“Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long - đó là hành trang mang theo của đoàn đại biểu cấp cao TPHCM khi đến với các bạn Lào”, đồng chí Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thành viên đoàn đại biểu cấp cao TPHCM, đã nhấn mạnh với PV Báo SGGP nhân kết thúc chuyến đi thăm và làm việc tại nước CHDCND Lào từ ngày 10 đến 14-4.
* Phóng viên: Thưa đồng chí, mỗi lần gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào nói chung, thủ đô Viêng Chăn và tỉnh Champasac nói riêng, đoàn đại biểu TPHCM luôn nhắc đến tình cảm “đặc biệt của đặc biệt” trong quan hệ hai nước?
* Đồng chí NGUYỄN TRUNG TÍN: Đúng là “đặc biệt của đặc biệt” và chuyến đi này càng có ý nghĩa đặc biệt sau khi Đại hội Đảng CHDCND Lào lần thứ IX thành công tốt đẹp. Gặp lại các bạn Lào anh em, chúng tôi trào dâng cảm xúc, giống như người thân trong gia đình lâu ngày gặp lại. Việt Nam và Lào là 2 dân tộc láng giềng vốn từ lâu gắn bó mật thiết và một trong những điển hình của tình hữu nghị 2 nước là mối quan hệ hợp tác giữa TPHCM với 2 địa phương kết nghĩa là TP Viêng Chăn và tỉnh Champasac. Quan hệ 2 nước, trong đó có TPHCM với hai địa phương là mối quan hệ của tinh thần quốc tế vô sản cao cả, trong sáng, đẹp đẽ và rất nồng thắm của những người anh em “hạt muối cắn đôi, bát cơm sẻ nửa”.
* Đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM với Viêng Chăn, tỉnh Champasac ngày càng mở rộng sang nhiều địa phương của Lào. Vậy điểm khởi đầu quan hệ kinh tế giữa TPHCM với thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Champasac như thế nào?
* Điểm khởi đầu từ bản thỏa thuận quan hệ hữu nghị và hợp tác được ký kết giữa TPHCM với tỉnh Champasac (ngày 28-8-2001), với TP Viêng Chăn (ngày 1-9-2001). Theo đó, hai bên hỗ trợ nhau trên nhiều lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, thông tin truyền thông, y tế, tài chính, quản lý đô thị, xóa đói giảm nghèo, du lịch… Vốn đã rất hiểu nhau nhưng khi bắt tay triển khai từng dự án mới thấy biết bao khó khăn, vướng mắc đặt ra mà 2 bên chưa lường hết. Các đối tác phía bạn chưa có nhiều kinh nghiệm hợp tác đầu tư, nhất là đón nhận đầu tư nước ngoài, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiện vẫn còn nhiều thủ tục cần tháo gỡ. Hai bên đều thống nhất là phải kiên trì đeo bám, tháo gỡ dần.
Đến nay, qua nhiều dự án triển khai, hai bên đã tìm ra nhiều tiếng nói chung, mở ra nhiều cơ hội hợp tác làm ăn dài lâu giữa TPHCM với các địa phương của Lào. Trong chuyến đi thăm này, Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM tham dự lễ khởi công xây dựng mới và nâng cấp Trường PTTH hữu nghị Viêng Chăn - TPHCM trị giá 5 triệu USD. Đây là món quà của Đảng bộ và nhân dân TPHCM tặng Đảng bộ và nhân dân Viêng Chăn.
* Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đang hoạt động tại Lào cho biết, họ “vừa làm vừa run” vì khả năng gặp rủi ro là không ít?
* Thuận lợi cơ bản giữa ta và bạn là có sự cảm thông sâu sắc, có tình đoàn kết keo sơn và có sự tôn trọng lẫn nhau. Tất nhiên khó khăn trong hợp tác làm ăn là không tránh khỏi. Song cần nhắc lại rằng, có những công trình không thể tính toán chi li, quy ra tiền bạc, vật chất bởi vì đó là công trình được đắp đổi bằng cả máu xương của những chiến sĩ đã ngã xuống trong những năm chiến tranh ác liệt và vì tình hữu nghị 2 nước.
* Song đối với các nhà đầu tư, hiệu quả kinh tế vẫn là vấn đề sống còn?
* Chính vì hiệu quả kinh tế là rất quan trọng đối với doanh nghiệp, nên TPHCM vận động các nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn những lĩnh vực thế mạnh của đôi bên để cùng hợp tác và phát huy hiệu quả thế mạnh của nhau trên cơ sở tôn trọng tự nguyện, tự giác chứ chính quyền TPHCM không gò ép các doanh nghiệp. Tất nhiên, khi đầu tư vào Lào, TPHCM tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai dự án của mình như được ưu đãi vay vốn, hỗ trợ ban đầu…
Sắp tới, TPHCM sẽ cùng với các bạn Lào tiếp tục nghiên cứu, có những chính sách mới ưu đãi nhà đầu tư TPHCM tại Lào và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tới đầu tư tại Lào.
| |
TUẤN SƠN thực hiện
Thông tin liên quan |
Đoàn đại biểu cấp cao TPHCM làm việc tại Lào >> TPHCM giúp tỉnh Champasac đào tạo cán bộ chính trị |