Vững vàng cực Tây Tổ quốc - Bài 1: Những đảng viên Hà Nhì đi trước

Trong tiết trời lập đông se se lạnh, từ trung tâm huyện lỵ Mường Nhé, sau gần 2 giờ ngược quốc lộ 4H, qua những chặng đường quanh co, đèo dốc, chúng tôi tới trung tâm xã Sín Thầu, xã biên giới với 95% dân số là đồng bào dân tộc Hà Nhì. 
Anh Lý Ná Na, Bí thư Chi bộ bản Tá Miếu, người đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ảnh: QUANG PHÚC
Anh Lý Ná Na, Bí thư Chi bộ bản Tá Miếu, người đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương. Ảnh: QUANG PHÚC

LTS: Nằm ở cực Tây của Tổ quốc, nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là vùng sâu, vùng xa còn khó khăn của đất nước. Vượt lên nhiều thách thức, đồng bào các dân tộc anh em nơi đây với nòng cốt là những đảng viên, cùng sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng, đã bước đầu thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Sín Thầu là xã đầu tiên của huyện Mường Nhé đạt chuẩn nông thôn mới.

Gương mẫu để dân theo
Qua giới thiệu của chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, chúng tôi tìm đến nhà của ông Pờ Dần Xinh (64 tuổi, 35 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu) ở bản Tả Kố Khừ, cách trụ sở xã chưa đầy 1km. Trong căn nhà sàn khang trang, xung quanh là vườn cây, ao cá, ông Pờ Dần Xinh trầm ngâm nhớ lại thời kỳ vô cùng gian khổ ở vùng đất cực Tây của đất nước. “Mãi đến đầu năm 2000, Sín Thầu vẫn còn là nơi rất nghèo, lạc hậu, đường sá đi lại gian nan. Đời sống của đồng bào nơi đây không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà tỷ lệ mù chữ rất cao. Hơn nữa, Sín Thầu còn tiềm ẩn nhiều vấn đề nhức nhối, phức tạp về an ninh trật tự, di cư tự do, vượt biên trái phép”, ông Xinh kể. 
Theo ông Xinh, ngày đó, do đói nghèo và ít học nên việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, hay phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gặp vô vàn khó khăn. Vì thế, ngay khi nhận nhiệm vụ Bí thư xã Sín Thầu vào năm 2000, suy nghĩ đầu tiên của ông Xinh là phải củng cố và phát triển tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương thật vững mạnh. “Lúc bấy giờ, cả xã chỉ có 13 đảng viên với 1 chi bộ. Việc tìm kiếm nguồn đảng viên, gây dựng “những hạt giống” ở cơ sở là rất khó khăn. Bởi, hầu hết bà con dân tộc khi ấy không mặn mà vào Đảng, luôn có suy nghĩ vào Đảng được cái gì”, ông Pờ Dần Xinh kể tiếp. 
Trước khó khăn thách thức, để thay đổi được nhận thức của cán bộ và người dân về công tác Đảng, ông Pờ Dần Xinh tiên phong gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương, nhất là thực hiện những việc khó. Ngoài làm kinh tế giỏi qua việc nuôi bò, trồng rừng, làm ruộng…, ông còn vận động nhiều bà con trong xã cai nghiện tập trung, nhổ bỏ cây thuốc phiện, hướng dẫn nhân dân trồng lúa, nuôi cá, nuôi bò, xây nhà, động viên các hộ cho con cái tới trường học. Ông cũng là người đầu tiên ở Sín Thầu có con tốt nghiệp đại học.
Cùng với đó, ông kiến nghị lên Huyện ủy Mường Nhé giải quyết chế độ cho những cán bộ tuổi cao, sức khỏe yếu, năng lực hạn chế; bố trí, sắp xếp lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt; phân công những đảng viên có năng lực, trình độ tỏa về các bản, trực tiếp xuống từng hộ dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, nhất là thế hệ trẻ người Hà Nhì nhằm bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng những quần chúng ưu tú. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, kết hợp sự hỗ trợ của huyện và Đồn Biên Phòng A Pa Chải, tới cuối năm 2007, Sín Thầu đã có 32 đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ thôn, bản. 
Năm 2015, ông Pờ Dần Xinh nghỉ hưu, trở thành Bí thư Chi bộ bản Tả Kố Khừ và cũng là người cao tuổi uy tín tại địa phương. Ông vẫn tham gia nhiệt tình các hoạt động của địa phương, nặng lòng với công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, tiếp tục truyền lửa, tích cực chăm lo tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ là người dân tộc thiểu số. Từ mô hình kinh tế của gia đình phát triển hiệu quả, ông tận tình hướng dẫn, hỗ trợ bà con trong bản, xã cách trồng trọt, chăn nuôi. Ông còn cho bà con vay vốn, giống vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế.
Đặc biệt, khi xã Sín Thầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, ông đã gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất cho chính quyền với hơn 7ha để xây dựng trụ sở ủy ban xã và trường mầm non. “Đã là đảng viên thì luôn phải đi trước, làm trước để bà con noi theo. Còn sức khỏe là tôi còn làm…”, ông Pờ Dần Xinh chia sẻ.
Dưới chân cột mốc A Pa Chải
Từ trung tâm xã Sín Thầu, tiếp tục ngược quốc lộ 4H hơn 10km, chúng tôi tới bản Tá Miếu, là nơi có cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoang La San cao hơn 1.800m. Dù đã hẹn trước nhưng tới cuối giờ chiều, chúng tôi mới gặp được anh Lý Ná Na (45 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Tá Miếu) vì anh còn bận họp ở xã, sau đó phải đi gặt lúa. Trong khu lán trại nằm sát với tuyến đường hiểm trở lên cột mốc A Pa Chải, anh Na thổ lộ: “Bản Tá Miếu có 53 hộ, 216 khẩu thì 100% là người Hà Nhì. Chi bộ của bản có 7 đảng viên, với 5 đảng viên là người của bản, 2 đảng viên là cán bộ xã sinh hoạt ghép”.
Trước đây, cuộc sống của dân bản Tá Miếu nói riêng và xã Sín Thầu nói chung rất khó khăn, không điện, đường, trường, trạm. Nhưng những năm qua, với sự nỗ lực của bà con, sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên và sự giúp đỡ tích cực của chính quyền, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải, đời sống người dân nơi đây cải thiện rõ rệt. Trong sự phát triển của địa phương thì vai trò của những đảng viên rất quan trọng.
Như anh Na, sau khi được kết nạp Đảng vào năm 2006, anh luôn xác định phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, đồng thời nỗ lực học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất và giúp đỡ bà con. 
Trước tập quán trồng lúa nương năng suất thấp của đồng bào, anh đã học hỏi và tiên phong chuyển sang trồng lúa nước với hơn 1 mẫu ruộng. Thay vì chăn nuôi trâu bò nhỏ lẻ, anh đã đầu tư tiền của, công sức để làm mô hình trang trại nuôi gia súc với 12 con trâu và 45 con bò. Không chỉ có vậy, anh còn tuyên truyền hướng dẫn cho bà con trồng cỏ voi, xây dựng chuồng trại bán kiên cố, đảm bảo vệ sinh để trâu, bò phát triển khỏe mạnh, hạn chế nhiễm bệnh và những tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Anh cùng một số người trong bản đang xin phép thành lập hợp tác xã để nghiên cứu, chuyên canh một số cây dược liệu, cây rừng có giá trị. 
“Người dân vẫn giữ thói quen lạc hậu trong chăn nuôi, trồng trọt. Là đảng viên, tôi phải làm gương, nỗ lực thực hiện thành công mô hình trang trại để phát triển kinh tế gia đình, từ đó dân bản nhìn thấy sẽ thay đổi tư duy làm kinh tế”, anh Na cho biết. Tá Miếu cũng là bản sát biên giới nhất với Trung Quốc và Lào nên không chỉ là một đảng viên gương mẫu, anh Na còn phụ trách đội tự quản đường biên mốc giới ở địa phương, là “tai mắt” của bộ đội biên phòng, qua đó góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương và bảo vệ vững chắc phên dậu miền biên cương.
Trời xẩm tối, chúng tôi tới thăm nhà ông Mạ Gió Tư (62 tuổi, trước đây là Trưởng bản Tá Miếu và hiện là già làng uy tín ở địa phương). Ông Tư là một đảng viên kỳ cựu ở Tá Miếu và cũng là một hộ làm kinh tế giỏi, nhiệt tình giúp đỡ bà con địa phương. Bên bếp củi cháy đượm xua tan cái lạnh đầu mùa miền biên ải, ông Tư nhớ lại những ngày tháng gian khó khi bản Tá Miếu được tách ra từ bản A Pa Chải vào năm 2002. Cũng như ông Pờ Dần Xinh và anh Lý Ná Na, ông Mạ Gió Tư khẳng định, vai trò của cán bộ, đảng viên nơi đây rất quan trọng. Bởi bà con Hà Nhì chỉ nghe và tin vào những điều họ thấy trực tiếp.
Muốn tuyên truyền, vận động việc gì cũng phải xuống tận nơi, làm trực tiếp với bà con. Vì thế, khi đảng viên làm kinh tế giỏi, nói và giúp đỡ bà con nhiệt tình, thì ai cũng đều tin và ủng hộ mạnh mẽ. Hiện cả bản đều học theo Bí thư Chi bộ Lý Ná Na để làm kinh tế. “Lớp trẻ giờ cũng đã tin và mong muốn vào Đảng nhiều hơn trước. Bởi, họ thấy vào Đảng có cơ hội học hỏi thêm những cái mới, tham gia vào việc xây dựng, quyết định các chính sách của thôn bản mình”, ông Mạ Gió Tư chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục