Vùng thượng nguồn ĐBSCL lo… sạt lở

Về vùng đầu nguồn An Giang vào những ngày đầu mùa lũ, chúng tôi chứng kiến cuộc sống đầy khốn khó của nhiều hộ dân trước sự truy đuổi ráo riết của “thủy thần”. Ở đây, dù mưa hay nắng, hàng ngàn hộ dân vẫn bị “hà bá” truy đuổi triền miên.
Vùng thượng nguồn ĐBSCL lo… sạt lở

Về vùng đầu nguồn An Giang vào những ngày đầu mùa lũ, chúng tôi chứng kiến cuộc sống đầy khốn khó của nhiều hộ dân trước sự truy đuổi ráo riết của “thủy thần”. Ở đây, dù mưa hay nắng, hàng ngàn hộ dân vẫn bị “hà bá” truy đuổi triền miên.

Lơ lửng bên miệng… “hà bá”

Đầu tháng 8-2015, chúng tôi ghé qua những xóm nhà sống ven sông Hậu, sông Tiền ở vùng thượng nguồn. Tại xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú (An Giang), hàng trăm hộ dân đứng ngồi không yên vì sông đã “ăn” sát vách và có thể “nuốt” nhà bất kỳ lúc nào. Căn nhà được chống bằng những cây cột đá nằm lơ lửng trên cao của bà Đỗ Thị Đơn (49 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc) trước đây cách bờ sông gần 20m, nhưng qua 2 mùa lũ, giờ chỉ còn cách bờ vài mét và đang tiếp tục bị dòng sông khoét sâu vào.

Vị trí sạt lở trước nhà bà Đỗ Thị Đơn ở xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang.

Bà Đơn cho biết, khi mới về đây ở, ngay phía trước nhà bà là bờ sông vững chắc nên dân yên tâm làm nhà. Không những thế, dân còn mua cây về trồng dọc bờ để bảo vệ xóm làng. Thế mà nay hàng cây cũng đã bị trôi tuột xuống sông, chỉ còn lại vài bụi, bà cũng đã phải dời nhà đến 3 lần. Mùa lũ năm rồi tuy không lớn nhưng bà Đơn cũng phải ôm đồ đạc và bơi xuồng dắt díu con cháu đến nhà người quen ở tạm vì sợ hà bá nuốt sập nhà lúc nào không hay, sông đã lấn đến sát nhà rồi. Nỗi lo của bà Đơn cũng như hàng trăm hộ dân cùng ấp đang thấp thỏm với cảnh sông đã “ăn” vào gần đến vách nhà.

Căn nhà bề thế nằm trên gò do ông Quách Kỳ Phùng (62 tuổi) tự bơm cát bồi cao trước đây cách khá xa bờ kinh Vĩnh Lợi, nhưng giờ chỉ còn cách mép sông chừng vài bước. Ông Phùng cho biết, nhờ hàng cây dầu do ông trồng để ngăn sạt lở nên mới dám dồn tiền làm căn nhà này để ở, nhưng không ngờ sau khi làm xong cũng là lúc bờ sông bắt đầu lở dần. Giờ ông chỉ biết đứng nhìn và cầu trời đừng có lũ lớn nữa. “Mỗi khi mưa to gió lớn, lũ về là chúng tôi lo lắm. Đêm nằm ngủ nghe sạt lở mà giật mình thót tim, ngủ không được. Tôi lo không biết vài năm nữa rồi sẽ ra sao nếu như không có giải pháp kịp thời”, ông Phùng lo âu.

Ông Võ Văn Hùm, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú cho biết, xung quanh huyện giờ có 2 đê bao khép kín là đê bờ Đông (sông Tiền) và đê bờ Tây (sông Hậu). Còn 3 xã là Vĩnh Hậu, Phú Hữu và Vĩnh Lộc vô tình được chọn làm vùng xả lũ. Trong đó, riêng xã Vĩnh Lộc đời sống của gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Không những ảnh hưởng đến nhà dân mà các công trình công cộng cũng bị đe dọa. “Địa phương kiến nghị nhiều lần nhưng do tỉnh khó khăn về nguồn vốn. Năm nay, để bảo vệ dân khi lũ về, chúng tôi chỉ còn cách vận động di dời dân và tài sản đến nơi an toàn”, ông Võ Văn Hùm cho biết.

