Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo quốc gia “Động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam bộ: Tiềm năng và Thách thức” do Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) tổ chức ngày 10-3.
Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng Biên Tập Tạp chí Jabes UEH, vùng Đông Nam bộ chỉ chiếm 9,2% diện tích và 20% dân số, nhưng đóng góp khoảng 45% tổng thu ngân sách và xấp xỉ 32 % GDP cả nước. Tuy nhiên, vùng này đang đối diện với hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ, khiến chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt hiện có một siêu đô thị như TPHCM và các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư nên cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội đang có nhiều thách thức.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ có 970km cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch, do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nêu thực tế: mặc dù trình độ công nghệ của các địa phương trong vùng, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua đã được nâng lên nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.
Mặt khác, dù có lợi thế trí địa lý mang tính chiến lược cho kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước nhưng Vùng Đông Nam bộ lại là địa bàn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước, nhưng vùng vẫn tồn tại những điểm nghẽn như thiếu lao động có kỹ năng và trình độ cao, thiếu sự liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ do cơ chế pháp lý chưa cụ thể, quản lý theo địa giới hành chính gây chia cắt chuỗi cung ứng…
NGND. GS.TS. Võ Thanh Thu cũng cho biết, Vùng Đông Nam bộ được coi là vùng kinh tế có năng lực đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ lớn nhất Việt Nam. Mặc dù vậy, vùng Đông Nam bộ vẫn có những hạn chế trong phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ.
Gợi ý những giải pháp tăng cường đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành vùng Đông Nam bộ, NGND. GS.TS. Võ Thanh Thu đề xuất, ngoài việc cơ quan quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển khoa học công nghệ (KHCN) thì các tỉnh vùng nên có chiến lược (quy hoạch) chung về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; Có chương trình hành động chung của các tỉnh Đông Nam bộ về phát triển thị trường công nghệ. Các tỉnh trong vùng cần đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ. Đồng thời, cần nâng cấp các vườn ươm công nghệ trong vùng, nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tạo ra các “kỳ lân” về công nghệ cũng là việc hết sức quan trọng.