Vườn cây ăn trái là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, thế nhưng hiện nay hạn hán và xâm nhập mặn tấn công trên diện rộng khiến nhiều diện tích vườn bị rụng bông, không đậu trái, khô héo lá… nguy cơ thiệt hại rất lớn. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và người dân đang dồn sức bảo vệ vườn cây ăn trái trước cơn đại hạn…
Trắng tay vì mất mùa
Có mặt ở “vương quốc trái cây” huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều hộ dân phập phồng lo âu khi nước mặn uy hiếp vườn cây ăn trái. Ông Nguyễn Văn Qui, ngụ ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, chua chát nói: “Mấy chục năm chuyên canh cây ăn trái nhưng chưa bao giờ gặp tình trạng nước mặn bao vây nhiều như năm nay. Dù đã được ngành nông nghiệp thông báo tình hình mặn xâm nhập sâu, nhưng do đê bao bị rò rỉ, điều kiện dự trữ nước ngọt khó khăn nên vườn chôm chôm của gia đình bị nước mặn tràn vào làm cháy lá tùm lum. Hiện tại nhiều cây bị suy kiệt và không đậu trái”.
Nông dân huyện Kế Sách (Sóc Trăng) tận dụng nguồn nước còn lại để tưới vườn cây
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, cho biết qua khảo sát mới nhất ghi nhận đã có khoảng 8.000/8.600ha vườn cây ăn trái đặc sản của huyện đã bị nhiễm nước mặn. Đây là lần đầu tiên vườn cây ăn trái ở huyện Chợ Lách bị hạn, mặn hoành hành nặng nhất.
Tại Trà Vinh, hàng loạt hộ canh tác vườn cũng kêu than vì bị nước mặn bao vây. Ông Đỗ Văn Tài, Giám đốc HTX Trái cây Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tiết lộ: “Hàng trăm hécta măng cụt đặc sản của người dân cồn Qui bị rụng hết trái non do nước mặn tràn vào. Trong gần 1.300ha vườn của xã An Phú Tân, đến nay khoảng 80% diện tích bị nước mặn vây chặt, do đó ngoài chuyện thiệt hại về sản lượng trái thì người dân canh cánh nỗi lo cây sẽ chết trong thời gian tới”. Len lỏi vào các vườn bưởi da xanh và bưởi Năm Roi ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng), nhiều nông dân cũng khốn đốn trước cơn hạn, mặn.
Ông Đoàn Minh Sở, chủ của 4ha bưởi ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, nói trong cay đắng: “Bưởi da xanh đang được thương lái tìm mua với giá cao từ 50.000 đồng/kg trở lên, còn bưởi Năm Roi khoảng 30.000 - 32.000 đồng/kg… nhưng nông dân ngậm ngùi nhìn vườn bưởi xác xơ vì hạn, mặn tấn công; cộng với đợt sương muối vừa ập đến làm rụng trái tràn lan. Vụ này xem như ngậm trái đắng”.
Tập trung đối phó
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm cho biết: “Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách đã thành lập 3 điểm đo độ mặn miễn phí để hỗ trợ bà con làm vườn và hoa kiểng. Bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 lượt hộ đem mẫu nước đến đo độ mặn. Tại đây, sẽ có cán bộ kỹ thuật tư vấn về việc bảo vệ vườn cây, không tưới cho cây khi độ mặn vượt quá 2‰ trở lên…”.
Tiến sĩ Liêm lo âu, hiện độ mặn trên nhiều con sông ở huyện Chợ Lách đã vượt ngưỡng 6‰, còn bình quân chung là 2,5‰. Đặc biệt, nước mặn theo những con rạch, kênh mương tấn công sâu vào nội đồng sẽ gây khó khăn về lâu dài cho vườn cây ăn trái. Giải pháp lúc này là vận động nông dân tiết kiệm nước, áp dụng đậy gốc, che mát vườn cây, hái bỏ trái nhằm giảm nhẹ cho cây; tận dụng tối đa thời điểm độ mặn giảm để lấy nước ngọt dự trữ…
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, lưu ý: “Do hạn, mặn còn kéo dài, vì thế nhà vườn không nên xử lý cho cây ra hoa trong giai đoạn này bởi không đủ nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, cần tỉa cành, tạo tán; tăng cường bón phân hữu cơ, kali và phân lân cho cây; có thể phun phân bón lá giúp cây tăng sức đề kháng và khả năng chịu hạn để chống chọi với nhiễm mặn… Về lâu dài, tăng cường nghiên cứu chọn giống cây thích hợp với điều kiện bất lợi của hạn, mặn ngày càng phức tạp”.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, việc bảo vệ hơn 60.000ha vườn cây ăn trái của tỉnh đang được ngành chuyên môn tập trung cao độ, bởi cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao và nếu bị thiệt hại sẽ mất nhiều năm mới khôi phục lại được. Vì vậy, cán bộ chuyên môn đang theo dõi độ mặn thường xuyên để có cách ứng phó. Những khi độ mặn giảm thì thông báo ngay để người dân chủ động lấy nguồn nước ngọt bơm vào ao, mương... Đặc biệt, khi Trung Quốc và Lào xả đập thủy điện, dự kiến nước ngọt sẽ về đến ĐBSCL đầu tháng 4 này. Do đó, cần tận dụng tối đa nguồn nước ngọt để cung cấp cho cây trồng, bởi hạn, mặn còn kéo dài đến tận tháng 6...
| |
Huỳnh Phước Lợi