Vực dậy châu Âu sau Brexit

EU sẽ không tan rã
Vực dậy châu Âu sau Brexit

Lãnh đạo 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro (Eurzone) ngày 22-8 đã hội đàm về bước đi tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Eurozone nói riêng sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit). Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tác động của Brexit tới các thành viên còn lại đang lớn dần, đe dọa sự tồn tại của 2 thể chế này.

Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Matteo Renzi (từ trái sang) tại buổi họp báo

EU sẽ không tan rã

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm trên tàu sân bay ngoài khơi đảo Ventotene của Italia, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã kêu gọi hợp tác an ninh chặt chẽ hơn và tạo nhiều cơ hội việc làm tốt hơn cho giới trẻ - 2 vấn đề có thể xem là nóng nhất của EU hiện nay. Thủ tướng chủ nhà Italia Matteo Renzi cho rằng “nhiều người dân châu Âu đổ lỗi cho EU về tất cả những hậu quả hiện nay như nhập cư, khủng bố, nền kinh tế giảm phát. Nhưng điều đó không đúng”. Thủ tướng Italia Matteo Renzi khẳng định EU sẽ không tan rã sau sự kiện Brexit.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo 3 nước Đức, Pháp và Italia được xem là nhằm đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh EU tại Bratislava, Slovakia tháng 9. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của Vương quốc Anh nhưng chúng tôi cũng muốn nói rõ rằng 27 quốc gia thành viên khác của EU đang trông cậy vào một châu Âu an toàn và thịnh vượng”.

Nguy cơ chệch hướng và phân mảnh

Câu hỏi làm thế nào để mang lại sự thịnh vượng và an toàn đang là 2 vấn đề mà EU đang loay hoay tìm kiếm. Italia có nền kinh tế hầu như không phát triển kể từ sự ra đời của đồng euro năm 1999. Nước này cũng đã nhiều lần chống lại những quy định về  ngân sách của EU và cả Thủ tướng Italia Renzi và Tổng thống Pháp Hollande đều muốn linh hoạt hơn trong vấn đề ngân sách để giúp kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức luôn cho rằng phải tôn trọng các quy tắc tài chính và ủng hộ chính sách thắt lưng buộc bụng. Nguyên nhân chính là nước Đức có phần đóng góp ngân sách nhiều nhất trong EU và bà Merkel luôn phải tôn trọng tiền thuế của người dân. Bản thân cả 3 lãnh đạo EU này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước. Thủ tướng Đức Merkel phải đối mặt với sự bất bình trong dân chúng về quyết định gây tranh cãi của bà cho phép 1 triệu người di cư chủ yếu là người Hồi giáo vào đức năm 2015. Tổng thống Pháp Hollande đang quay cuồng với làn sóng tấn công khủng bố của các phần tử cực đoan và Thủ tướng Itallia Renzi phải đối mặt với một cuộc trưng cầu về cải cách hiến pháp vào mùa thu này có dẫn đến sự ra đi của ông.

Về vấn đề di dân, Đức lên kế hoạch cung cấp ưu đãi tài chính cho các chính phủ châu Phi để đổi lại giúp ngăn cản dòng chảy của những người di cư vào châu Âu, nhưng giữa các quốc gia thành viên EU vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ EU bằng vũ trang và thắt chặt an ninh biên giới, chia sẻ thông tin tình báo. Thủ tướng Italia Renzi thì ủng hộ trục xuất di dân về nơi xuất phát. Trong khi đó, hàng loạt nước Đông và Trung Âu như Ba Lan, Hungary, Áo, đang muốn tách khỏi các quy định của EU về di dân. Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Alexander Graf Lambsdorff, đã cáo buộc Ba Lan và Hungary xem thường giá trị của EU và yêu cầu trừng phạt ngân sách với 2 nước này khi cả 2 nước không hợp tác với EU trong việc xử lý vấn đề người nhập cư. Tổng thống François Hollande nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất đối với châu Âu cũng như các quốc gia thành viên là sự “chệch hướng, phân mảnh và ích kỷ”.

THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục