Vượt khó

Chính phủ Nga đã chính thức công bố kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 2,34 ngàn tỷ rouble (35 tỷ USD) với mục đích bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và ổn định xã hội trong giai đoạn nền kinh tế Nga bị tác động mạnh của tình hình kinh tế thế giới và chính sách đối ngoại.

Chính phủ Nga đã chính thức công bố kế hoạch chống khủng hoảng trị giá 2,34 ngàn tỷ rouble (35 tỷ USD) với mục đích bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và ổn định xã hội trong giai đoạn nền kinh tế Nga bị tác động mạnh của tình hình kinh tế thế giới và chính sách đối ngoại.

Mátxcơva định rõ: trong giai đoạn 2015-2016 sẽ triển khai thực hiện những biện pháp nhằm tăng cường các thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Nga, ổn định hoạt động của các tổ chức hệ thống trong những lĩnh vực quan trọng chủ chốt, đạt được sự cân bằng của thị trường lao động, giảm lạm phát, đạt tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn… Theo hãng Reuters, kế hoạch chống khủng hoảng kéo dài 1 năm này tập trung vào hỗ trợ các ngân hàng, công ty lớn của Nga vượt qua những tác động trực tiếp của khủng hoảng. Ngoài ra, còn dùng để tăng quỹ lương hưu để phù hợp với tỷ lệ lạm phát cao hơn dự kiến. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết kế hoạch chống khủng hoảng không làm tăng tổng chi ngân sách bởi có ngân sách dự phòng cũng như ngừng rót tiền ở những dự án, hạng mục dài hạn chưa cần thiết.

Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu không cắt giảm chi tiêu dành cho quốc phòng và xã hội. Theo nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Sberbank Yulia Tseplaeva, động thái này cho thấy Mátxcơva thể hiện rõ quyết tâm giữ vững đường lối đối ngoại của Nga và Mátxcơva không hề ngại phương Tây trong bối cảnh châu Âu vừa “dọa” tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Theo giới quan sát, không thể phủ nhận những tác động từ lệnh trừng phạt cũng như giá dầu thô giảm mạnh mà nhiều người cho là “âm mưu” của Mỹ và đồng minh nhằm vào Nga, nhưng Mátxcơva đang chứng tỏ được khả năng vượt khó của mình. Tác động của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga chỉ có tác dụng trong ngắn hạn và Nga có thể chống đỡ với khoản dự trữ ngoại tệ khoảng 370 tỷ USD. Về dài hạn, Nga đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các nền kinh tế Âu-Mỹ bằng cách tìm đến các thị trường châu Á, nơi đang nổi lên là đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Một hợp đồng cung cấp khí đốt 400 tỷ USD được Nga ký với Trung Quốc phần nào cho thấy được sự chuẩn bị của Nga. Russia Today dẫn lời một chuyên gia kinh tế Nga cho rằng “sự trả đũa” tốt nhất đối với phương Tây là một sự “xoay trục sang châu Á” và sang các nền kinh tế mới nổi khác nhằm tăng cường các mối quan hệ tài chính và thương mại của Nga với các quỹ đầu tư quốc gia và các công ty công từ các nước châu Á, Mỹ Latinh và Ảrập.

Để phát huy nội lực, Mátxcơva tuyên bố thay đổi mô hình phát triển kinh tế. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ ra rằng mô hình nhiên liệu năng lượng đã hết thời, không thể dẫn đến sự tăng trưởng bền vững và không khuyến khích được đầu tư vào sản xuất thực tế. Đa dạng hóa nền kinh tế Nga, trong đó trước hết phải công nghiệp hóa các ngành sản xuất nguyên vật liệu và đầu tư mạnh vào sản xuất máy móc công nghệ nhằm thay thế nhập khẩu từ phương Tây phải được ưu tiên. Một cuộc khảo sát tiến hành vào tháng 12-2014 cho hay 81% người dân Nga tin tưởng vào Tổng thống Putin. Kết quả đã cho thấy người dân Nga hoàn toàn tin tưởng vào khả năng lèo lái con thuyền kinh tế của Chính phủ vượt qua sóng cả trong thời gian tới.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục