Vụ tỏi “không thơm”

Vụ tỏi “không thơm”

Bén duyên trên đất Khánh Hòa hơn 15 năm, cây tỏi trở thành loại cây “giảm nghèo” của người dân. Thế nhưng trong hai vụ vừa qua, người trồng tỏi nơi đây thất thu vì mất mùa, mất giá.

Chúng tôi về vùng chuyên trồng tỏi ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) khi người dân đang vào vụ thu hoạch nhưng không khí ảm đạm hiện rõ trên từng nét mặt người dân nơi đây. Nhìn xuống ruộng tỏi đang thu hoạch dở dang, ông Lê Thanh Bình ở thôn Ninh Yển (xã Ninh Phước) nói: “Chưa năm nào dân trồng tỏi lại ngao ngán như năm nay. Tỏi mất mùa đã đành, giá lại giảm nên người dân thiệt kép”. Theo ông Bình, cây tỏi được ví như “vàng trắng” ở xứ này, nên việc “trồng  vàng” cũng khá gian nan. Tuy tỏi thích nghi đất biển miền Trung nhưng cũng nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt là mùa khô. Năm nay mùa hạn đến sớm và kéo dài, cây tỏi bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài ra, hai mùa vừa qua, sâu bệnh lại xuất hiện trên các ruộng tỏi khiến tỏi chậm lớn, cho củ nhỏ và ít.

Những năm trước đây, người dân Ninh Hòa luôn tự hào rằng, năng suất và chất lượng tỏi nơi đây chẳng khác gì tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), bình quân mỗi hécta tỏi cho thu hoạch trên 10 tấn, nhưng năm nay đã giảm còn 7-8 tấn/ha. Trong khi đó, giá tỏi đầu mùa bằng một nửa so mọi năm, chỉ từ 19.000 - 20.000 đồng/kg đối với tỏi loại 1. Ông Lê Hữu Dụng, một hộ dân trồng tỏi, so sánh: “Năm ngoái, 1ha thu hoạch được 10 tấn tỏi tươi, sau khi phơi còn lại khoảng 7 tấn; với giá bán 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình còn lãi hơn 200 triệu đồng/vụ. Còn vụ năm nay, mỗi hécta tỏi đầu tư cao hơn 20 triệu đồng so với trước nhưng năng suất thấp, củ tỏi lại nhỏ, không bắt mắt nên giá bán chỉ còn một nửa. Vì vậy, người trồng không có lãi, thậm chí có hộ còn phải lỗ vốn”.

Những ruộng tỏi èo uột vì nhiễm bệnh sâu dòi

Cây tỏi trên đất Khánh Hòa chính là tỏi giống đem về từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi - một thương hiệu nổi tiếng với người tiêu dùng trong nước. Người trồng tỏi trên đất Ninh Hòa hiện cũng chủ yếu là dân Lý Sơn, họ đến vùng đất này và phát hiện thổ nhưỡng nơi đây giống như Lý Sơn nên mở mang trồng tỏi. Vì thế, chẳng ngạc nhiên khi chất lượng tỏi Ninh Hòa được đánh giá tương xứng với tỏi Lý Sơn. Ông Võ Ái Nhân, người được xem là “vua tỏi” vì có công đầu trong việc đem giống tỏi từ Lý Sơn về Ninh Hòa, cho biết từ khi cây tỏi bén duyên đến nay, chưa khi nào người trồng lại “thua đau” như hai vụ qua. Nguyên nhân mất mùa, mất giá là do tỏi bị nhiễm bệnh sâu dòi. Dù người dân đã tiêu tốn hàng chục triệu đồng cho việc phun diệt sâu trên mỗi hécta nhưng sâu bệnh vẫn hoành hành. “Năm 2015, sâu dòi đã xuất hiện trên tỏi nhưng mức độ còn ít. Năm nay, sâu bệnh dày đặc khiến dân trở tay không kịp nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng tỏi. Nếu tình hình sâu bệnh không được khắc phục, mùa tỏi tiếp theo cũng khó tránh khỏi thất bại”, ông Nhân lo lắng.

Ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phước, cho biết, ngoài nguyên nhân dịch bệnh, hiện tỏi Ninh Hòa chưa xây dựng được thương hiệu đàng hoàng nên thường bị mua với giá thấp, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Vấn đề này xã đã kiến nghị lên cấp trên có phương án xây dựng thương hiệu “Tỏi Khánh Hòa” nhưng chưa được quan tâm.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục