Festival Huế 2012, điểm nhấn Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ 2012 đi qua một nửa chặng đường với nhiều hoạt động nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, giá trị di sản và văn hóa cộng đồng miền Trung được giới thiệu quảng bá tại Festival Huế lần này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Những con số tích cực ban đầu từ lễ hội cho thấy, thương hiệu Festival Huế ngày càng vững vàng.
Khởi nguồn từ Liên hoan gặp gỡ giữa Huế và Codev (Pháp) vào năm 1992. Ý tưởng tổ chức một festival quy mô, chất lượng cao do tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam phối hợp xây dựng được Chính phủ Việt Nam đồng ý từ năm 1999. Đó là nơi kết nối Huế lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai gắn kết với Việt Nam và thế giới. 12 năm kể từ Festival 2000, chừng ấy chưa phải là nhiều để xây dựng và xác lập Huế trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới.
Tháng 4 hàng năm, thường đó là thời điểm kết thúc mùa du lịch quốc tế, bước vào mùa du lịch nội địa. Vậy nhưng, từ Festival năm 2006, Huế đã sở hữu cho riêng mình một thị trường khách du lịch tiềm năng. Hai ngày đầu diễn ra Festival Huế 2012, hoạt động lưu trú tại TP Huế (chưa kể lưu trú trong dân và nhà người thân) đạt 35.627 lượt khách, trong đó, 15.912 khách quốc tế, 19.805 khách nội địa, công suất phòng đạt 87%.
Festival Huế đã trở thành sự kiện văn hóa có sức hút mãnh liệt các đơn vị tài trợ. Ngoài các đơn vị tài trợ trực tiếp các lễ hội và tổ chức các hoạt động hưởng ứng, Festival Huế 2012 còn được tài trợ hơn 17 tỷ đồng.
Một con số ấn tượng so với Festival Huế 2010 gần 10 tỷ đồng. Điều đó cho thấy Festival không còn gói gọn bởi kinh phí Nhà nước, mà các doanh nghiệp, cá nhân… đã nắm bắt được cơ hội kinh doanh, khuếch trương, quảng bá thương hiệu và ít nhiều thu được lợi nhuận từ lễ hội mang đậm bản sắc Huế, Việt Nam và các nước trên thế giới. Tương lai, một festival cộng đồng sẽ nhanh chóng thành hiện thực. Đây cũng là động lực thúc đẩy dịch vụ du lịch Thừa Thiên – Huế từ 45% tổng sản phẩm GDP lên 50% vào năm 2015.
Trải qua các kỳ festival, Huế đã không bị động trong khâu tổ chức lễ hội cũng như mời các đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn.
Ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết do có nhiều đoàn đăng ký tham gia, nên địa phương đã có cơ hội lựa chọn, chắt lọc các đoàn nghệ thuật tiêu biểu, phù hợp với Festival Huế 2012 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”.
Trên 5.000 diễn viên tham gia biểu diễn 150 suất diễn và các lễ hội tại festival lần này. Trong đó, 450 diễn viên của 40 đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ tên tuổi của 28 quốc gia đến từ 5 châu lục. 700 nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật trong nước, số còn lại là diễn viên không chuyên và quần chúng tham gia các lễ hội cộng đồng.
Nhiều đoàn nghệ thuật đẳng cấp quốc tế lần đầu tham dự, như: Nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse - Pháp, đoàn nghệ thuật quốc gia Gugak (Hàn Quốc)… Đặc biệt, 100% nghệ sĩ quốc tế đến với Festival Huế lần này đều tự tìm kiếm nguồn tài trợ, ban tổ chức chỉ đảm trách nơi ăn ở. Ấn tượng hơn nữa, các đoàn nghệ thuật Pháp đều đến Huế trước ngày khai mạc festival gần một tháng để thị sát, trực tiếp sản xuất chương trình phục vụ Festival Huế.
VĂN THẮNG
Lộng lẫy Đêm phương Đông
Được tổ chức liên tục trong 5 đêm từ 8, 10, 12, 13 và 14, Đêm phương Đông diễn ra tại điện Thái Hòa. Đây là một trong những chương trình điểm nhấn của Festival Huế 2012, nơi trình diễn văn hóa mặc của các nước châu Á.
Đêm phương Đông trình diễn vẻ đẹp của trang phục các dân tộc một số nước châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Trang phục truyền thống và âm nhạc biểu trưng cho các nước sẽ được trình diễn với sự tham gia của các diễn viên đến từ các nước và các nhóm người mẫu New Talent - Hà Nội, Huế, Model World - TPHCM. Các Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy, Thùy Dung và Ngọc Hân sẽ xuất hiện trong trang phục các quốc gia và các bộ sưu tập áo dài đặc sắc của nhà thiết kế Sĩ Hoàng và Minh Hạnh.
Tối 10-4, Đêm Hoàng cung được bố trí tại 3 trục chính của Đại Nội từ cửa Ngọ Môn đến hết điện Kiến Trung, từ Thế Miếu đến cung Trường Sanh và từ phủ Nội Vụ đến vườn Cơ Hạ. Hơn 800 vé cho đêm hội dạ tiệc cung đình đầu tiên được bán hết, với mức giá 600.000 đồng/người. Dạ nhạc tiệc được tổ chức trên sân điện Cần Chánh, giới thiệu các món ăn được chế biến và trình bày theo phong cách cung đình Huế xưa. Ra đời từ Festival Huế 2006, Đêm Hoàng cung được duy trì như một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của Huế. Nhiều nội dung mới như hoạt cảnh Công chúa về dinh và tái hiện Ký ức cung nữ kèm theo sự xuất hiện của các thái giám...
* Chiều 11-4 liên hoan diều “Tiếp nối những cánh bay Việt Nam lần thứ 7” khai mạc ở quảng trường Ngọ Môn. 3 câu lạc bộ diều đại diện cho 3 miền là Câu lạc bộ Cánh diều vàng TP Nam Định với 7 nghệ nhân tham gia, CLB Phượng Hoàng đến từ TPHCM và CLB diều Huế. 200 học sinh đến từ các trường tiểu học và trung học trên địa bàn TP Huế chia thành 20 nhóm để thi làm diều và vẽ tranh trên diều. Liên hoan diều ở Huế là một hoạt động mang tính cộng đồng cao trong những ngày diễn ra lễ hội Festival Huế 2012. |
PH.LÊ - V.THẮNG
- Thông tin liên quan:
>> Festival Huế 2012: Đón 1,6 vạn lượt khách quốc tế
>> Festival Huế 2012: Lễ hội áo dài tôn vinh bản sắc Việt