Vùng biên Hà Tiên vươn lên thoát nghèo

Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) chia sẻ: “Muốn bà con sống tốt thì hãy giúp họ thoát nghèo. Đó là tâm niệm, cũng là mục tiêu hàng chục năm qua của đồn biên phòng”.
Nuôi trâu vỗ béo trở thành nguồn thu chính của nhiều đồng bào Khmer vùng biên
Nuôi trâu vỗ béo trở thành nguồn thu chính của nhiều đồng bào Khmer vùng biên

Ông Chiv Ul (54 tuổi, ngụ khu phố Mỹ Lợi, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên) kể, bà con vùng biên giới trước đây nghèo lắm. Hầu hết sống bằng nghề “chở đồ lậu” qua biên giới. Trước cửa nhà nào cũng dựng vài chiếc xe gắn máy đã “độ” thêm phuộc (ống nhún) để tải đường cát Thái Lan từ Campuchia qua Kiên Giang. Nay thì khác rồi, bà con biết làm vậy là phạm pháp nên không còn ai làm nữa.

“Giờ đồng bào dân tộc Khmer ở vùng biên giới Hà Tiên này đã bỏ vận chuyển hàng lậu, mua trâu từ Campuchia về vỗ béo, rồi bán lại kiếm lời. Lúa thì từ một vụ tăng lên hai vụ mỗi năm. Đất trống quanh nhà thì cuốc lên thành liếp rồi trồng rau, dưa… bán hàng ngày, góp phần ổn định cuộc sống”, ông Chiv Ul tâm sự.

Ông Chao Chai (50 tuổi, Trưởng khu phố Mỹ Lợi, phường Mỹ Đức) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến người dân có phần khó khăn, nhưng nay dịch đã được kiểm soát, thương lái quay lại mua trâu, bà con ai cũng mừng. Thông thường, mỗi con trâu muốn vỗ béo để bán phải mất 10-12 tháng, tùy theo công chăm sóc. Nhà nào có vốn nhiều thì bỏ ra 70-80 triệu đồng mua từ 3-4 con nghé, nhà ít vốn thì mua 1-2 con nuôi để bán lại, kiếm vài chục triệu đồng tiền lời lo cuộc sống trong nhà.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Hà Tiên, những năm trước, đời sống đồng bào các dân tộc vùng biên rất khó khăn, nên một trong những nhiệm vụ chính của đồn biên phòng là giúp đồng bào ổn định cuộc sống, chấp hành chính sách, pháp luật. Vì vậy, công tác vận động quần chúng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lính biên phòng.

“Ở vùng biên giới Hà Tiên, chuyện đồng bào Khmer sống thiếu thốn, nợ nần chồng chất do đàn ông thì uống rượu nhiều, đàn bà thì cờ bạc suốt ngày… không còn lạ. Khi thiếu tiền thì bị kẻ xấu lợi dụng thuê chở hàng lậu qua biên giới, bất chấp hiểm nguy mà cũng chỉ đủ tiền mua gạo nuôi sống gia đình. Tương lai của trẻ em hết sức mờ mịt”, Thượng tá Nguyễn Văn Tùng chia sẻ.

Để hỗ trợ đồng bào có cuộc sống ổn định, khấm khá, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã phân công mỗi đảng viên trực tiếp phụ trách giúp đỡ một hộ đồng bào nghèo; khi hộ hết nghèo mới coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Đại úy Huỳnh Việt Kiều, Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, kể: “Trước tiên phải vận động bà con ở sạch. Nước giếng khoan nhiễm phèn, nhưng bà con cứ nhìn nước trong là dùng nên phải hướng dẫn bà con rồi liên hệ địa phương cấp nước sạch tới từng nhà. Nhà nào nghèo thì hỗ trợ, cho trả dần. Chỗ nào chưa kéo nước sạch được thì giúp bà con trữ nước mưa bằng lu, thùng nhựa. Rồi thì vận động bà con đưa trẻ em đi tiêm ngừa, phát dọn cỏ dại quanh nhà để giảm muỗi, tránh sốt xuất huyết vào mùa mưa”.

Ăn ở sạch sẽ rồi mới tính tới chuyện làm kinh tế. Vùng biên đất đai cằn cỗi, bộ đội biên phòng vận động bà con đào kênh dẫn nước vô ruộng, hướng dẫn chuyển một vụ lên hai vụ lúa để tăng thu nhập. Song song đó, áp dụng trồng rau màu, thâm canh tăng vụ. Đến khi thu hoạch, đồn biên phòng lại cử chiến sĩ lái xe tải chở rau màu ra chợ bán giúp bà con.

Ông Si Phon, Bí thư chi bộ khu phố Mỹ Lộ (phường Mỹ Đức) phấn khởi: “Nhờ có bộ đội biên phòng hướng dẫn, giúp đỡ mà đồng bào hết nghèo. Khu phố Mỹ Lộ từ chỗ là trọng điểm buôn lậu, giờ không ai làm nữa. Bà con từ chỗ nghèo khó, làm thuê làm mướn nay đã vươn lên thoát nghèo. Hiện 90% hộ dân tộc Khmer có xe gắn máy, nhà đầy đủ tiện nghi, con em được tới trường. Cả một vùng biên giới đã thay da đổi thịt, ngày càng khá giả hơn”.

Tin cùng chuyên mục