Vướng mắc với Luật Doanh nghiệp

Ra đời năm 2005, Luật Doanh nghiệp đã có giá trị điều chỉnh thiết thực đối với các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, dù chưa được xếp vào loại những văn bản luật cần sửa đổi, bổ sung, song trên thực tế, luật này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế, thiếu sót cần chỉnh sửa.

Một trong những điểm bất hợp lý đó, theo ông Trương Thanh Đức, luật gia của Maritime Bank, là có sự chồng chéo, khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành trong vấn đề cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép thành lập doanh nghiệp. Việc có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn, dẫn đến tình trạng người khởi nghiệp không biết phải tuân theo quy tắc nào!
Thiếu những quy định hướng dẫn chuyển đổi từ chi nhánh thành công ty là một ví dụ khác. Một chi nhánh của một công ty đã hoạt động tại Hà Nội được 10 năm, nay muốn được chuyển đổi thành công ty nhưng vẫn kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của chi nhánh đã hết sức lúng túng trong việc thực hiện kế hoạch chính đáng của mình.

Thêm vào đó, Luật Doanh nghiệp cũng như những văn bản hướng dẫn đều thiếu quy định phân biệt giữa vốn cam kết góp và vốn thực góp vào công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên. Luật Doanh nghiệp quy định phần vốn góp đối với thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên là phần vốn thành viên cam kết góp. Thành viên chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn cam kết góp và theo quy định của luật, họ được hưởng quyền lợi tương ứng với phần vốn cam kết góp. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp thành viên chưa góp đủ số vốn cam kết nhưng vẫn hưởng lợi nhuận từ số vốn đó, như vậy không đảm bảo sự công bằng giữa các bên góp vốn.

Rồi đến chuyện chẳng đặng đừng là “khai tử” doanh nghiệp. Theo bà Lê Nga, luật sư của Công ty Luật Hà Việt, muốn làm thủ tục giải thể, doanh nghiệp phải làm quyết toán thuế với cơ quan thuế, sau đó tiến hành trả dấu cho cơ quan công an và cuối cùng mới được nộp hồ sơ giải thể ở cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh hoặc đầu tư. Thực hiện đủ các bước này thường mất từ 6 đến 9 tháng, trong khi đã không còn tồn tại trên thực tế kể từ khi ra quyết định giải thể.

Cần nói thêm rằng, những phàn nàn kể trên được đưa ra bởi các chuyên gia am hiểu về pháp luật, những người có kinh nghiệm hoặc đang hành nghề tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp. Người có chuyên môn hẳn hoi mà còn không biết xử lý ra sao thì hẳn các chủ doanh nghiệp cũng bó tay!
Thiết tưởng, đã đến lúc Luật Doanh nghiệp 2005 cần được bổ sung, sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là trong thời kỳ “người khôn của khó” như hiện nay.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục