Thu nhập mỗi năm từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, có biệt thự, xe hơi... là những điều không hiếm ở “thủ phủ” hồ tiêu Tây Nguyên. Nông dân nơi đây chỉ cần một vụ tiêu được mùa, được giá là trở thành tỷ phú. Nhưng cũng có vụ nhiều người chợt ... trắng tay. Xung quanh thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” ở Gia Lai, luôn thấm đẫm những chuyện vui buồn “kẻ cười, người khóc”.
Kẻ cười
Hiện vùng nguyên liệu có thương hiệu hồ tiêu Chư Sê có diện tích trên 4.000ha, thuộc hai huyện Chư Sê và Chư Pưh. Riêng huyện Chư Sê có gần 2.200ha, trong đó, vườn tiêu đang thời kỳ kinh doanh gần 2.000ha, còn lại đang chăm sóc và trồng mới. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên cây tiêu đậu quả nhiều, to và giá tiêu cao kỷ lục (gần 150.000 đồng/kg tiêu đen) khiến người trồng tiêu rất phấn khởi.
Ở một số xã như Kông Htôk, Ia Tiêm, Bờ Ngoong (huyện Chư Sê)... cây tiêu đang trong thời kỳ sung sức cộng với được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Theo ước tính, mùa vụ thu hoạch 2011 - 2012, sản lượng tiêu ở những vùng này tăng từ 20%-25%.
Đang thoăn thoắt bón phân cho những gốc tiêu, chị Nay Hoen (trú tại xã Ia Tiêm huyện Chư Sê) hớn hở khoe: “Gia đình mình có 1,5 ha tiêu đang thời kỳ thu hoạch. Năm nay, do thời tiết thuận lợi, cộng với chăm sóc kỹ nên vườn tiêu nhà mình đậu quả nhiều. Nếu như niên vụ 2009 - 2010, chỉ thu hoạch được khoảng 4 tấn tiêu khô/ha, thì niên vụ này ước đạt 5 - 5,2 tấn. Nếu giá tiêu vẫn ở mức cao như hiện nay, sau khi trừ chi phí, còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Với số tiền đó, mình sẽ trả hết nợ ngân hàng, sắm sửa một số tiện nghi trong nhà và để dành cho con cái đi học. Vợ chồng mình phấn khởi lắm”.
Cũng như chị Nay Hoen, gia đình anh Rơ Lan Thip ở xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) cũng đang háo hức chờ ngày thu hoạch tiêu. Chia sẻ với chúng tôi niềm vui được mùa, anh Rơ Lan Thip cười thật tươi: “Nhờ trời, gần 2.000 trụ tiêu nhà mình đậu quả nhiều lắm. Chỉ một thời gian ngắn nữa là thu hoạch thôi. Theo tính toán của mình, vụ này thu hoạch gần 50 tấn tiêu tươi/ha. Trừ chi phí, có khả năng vợ chồng mình kiếm được hơn 500 triệu đồng. Từ khi sinh ra đến giờ, chưa bao giờ mình biết được số tiền lớn như thế. Gia đình mình sắp hết đói khổ rồi!”.
Cùng cười với niềm vui được mùa với chị Nay Hoen, anh Rơ Lan Thip còn có hàng trăm hộ gia đình khác trên địa bàn huyện Chư Sê. Những người nông dân sau một vụ mùa đã có trong tay số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng từ những hạt tiêu nhỏ xíu, cay nồng.
Người khóc
Bên cạnh sự phấn khởi do hồ tiêu mang lại, thời gian gần đây, nhiều nông dân ở “thủ phủ” hồ tiêu Tây Nguyên đang chìm trong nỗi lo lắng do hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, chết hàng loạt. Diện tích tiêu nhiễm bệnh của hai huyện Chư Sê, Chư Pưh khoảng 550 ha, tập trung nhiều nhất ở Al Bă, Ia Ko, Ia Pal (huyện Chư Sê) và các xã Ia Hla, Ia Hrú, Ia Phang, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh). Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay huyện Chư Sê có hơn 16.000 trụ tiêu bị chết, huyện Chư Pưh khoảng 4.000 trụ. Hộ ít mất vài chục trụ, bình thường thì vài trăm trụ, có hộ lên đến cả ngàn trụ; nhiều hộ, tiêu chết trắng cả vườn.
Tại huyện Chư Sê, những hộ thiệt hại nặng do tiêu chết nhanh trong đợt này như hộ ông Vũ Văn Thìn, làng Roh Lớn (xã Al Bă) chết gần 600 trụ tiêu đang thu hoạch; hộ bà Trần Thị Lành làng Roh Nhỏ (xã Al Bă) có hơn 1.000 trụ thì chết gần một nửa…
Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu 300 trụ giờ chết sạch không còn lấy một cây, anh Kpuih Nhac, làng Roh Lớn (xã Al Bă) buồn bã cho biết: “Chưa bao giờ tiêu chết nhiều như năm nay. Nhà mình chỉ có 300 trụ nhưng đã chết gần hết, vài trụ thưa thớt còn lại lá cũng đang thi nhau úa vàng, thối rễ, thối thân. Chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chết cả thôi”.
Khi chúng tôi hỏi: Sao không cứu vườn tiêu? Anh buông tiếng thở dài: “Có chứ. Bơm bao nhiêu là thuốc mà chúng vẫn đua nhau chết. Năm ngoái tuy không được mùa nhưng còn thu được một tạ, năm nay chắc không được cân nào”.
Về nguyên nhân của tình trạng tiêu chết nhanh hiện nay ở Gia Lai, ông Lê Sỹ Quý, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, năm nay, tại khu vực Tây Nguyên có mưa nhiều, cây hồ tiêu bị ngập úng, nấm Phytopthora xâm nhập, làm toàn bộ gốc rễ bị thối đen, cây chuyển màu vàng úa hoặc héo xanh và chết rất nhanh trong vòng từ 5-7 ngày. Bên cạnh đó, người trồng tiêu chủ quan đào hố trồng quá sâu, để đọng nước trong bồn cây quá nhiều và quá lâu, làm rễ cây bị nhũn. Ngoài ra, do không nắm vững kỹ thuật canh tác nên nông dân bón phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều... làm vườn tiêu xuống cấp, bệnh phát triển nhanh hơn.
Vùng hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh (Gia Lai) chỉ chiếm 6% diện tích của cả nước nhưng cho sản lượng từ 15.000 - 20.000 tấn, chiếm 17%-20% sản lượng chung. Địa danh Chư Sê đã trở thành vùng sản xuất hồ tiêu danh tiếng. Tuy nhiên, vào lúc này những nhà nông ở đây đang mong chờ sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật của các nhà chuyên môn để giữ cho những vườn hồ tiêu xanh tốt.
ĐỨC TRUNG