Vũ trụ với nguy cơ bị quân sự hóa

Vũ trụ với nguy cơ bị quân sự hóa

Tính ra đã được hơn 4 thập kỷ từ khi trên vũ trụ xuất hiện các đối tượng đầu tiên có ý nghĩa về quân sự: các vệ tinh đảm bảo những kênh liên lạc chiến lược, cảnh báo về những đợt phóng tên lửa cũng như đảm trách việc do thám mặt đất… Tuy vậy cho tới hiện giờ chưa có một quốc gia nào trên thế giới cho bố trí trên quĩ đạo các loại vũ khí để tiêu diệt các mục tiêu dưới đất, cũng như chưa có nước nào chính thức tuyên bố về việc có sở hữu loại vũ khí chuyên dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên vũ trụ. Nhưng trong thời gian sắp tới, nguy cơ xuất hiện những loại vũ khí này là hoàn toàn có thể…

Cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ

Vũ trụ với nguy cơ bị quân sự hóa ảnh 1

Mô tả mạng lưới các thiết bị bắn laser trên vũ trụ của Mỹ.

Michael E.O’Hanlon, tác giả cuốn sách “Neither Star Wars nor Sanctuary” (Không phải chiến tranh giữa các vì sao, cũng không phải một khu bảo tồn), đã giải thích về tình hình hiện nay trên vũ trụ như sau: “Ranh giới giữa một vũ trụ hòa bình và quân sự hóa hiện nay đã bị xóa nhòa, mặc dù cho tới giờ chưa ai vượt qua ranh giới này”.

Hiện đang tồn tại một vài thỏa ước quốc tế cơ bản về việc sử dụng vũ trụ cho mục đích hòa bình được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Vào năm 1963, thế giới đã ngăn cấm việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở phạm vi vũ trụ tầm thấp. Năm 1967, cộng đồng quốc tế lại đưa ra nghị quyết cấm đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt vào quĩ đạo gần trái đất.

Đến năm 1968, một thỏa thuận hợp tác trong vũ trụ cho việc tiến hành các chiến dịch cứu hộ đã được ký kết. Năm 1972 lại đến một thỏa ước, theo đó các quốc gia trên thế giới cam kết chịu trách nhiệm trước những thiệt hại do các đối tượng trên vũ trụ của họ gây ra.

Tháng 8-2003, đã có đến 174 nước ký kết vào một nghị quyết của LHQ ngăn cấm chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Chỉ có 4 quốc gia từ chối tham gia nghị quyết này là Micronezia, quần đảo Marshall, Israel và Mỹ.

Ngày nay, Mỹ chi trung bình khoảng 36 tỉ USD hàng năm cho các chương trình triển khai ở vũ trụ tầm thấp. Riêng về các chương trình vũ trụ quân sự, Mỹ chi hàng năm gần 20 tỉ USD (khoảng 90% chi phí chung của toàn thế giới). Ngoài vai trò hàng đầu của Mỹ, nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm đáng kể đến việc khai thác vũ trụ cho mục đích quân sự và đang triển khai nhiều thiết bị và vệ tinh của mình trên các quĩ đạo khác nhau.

Cho đến cuối năm 2001, Mỹ đã sử dụng tới gần 110 vệ tinh quân sự, Nga là 40, còn các quốc gia còn lại là 20. Các chương trình vũ trụ-quân sự đang được từ 8 đến 10 nước trên thế giới phát triển, kể cả Trung Quốc, Pháp, Brazil, Anh, Ấn Độ, Israel và Nhật. Đó là chưa kể đến việc phổ biến những công nghệ có “tác dụng kép” (nghĩa là có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự cũng như hòa bình).

Trong những năm chiến tranh lạnh, đối thủ chính trong cuộc chạy đua trên vũ trụ của Mỹ chính là Liên Xô với vô số các vệ tinh quân sự được cả hai bên phóng lên. Tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã thì nước Nga đã tụt hậu rất nhiều. Trong năm 2004 vừa qua, Nga chỉ có phóng cả thảy 23 vệ tinh, 7 trong số đó là dùng cho các mục đích quân sự. Hiện tại, ngân sách vũ trụ của Lầu Năm Góc cũng gấp tới 10 lần so với khoản ngân sách tương tự của Nga.

Các vệ tinh trong thời chiến tranh lạnh được công khai sử dụng chủ yếu cho các mục đích do thám, chứ chưa có được sự tham gia tích cực hơn trong các chiến dịch quân sự. Nhưng kể từ năm 1991, mọi chuyện về cơ bản đã thay đổi. Mỹ rất tích cực sử dụng các thiết bị trên vũ trụ của mình trong thời gian tiến hành các chiến dịch quân sự tại Nam Tư, Afghanistan và Iraq.

Cụ thể là Lầu Năm Góc đã sử dụng hàng loạt các vệ tinh định vị toàn cầu (GPS), cho phép quân đội của họ có thể định hướng chính xác hơn trên mọi địa hình, xác định chính xác hơn nơi bố trí các đơn vị “ta” và “địch”, và cuối cùng là tăng cường độ chính xác của tên lửa và bom khi tấn công. Các vệ tinh liên lạc cũng được tích cực sử dụng hơn khi kết hợp với các máy bay không người lái, giúp truyền hình ảnh tới các điểm chỉ huy theo thời gian thực.

