Đây là kết quả từ phiên họp lần thứ 17 được tổ chức trong hai ngày 1 và 2-2 tại trụ sở của WB ở Paris - Pháp để xem xét các đề xuất của Việt Nam và Mozambique.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hơn 30 năm đổi mới vừa qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực thoát khỏi đói nghèo, phát triển bền vững đạt những thành công có ý nghĩa lịch sử, về trước thời hạn hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là về xóa đói giảm nghèo, diện tích rừng tăng liên tục từ 28% vào đầu những năm 1990 lên 41,45% năm 2017.
Ngày nay, Việt Nam đang thực hiện rất trách nhiệm cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính từ 8% và có thể lên đến 25% nếu có sự hỗ trợ, hợp tác quốc tế vào năm 2030; coi sáng kiến REDD+ như một giải pháp quan trọng thúc đẩy những mục đích tham vọng này. Ngay từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động REDD+ Quốc gia, cùng với hoàn thiện chính sách, pháp luật gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình lâm nghiệp quốc gia; tăng trưởng xanh, giảm phát thải và tăng hấp thụ khí nhà kính.
Sau gần 3 ngày họp, làm rõ các nội dung mà các bên quan tâm, Quỹ Carbon đã thống nhất thông qua Nghị quyết đưa Chương trình giảm phát thải vùng Trung bộ, Việt Nam vào danh mục và ủy thác cho Ngân hàng thế giới đàm phán cụ thể Thỏa thuận tài trợ với Việt Nam theo cơ chế chi trả dựa trên kết quả.
Việc chương trình này được thông qua và thực hiện ở Việt Nam sẽ là dấu ấn khẳng định sự hợp tác có hiệu quả của các bên trong thời gian qua. Việt Nam là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ bảy trên thế giới được tham gia Chương trình Đối tác Carbon do Ngân hàng Thế giới quản lý.