“Thủy thần” truy ráo riết

Tại thị xã Tân Châu (An Giang), con lộ liên xã Châu Phong - Long An chạy dọc bờ sông Hậu trước đây hai bên đường dân cư đông đúc, nhưng nay một bên đã hoàn toàn biến mất. Đường giao thông chính giờ cũng đang bị uy hiếp bởi “thủy thần”. Nhiều đoạn sạt lở chỉ còn cách đường vài mét. Dọc con đường này dễ dàng nhìn thấy rất nhiều gốc cây, nhà cửa còn nằm chổng chơ dưới sông vì sạt lở. Người dân cho biết chỉ 2 năm trở lại đây, hơn 100m đất bờ sông đã biến mất cuốn theo nhà cửa, tài sản và cả mạng người.

Ông Phú Thành Phích (47 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong) cho biết, gia đình ông đã dời nhà vào bên trong 3 lần sau khi nửa căn nhà rơi xuống sông. Ông phải dọn vào sát mé con lộ để ở nhưng “hà bá” vẫn đang tới sát sau nhà. “Bây giờ, tuy lũ chưa cao, nhưng lúc có tàu thuyền lớn chạy qua là cả nhà tôi phải bỏ chạy hết ra ngoài. Đợi sóng lặng trở lại mới dám vô nhà”, ông Phích nói.

Phải sống trong căn chòi lá cặp bờ sông, ông Đỗ Văn Lương (41 tuổi, ngụ xã Châu Phong) thở dài: “Mấy năm trước nhà tôi cách bờ sông đến cả trăm mét, 2 lần dời nhà cũng chẳng ăn thua, giờ sạt lở đến sát nhà, không còn đất để dời nữa”. Nhiều hộ dân ở xã Châu Phong còn cho biết, trận sạt lở kinh hoàng nhất ở đây đã khiến hàng trăm căn nhà lần lượt bị “hà bá” nuốt chửng.
Ông Quách Kỳ Phùng, ở xã Vĩnh Lộc than: “Mùa lũ năm ngoái bị vỡ đê, nước tràn vào làm mấy công lúa của gia đình bị chìm, 50kg cá rô giống, 1.000 con cá tra cũng… đi theo lũ. Con lộ đất dài 1km cũng đang lở. Hay tin đê bị lũ làm vỡ, xã huy động hàng trăm người gia cố được đê. Nhà có hơn 4 công đất, mà vụ đó lúa mất trắng, làm nông như tôi phải làm 3 năm mới trả hết nợ nần. Cũng may là còn căn nhà để ở. Mùa lũ này phải nhờ vào chiếc xuồng nhỏ kiếm cá đắp đổi qua ngày”.

Theo ông Nguyễn Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, là huyện đầu nguồn nên hàng năm huyện đã đề ra những giải pháp phòng, chống lũ lụt như xây dựng các chốt cứu hộ cứu nạn, tổ chức các điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh đến trường; thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân tại bệnh viện, các trạm y tế; gia cố trạm bơm để phục vụ nước tưới tiêu... Đồng thời, kiểm tra, giám sát, tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản.

Ông Phan Văn Niêu, cán bộ nông nghiệp của xã Châu Phong cho biết: “Toàn địa bàn xã có 8 ấp với 234 hộ đang đứng trước nguy cơ sạt lở trong mùa lũ năm nay. UBND xã có chỉ đạo thường xuyên kiểm tra và khảo sát liên tục, nếu có nguy cơ thì phải di dời dân đến khu dân cư (KDC) vượt lũ. Tuy nhiên, hiện nay KDC vượt lũ của xã đang đứng trước nguy cơ vì sạt lở chỉ còn cách vài thước. Từ 1-2 năm nữa nếu không có giải pháp thì tình hình sẽ phức tạp hơn”.


HẠNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục