muốn làm nguyên đơn dân sự

Ngày 21-11, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái theo quy định của Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (viết tắt là Công ty Vifon).

(SGGP).- Ngày 21-11, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái theo quy định của Nhà nước xảy ra tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (viết tắt là Công ty Vifon).

Trong vụ án này, Nguyễn Bi (64 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vifon) bị xét xử về hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; Nguyễn Thanh Huyền (58 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) bị xét xử về hai tội “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo Đàm Tú Liên (52 tuổi, kế toán trưởng Công ty Vifon), Dương Thị Mẫn (66 tuổi, nguyên kế toán thanh toán Công ty Vifon), Ka Thị Thu Hồng (56 tuổi, nguyên thủ quỹ Công ty Vifon) cùng bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định từ năm 2002 đến năm 2006, lợi dụng giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền đã chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt. Hành vi của hai bị cáo này gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 14,6 tỷ đồng và cho các cổ đông gần 3,7 tỷ đồng. Biết làm sai nguyên tắc nhưng do tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các bị can Đàm Tú Liên, Dương Thị Mẫn, Ka Thị Thu Hồng đã có hành vi làm trái quy định của Nhà nước trong việc lập và ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi, tạo điều kiện cho 2 bị can Huyền, Bi chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Huyền khai trong số tiền chiếm đoạt, bị cáo đã chuyển cho bị cáo Bi hơn 3,4 tỷ đồng - là tiền được rút ra dưới danh nghĩa chi thưởng liên doanh và tiền lấy từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của Công ty Vifon. Tuy nhiên, bị cáo Bi phủ nhận lời khai này, chỉ thừa nhận do tin tưởng bị cáo Huyền nên đã ký duyệt chi khống tiền thưởng và các giấy tờ liên quan trái pháp luật.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, Bộ Công thương Việt Nam được xác định là nguyên đơn dân sự của vụ án. Thế nhưng, trong phần làm thủ tục phiên tòa vào buổi sáng, đại diện Bộ Công thương không đồng ý với tư cách này, cho biết chỉ tham gia phiên tòa để rút kinh nghiệm về công tác quản lý. Sau khi HĐXX hội ý, thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa, tuyên bố vẫn xác định Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự.

Buổi chiều, qua lời khai của bị cáo Bi và bị cáo Huyền cho rằng Công ty Vifon trực thuộc Bộ Công nghiệp quản lý (năm 2007, Bộ Công nghiệp mới sáp nhập với Bộ Thương mại trở thành Bộ Công thương - PV); việc trích hơn 7,9 tỷ đồng từ lợi nhuận chuyển nhượng vốn liên doanh vào quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi của Công ty Vifon đã được sự đồng ý của Bộ Công nghiệp, chủ tọa phiên tòa đã hỏi đại diện Bộ Công thương về vấn đề này. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công thương từ chối trả lời với lý do trước đây đã có văn bản cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra và ông không có thẩm quyền trả lời câu hỏi của HĐXX!? Trước thái độ thiếu hợp tác trên, thẩm phán Vũ Phi Long nói: “Theo quy định tại Điều 66 Luật Doanh nghiệp Nhà nước (vào thời điểm xảy ra vụ án vẫn còn hiệu lực), bộ quản lý ngành là đại diện chủ sở hữu đối với các công ty Nhà nước do bộ quyết định thành lập. Mọi hoạt động, tài sản của công ty cũng liên quan đến quyền sở hữu này. Đó là lý do HĐXX triệu tập Bộ Công thương là nguyên đơn dân sự trong vụ án này”.

Hôm nay 22-11, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục