Dự án treo tại Yên Nhân (Hà Nội)

Vựa rau biến thành... “vựa” rác

Vựa rau biến thành... “vựa” rác

(SGGP 12G).- Cứ sau cơn mưa, cả cánh đồng rau màu rộng hàng trăm héc ta ở thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong (huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc cũ, nay là Hà Nội) lại chìm trong “biển nước”, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Việc mùa màng thất bát ngoài một phần do thiên nhiên gây ra, còn một nguyên nhân khác “gây bức xúc”: Một vài dự án xây dựng khu đô thị đã đổ đất, san nền lấp hết các kênh mương thoát nước. Điều đáng nói là các dự án chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng, sau đó bỏ hoang...

“Khóc” giữa đồng

Vựa rau biến thành... “vựa” rác ảnh 1
Chị Phạm Thị Hương, thôn Yên Nhân buồn bã khi liên tiếp nhiều vụ rau vừa qua mất trắng

Sau cơn mưa lớn ngày 9-8, cánh đồng thôn Yên Nhân tiêu điều, xác xơ. Xác xu hào, cải bắp, bí, ngô… nằm chết la liệt, mùi thối rữa bốc lên hăng hắc. Cả cánh đồng vắng lặng, chỉ còn một số người dân, khuôn mặt đượm buồn đang thu lượm những xác rau chết về một góc hoặc bè bờ, làm luống để tiếp tục gieo trồng vụ mới.

Anh Nguyễn Văn Hiền, một trong hàng trăm người dân bị thiệt hại do cơn mưa ngày 9-8, nói như mếu: “4 sào dưa bở, cải ngọt của nhà tôi vừa trồng gần một tháng, nay chẳng còn cây nào sống sót. 10 triệu đồng mua cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu… vì thế cũng trôi theo nước”. Anh Hiền bảo, từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ tư gia đình anh phải ngậm đắng, nuốt cay nhìn ruộng hoa màu hoang tàn.

Trong đó, chỉ riêng tháng 7 đã hai lần bị ngập úng khi rau màu gần đến ngày thu hoạch. “Để tránh thiệt hại lớn, nhà tôi chỉ dám trồng 4 sào rau, còn hai sào đành bỏ hoang. Nếu ruộng vườn liên tục ngập úng như thế này thì chỉ còn cách bỏ nghề trồng rau” - anh Hiền nói.

Ông Sáu Phúc, người trồng rau màu lâu năm của xã Tiền Phong, than thở: “5 sào xu hào đang tốt ngồn ngộn chỉ một cơn mưa nhỏ đã chìm trong bể nước. Hai hôm sau khi nước rút thì cả ruộng xu hào đã thối rữa”. Rồi ông ước tính, tổng thiệt hại sau 4 lần bị úng ngập từ đầu năm đến nay đã lên tới 60 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tập thể xã Tiền Phong, cánh đồng Yên Nhân là vựa rau lớn với diện tích gần 165ha. Đây là nơi cung cấp rau chủ yếu cho hai trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc là thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và một số quận ngoại thành của thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, kể từ năm 2004, khối lượng rau màu của Yên Nhân bán ra thị trường giảm trông thấy. Ông Phương thừa nhận nguyên nhân làm giảm khối lượng rau là do cánh đồng thường xuyên bị ngập úng. “Mỗi héc ta trồng rau, người dân Yên Nhân thu được 50 triệu đồng. Như vậy, hơn 100ha rau màu mất trắng, tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng”- ông Phương nhẩm tính.

Vì dự án treo

Từ cuối năm 2003, đầu năm 2004, hơn 100ha đất nông nghiệp ở làng rau Yên Nhân bị thu hồi để xây dựng 3 dự án, trong đó có hai khu đô thị là Minh Giang, Làng Hoa và Nhà máy bia Hà Nội. Người dân làng rau vẫn không thể quên cái ngày những chiếc máy “khổng lồ” đến ủi những thửa rau đi. Song, kể từ năm cuối năm 2004 đến nay, ngoài dự án nhà máy bia vừa mới xây dựng trở lại, còn 2 dự án khu đô thị mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng.

Đứng trên đường, ông Sáu Phúc chỉ về phía khoảnh đất bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nói: “Đó là đất để xây dựng hai khu đô thị Minh Giang và Làng Hoa. Nhìn hàng trăm héc ta đất bị bỏ hoang, chúng tôi đau xót lắm bởi giá rau trên thị trường đang tăng lên từng ngày”.

Theo ông Sáu Phúc, trước khi 3 dự án chưa xây dựng, cánh đồng Yên Nhân có khoảng hơn 10 kênh mương và trên 3 đầm chứa nước nên “không bao giờ có cảnh ngập úng như hiện nay”. Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng, các dự án trên đã lấp đi hầu hết kênh mương và đầm chứa nước. Vì thế, cả cánh đồng rộng gần 200ha chỉ có một con mương nhỏ, bèo tây mọc kín. Từ đó, người dân Yên Nhân ăn, ngủ không yên bởi cứ mưa xuống là cánh đồng rau lại ứ tắc, ngập úng nhiều ngày liền.

Thời gian gần đây, tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Hồi tháng 5-2008, một sự cố xảy ra khi con mương duy nhất thoát nước cho cả cánh đồng bị tắc nghẽn tại đoạn nhà máy bia. Vì thế, sau cơn mưa lớn, cánh đồng trắng xóa nước, trông không khác gì những cánh đồng ở đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi. Lần đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã hộ trợ hơn 600 triệu đồng nhưng vẫn không thể nào bù đắp được tổng thiệt hại quá lớn của người dân.

Điều đáng nói là chủ đầu tư các dự án đến thời điểm này vẫn chưa có một khoản bồi thường nào cho những thiệt hại trên của người dân (được biết, khi khởi công xây dựng 3 dự án, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ xây dựng cho dân một con kênh rộng 5m, sâu 3m).

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Công Đáng, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong nói đã có kiến nghị lên cấp trên về 3 dự án “treo” này nhưng chưa được giải quyết. Theo ông Đáng, dự án ngày nào chưa được tiếp tục thì cánh đồng rau Yên Nhân vẫn đứng trước nguy cơ bị ngập. 

Cũng tương tự, cánh đồng rau của hai thôn Hậu Đông và Ấp Giữa cùng ở xã Tiền Phong cũng ngập úng nhiều ngày sau đợt mưa ngày 9-8. Theo ông Đáng, nguyên nhân ngập cũng vì những khu đô thị, nhà máy, xí nghiệp… xây dựng xung quanh đã chặn hết mương thoát nước. Mùa màng liên tục bị thất thu nên Tiền Phong từ một vựa rau màu lớn cung cấp rau cho thành phố Hà Nội đang đứng trước nguy cơ biến mất .

Diệp An

Tin cùng chuyên mục