Cả cánh đồng mênh mông phía sau bờ kênh chỉ có cỏ năng, lau sậy ngút ngàn. Đất phèn chua mặn không trồng được lúa, xa thiệt xa mới thấp thoáng có cái chòi tranh lá tạm bợ, thỉnh thoảng lại run lên theo từng cơn gió ràn rạt thổi qua đồng hoang, nơi mà thời điểm đó nhiều người gọi vùng này là “đồng chó ngáp”.
Cuối những năm 1980, có vài người bên Bạc Liêu, Cà Mau qua “đồng chó ngáp” chỉ dẫn bà con cách xẻ kênh đưa nước vô đồng hoang để nuôi tôm. Mồ hôi tuôn xuống đồng hoang, cộng với thiên nhiên góp phần ban tặng con giống tự nhiên sau mỗi con nước lớn – ròng.
Anh Mộng thật thà tâm sự, nhớ lại hơn hai chục năm trước, thiệt tình là tui không tưởng tượng nổi mình có được cơ ngơi, nhà cửa, xe cộ như bây giờ, cứ như một giấc mơ thành sự thật vậy. Giờ đây đường liên xã, liên ấp… được tráng nhựa, hoặc đổ bê tông phẳng lì. Nhà dân hầu hết là nhà tường kiên cố, hàng rào trồng hoa tím, hoa vàng vẽ lên khung cảnh nông thôn tươi tắn đủ đầy.
Anh Mộng nhẩm tính, trên diện tích 1ha đất, bình quân sau mỗi vụ tôm sẽ cho lợi nhuận ít nhất là 10 triệu đồng, vụ nào thuận lợi thì lợi nhuận lên tới 20-30 triệu đồng, tùy theo tình hình thị trường.
Nhìn ra ngoài sân, chỗ thương lái đang chộn rộn cân tôm, anh Mộng cho biết: “Vụ này trúng giá, tôm thẻ 40 con/kg bán 120.000 đồng/kg, còn tôm sú 170.000 đồng/kg…”
Xây dựng nông thôn mới bằng nội lựcÔng Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận phấn khởi thông tin, mới đây huyện đã vinh dự được công nhận là huyện nông thôn mới, đạt và vượt tất cả các tiêu chí.
Để có thành tích đáng tự hào này, Vĩnh Thuận xác định đi lên bền vững bằng chính nội lực của người dân. Dân giàu, kinh tế địa phương mới vững mạnh. Đó là nhờ quá trình chuyển đổi cơ cấu từ độc canh cây lúa sang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Hai sản phẩm đột phá về kinh tế là con tôm và con cua. Tôm Vĩnh Thuận từ thẻ, sú, càng xanh đang dần có thương hiệu trong và ngoài nước.