Theo số liệu của O’Hanlon, trong thời gian cuộc chiến đầu tiên với Iraq vào năm 1991, quân đội Mỹ đã sử dụng cả thảy 16 vệ tinh quân sự và 5 vệ tinh thương mại, có thể truyền đi một lượng dữ liệu lên tới 200 triệu bit trong một giây (tương đương 40 ngàn cú điện thoại được gọi cùng một lúc). Về sau, lượng thông tin được truyền đi qua vũ trụ đã tăng rất nhanh: trong thời gian chiến dịch tại Kosovo tăng lên gần gấp đôi, tại Afghanistan (hồi năm 2001-2002) con số này đã tăng lên tới gần 1 tỉ bit/giây.

Còn trong thời gian xâm nhập vào Iraq năm 2003 vừa qua, quân Mỹ đã có khả năng truyền đi 2,4 gigabit/giây. Điều đáng chú ý là phần lớn luồng dữ liệu truyền thông này được truyền đi không phải qua các vệ tinh quân sự, mà là các vệ tinh thương mại. Trong cuộc chiến năm 1991, chỉ có 8% số bom đạn của Mỹ được dẫn đường tới mục tiêu nhờ sự giúp đỡ của các hệ thống GPS, còn đến năm 2002 tại Afghanistan đã là 60%.

Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang đầu tư rất lớn cho các chương trình vũ trụ khác nhau. Theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc dự định chi tới 21,7 tỉ USD cho mục đích này vào năm 2005, tức là vượt qua cả những khoản chi phí cho các chương trình vũ trụ hòa bình.

Tham vọng chế tạo vũ khí trên vũ trụ

Từ nhiều năm nay, Mỹ đã cho triển khai những chương trình nghiên cứu với mục đích chế tạo được loại “vũ khí vũ trụ” có thể tiêu diệt các mục tiêu khác trong không gian. Những nỗ lực chế tạo ra các hệ thống có thể đánh gục những phương tiện vũ trụ khác của đối phương đã được Mỹ xúc tiến ngay từ cuối những năm 1950.

Trong những năm 1960, Mỹ đã chế tạo các tên lửa bắn chặn để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo, và về mặt lý thuyết cũng có thể tiêu diệt các đối tượng trên vũ trụ. Đến năm 1963, theo khẳng định của Albert Wilton (cựu phó giám đốc CIA), Mỹ đã thiết lập tại Thái Bình Dương hai hệ thống chống vệ tinh và duy trì sự tồn tại của chúng trong cả thập kỷ.

Để đối phó lại, Liên Xô cũng từng tổ chức nghiên cứu các loại vũ khí laser, vũ khí năng lượng vi sóng và tên lửa mặt đất có khả năng tấn công các mục tiêu trong không gian.

Âm mưu quân sự hóa vũ trụ của Mỹ lại được nâng lên một tầm cao mới, sau khi Ronald Reagan cho khởi  sự cái gọi là Sáng kiến phòng thủ chiến lược (còn gọi là Chương trình chiến tranh giữa các vì sao).

Đến năm 1985, Mỹ lại đưa ra khái niệm về hệ thống quân sự đa tầng trên vũ trụ với mục đích có khả năng tiêu diệt được 3.500 tên lửa của đối phương. Cũng trong năm này, Mỹ cho tiến hành những thử nghiệm đầu tiên về loại vũ khí chống vệ tinh kiểu mới – tên lửa được phóng từ máy bay có thể tiêu diệt một vệ tinh mục tiêu.
Đến thời Bill Clinton, Mỹ cũng triển khai nghiên cứu loại súng laser nhằm tiêu diệt các mục tiêu trên vũ trụ, nhưng rốt cuộc cũng gặp thất bại.

Dù sao, người Mỹ vẫn tiếp tục nghiên cứu khả năng “che mắt” các vệ tinh đối phương bằng tia laser. Khi George Bush con lên cầm quyền, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị một báo cáo trong đó khẳng định, mạng lưới các thiết bị trên vũ trụ của Mỹ có nguy cơ sẽ phải hứng chịu một “trận Trân Châu Cảng mới” nếu như không áp dụng các biện pháp đề phòng.

Bản báo cáo còn khẳng định, Trung Quốc và Iran đang rất tích cực nghiên cứu các loại súng laser có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên vũ trụ. Ngoài ra, báo cáo cũng bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ các quốc gia hay tổ chức khủng bố có thể cho nổ vũ khí hạt nhân ở các tầng trên cùng của lớp khí quyển. Điều này sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với các vệ tinh.

Năm 2002, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước phòng thủ chống tên lửa để tạo tiền đề cho việc triển khai các hệ thống chống tên lửa đạn đạo trên vũ trụ. Cuối năm 2004 vừa qua, Bộ chỉ huy không quân Mỹ còn chuẩn bị một học thuyết riêng về chiến tranh trên vũ trụ, trong đó khẳng định: Mỹ cần phải đảm bảo an toàn cho các thiết bị trên vũ trụ của mình, đồng thời sẵn sàng chống lại các vệ tinh và tàu vũ trụ của đối phương. Theo đó, mục tiêu của không quân Mỹ có thể là các thiết bị trên vũ trụ của cả các nước trung lập, nếu như chúng được sử dụng để giúp đỡ cho đối phương.

Dù sao thì những tham vọng mới của Mỹ trong âm mưu quân sự hóa vũ trụ đang gặp phải không ít ý kiến chống đối ngay cả trong nước. Lý do đưa ra rất đơn giản: vũ trụ có tác dụng duy trì điều kiện sống cho toàn bộ nhân loại, nên những âm mưu quân sự hóa sẽ là mối đe dọa thực sự đối với sự sống trên trái đất.

NHƯ QUỲNH tổng hợp

Tin cùng chuyên mục