Bị can bị mất việc, bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Dù tòa nhận định vụ việc mang tính dân sự, nhiều lần trả hồ sơ, nhưng VKSTC-C6 vẫn tiếp tục… áp đặt!
Hình sự hóa việc dân sự?
Trong thi hành án dân sự, nếu cho rằng kết quả định giá tài sản gây thiệt hại cho mình thì đương sự có quyền kiện vụ án ra tòa để đòi cơ quan thi hành án bồi thường. Sau đó, cơ quan thi hành án xác định lỗi của cá nhân nào thì xử lý, tùy theo mức độ, thậm chí có thể đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đằng này, nhận được tố cáo của đương sự, Cơ quan điều tra VKSTC-C6 liền khởi tố chấp hành viên về tội “Ra quyết định trái pháp luật” và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Vụ việc như sau: Tháng 1-2009, chấp hành viên Nguyễn Long Vân, Phó đội trưởng Đội Thi hành án dân sự TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tiến hành kê biên và lập hội đồng định giá bán đấu giá toàn bộ khu đất 3.600m2 (số 357 đường Phan Đình Phùng, TP Đà Lạt) để thi hành các bản án mà bà Phạm Thị Hồng phải trả nợ. Bà Hồng có đơn tố cáo ông Vân định giá tài sản sai, gây thiệt hại cho bà. Cơ sở khởi tố bị can, theo Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSTC-C6 Nguyễn Văn Hải, ông Vân ra quyết định thành lập hội đồng định giá không có thành viên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, là trái pháp luật. Mặc dù đã được giải thích rõ là tuy có thiếu thành phần, nhưng hội đồng đã sử dụng giá do chính Trưởng Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cung cấp thì không sai. Thế nhưng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định lại khu đất bằng một hội đồng khác, vào thời điểm khác, rồi lấy kết quả đối chiếu và cho rằng giá do hội đồng thi hành án cũ lập ra gây thiệt hại 17 tỷ đồng!
Thấy không đủ căn cứ, Viện KSND tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ: Hội đồng định giá do VKSTC-C6 trưng cầu có phải là cơ sở bắt buộc để đối chiếu giá cho tất cả các hội đồng định giá không, nếu có thì dựa trên quy định nào? Thế nhưng Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSTC-C6 Nguyễn Văn Hải vẫn “giữ nguyên đề nghị truy tố”.
Lại một lần nữa, đề nghị trên của ông Hải không được Viện KSND tối cao chấp thuận và chỉ rõ việc thiếu căn cứ là “vì sao trong 2 kết luận định giá cùng 1 lô đất nhưng diện tích khác nhau (hội đồng do ông Vân lập thì diện tích 3.600m2, còn hội đồng do Cơ quan điều tra VKSTC-C6 trưng cầu thì 3.400 m2). Từ đó mới thấy, sở dĩ có 2 diện tích khác nhau là do hội đồng ông Vân định giá vào tháng 1-2009, khi đó khu đất có diện tích 3.600m2; sau đó bị giải tỏa làm đường cắt mất 200m2, dẫn đến khu đất lộ ra 2 mặt tiền đường lớn, nên hội đồng do VKSTC-C6 trưng cầu đã cộng thêm hệ số K (vì lúc đó đất có lợi thế vị trí, mặt tiền); hơn nữa, vì đất đã được cấp sổ đỏ (vào tháng 6-2009) nên giá trị cũng tăng lên, dẫn đến mức giá khác nhau.
Việc xác định thiệt hại không thành, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSTC-C6 đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và bị can.
Bị trả hồ sơ lần “thứ n”
Sự việc tưởng xong, không ngờ, đầu năm 2014, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSTC-C6 Nguyễn Văn Hải lại phục hồi điều tra bằng cách đổi tội danh từ “Ra quyết định trái pháp luật” thành “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nội dung khởi tố mới cho rằng, việc ông Vân dùng giá do hội đồng định giá trước đó (định giá một phần khu đất) là sai quy định!
Ông Vân lý giải, sở dĩ hội đồng cũ bị giải tán là để thành lập hội đồng mới, nhằm định giá toàn bộ khu đất (vì hội đồng cũ chỉ định giá một phần khu đất, không đủ để thi hành nhiều bản án). Giá do hội đồng cũ xác định là đúng quy trình, vẫn có giá trị tham khảo, bởi luật còn cho phép hội đồng được quyền tham khảo cả giá thị trường. Pháp luật chỉ quy định “việc định giá không được thấp hơn mức giá do UBND cấp tỉnh quy định”. Khi ấy, giá đất do UBND tỉnh Lâm Đồng quy định chỉ 5 triệu đồng/m2, trong khi hội đồng do ông Vân lập định giá đến 10 triệu đồng/m2, nên không trái pháp luật.
