Nông nghiệp ĐBSCL tiếp tục đóng góp quan trọng vào kinh tế cả nước với 3 sản phẩm chủ lực: lúa gạo, thủy sản và trái cây. Song, nghịch lý là vốn FDI vào vùng này nói chung, vào khu vực nông nghiệp - nông thôn nói riêng vẫn đang “nghẽn mạch”.
Cần “hệ điều hành” mới
ĐBSCL được xác định là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, kinh tế phát triển năng động, bền vững… Mục tiêu đó đang cần một “hệ điều hành” mới để tăng cường thu hút FDI, đặc biệt vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cho đến nay, trong khi nhiều quy hoạch cấp vùng đã được ban hành, nhưng vẫn chưa có một chiến lược hay quy hoạch thu hút đầu tư FDI nào cho ĐBSCL đã tạo ra lúng túng, thiếu liên kết.
Tác nhân gây “nghẽn mạch” vốn FDI của vùng chính là việc thiếu một chiến lược cho vùng trong chiến lược quốc gia. Tác nhân thứ hai là cách làm rập khuôn, thiếu năng động theo kiểu kêu gọi chung chung, thiếu gắn kết, đặc biệt là cách tiếp cận vốn FDI vẫn theo tư duy “ranh giới hành chính” như cách “vận động” vốn đầu tư của nhà nước. Tư duy kinh tế vùng trong thu hút đầu tư là động lực để các tỉnh nắm tay nhau chia sẻ lợi ích, chia sẻ thị trường, khai thác “lợi thế dùng chung” như cơ sở hạ tầng sân bay, cảng biển, cầu đường, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, tránh đầu tư lãng phí theo kiểu đầu tư cho tỉnh nào cũng có để rồi không tỉnh nào đáp ứng yêu cầu “cần và đủ” cho nhà đầu tư. Sự tiên phong về tư duy phát triển, gắn kết được quá trình liên kết các chuỗi giá trị kinh tế sẽ là khâu đột phá để ĐBSCL trở thành một cực thu hút đầu tư và tăng trưởng trong những thập niên tới.
Liên kết vùng để thu hút FDI
|
Liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI vào vùng ĐBSCL và định hướng ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Công tác xúc tiến đầu tư vào vùng ĐBSCL trong thời gian qua còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Lâu nay, việc phân bổ vốn và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch chỉ có 2 cấp: quốc gia và địa phương, “bỏ quên” cấp vùng; trong khi nhà đầu tư nước ngoài thường hướng đến một không gian kinh tế vùng rộng lớn hơn là ranh giới hành chính địa phương. Những “hợp xướng” tạo ra tiếng nói chung của bộ, ngành trung ương và các địa phương như diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, đề án liên kết vùng, các hoạt động xúc tiến đầu tư theo vùng thay cho hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các tỉnh để tiến tới một đề án tổng thể xúc tiến đầu tư – thương mại, du lịch vùng ĐBSCL với những cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư… là những “thuật toán lập trình” mới cần được ứng dụng tốt hơn.
Bên cạnh những giải pháp quy hoạch, kế hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, nhân lực, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, giải pháp bảo vệ môi trường, thu hút FDI cũng đang đặt ra yêu cầu đột phá về cơ chế, chính sách mới trong nông nghiệp, nông thôn. Đó là việc dở bỏ chính sách “hạn điền”, cho phép tính tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn, giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài thay cho có thời hạn chắp vá, là hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình hiện đại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trần Hữu Hiệp
Vụ trưởng Vụ KT-XH BCĐ Tây Nam bộ
| |