Do vậy, khi vụ án chuyển sang tòa, đến lượt tòa trả hồ sơ. Tại Quyết định trả hồ sơ số 11/2014/HSST-QĐ ngày 29-9-2014 của TAND tỉnh Lâm Đồng ghi rõ: “Với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xác định được đối tượng bị thiệt hại, thiệt hại bao nhiêu”. Đồng thời giải thích rằng, nếu bà Hồng bị thiệt hại thì bà có quyền kiện theo thủ tục dân sự (tranh chấp về kết quả bán đấu giá), sau đó bồi thường theo Luật Bồi thường Nhà nước (cơ quan thi hành án bồi thường trước, rồi mới xem xét trách nhiệm chấp hành viên Nguyễn Long Vân)”. Thế nhưng, kết luận điều tra bổ sung của VKSTC-C6 còn xác định thiệt hại bằng lời khai của bà Hồng, với giả định rằng “nếu không cưỡng chế thi hành án, bà sẽ cho thuê cửa hàng, cây xăng, thu khoảng hơn 50 tỷ đồng”.
Đáng buồn là các cơ quan tố tụng không tranh luận với nhau trên cơ sở pháp luật, mà Viện KSND tối cao lại có văn bản - do công tố viên Lại Cao Bình gửi đến TAND tỉnh Lâm Đồng - với nội dung: liên ngành tư pháp cùng Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng đã họp và nhận định Nguyễn Long Vân có một loạt vi phạm gây thiệt hại cho công dân và gây khiếu kiện kéo dài bức xúc tại địa phương, nên “cần phải được giải quyết để ổn định tình hình chính trị địa phương”. Tuy nhiên, với quyền độc lập xét xử, TAND tỉnh Lâm Đồng vẫn ra Quyết định trả hồ sơ số 04/2015/HSST-QĐ (ngày 25-3-2015) với nội dung: “Việc xác định thiệt hại trong cáo trạng là suy diễn, không đủ chứng cứ buộc tội”. Thế là, Viện KSND tối cao lại trả hồ sơ về cho VKSTC-C6 để điều tra bổ sung. Tuy không điều tra được tình tiết mới nhưng cơ quan điều tra vẫn kiên quyết buộc tội, nên Viện KSND tối cao cứ phải liên tục điệp khúc “trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung” vào tháng 7-2015, rồi tháng 9-2015, tháng 11-2015, tháng 2-2016, tháng 7-2016… và đến lần thứ n… thì cơ quan công tố cũng chuyển sang tòa.
Tháng 4-2017, TAND tỉnh Lâm Đồng lại mở phiên tòa xét xử lần nữa nhưng nội dung vụ việc như cũ. Hội đồng xét xử chỉ thêm rằng, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra VKSTC-C6 chỉ có thẩm quyền điều tra đối với các tội “xâm phạm hoạt động tư pháp”, mà tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” không thuộc nhóm “xâm phạm hoạt động tư pháp” nên không thuộc quyền điều tra của viện kiểm sát. Tưởng vụ việc kết thúc, không ngờ, Cơ quan điều tra VKSTC-C6 liền quay lại tội danh cũ “Ra quyết định trái pháp luật” - dù tội này trước đây được xác định là không đủ cơ sở để truy tố.
Dư luận đang hoang mang, bởi Luật quy định thời hạn điều tra một vụ án chỉ 4 tháng, nhưng đến giờ đã 8 năm mà vẫn cố tình buộc tội dù không có tình tiết mới. Ai được lợi trong việc này, khi người mua tài sản đấu giá đã thanh toán hàng chục tỷ đồng từ gần 10 năm qua, đến giờ vẫn không nhận được tài sản. Trong khi bên phải thi hành án thì dùng tiền bán tài sản để thi hành xong, nhưng vẫn giữ đất và khai thác lợi lộc trên đất đã bán. Còn ông Vân thì bị “treo” cả cuộc đời: tạm dừng công tác, tiêu tan sự nghiệp, cấm đi khỏi nơi cư trú…