Wikileaks và vụ tiết lộ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử: Khóc, cười từ “quả bom ngoại giao”

Nước Mỹ giận dữ
Wikileaks và vụ tiết lộ thông tin tình báo lớn nhất trong lịch sử: Khóc, cười từ “quả bom ngoại giao”

Đối diện trước những phơi bày đắng nghét được bọc viên kẹo đường ngọt ngào mà những nhà ngoại giao Mỹ dành cho mình, nguyên thủ của các quốc gia đã có những phản ứng khác nhau nhưng điểm chung là giấu đi sự “cảm nhận” của mình. Mới có 200 văn bản được tiết lộ trong số 251.287 tài liệu về ngoại giao quốc tế mà Wikileaks nắm giữ khiến nhiều cá nhân đứng ngồi không yên nhưng cũng có người vẫn bình chân như vại quan sát xem mình có lợi gì trong vụ rắc rối này.

Nước Mỹ giận dữ

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định sẽ làm cho ra lẽ vụ để lọt thông tin mật vào tay Wikileaks. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định sẽ làm cho ra lẽ vụ để lọt thông tin mật vào tay Wikileaks. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi vụ công bố các tài liệu mật gồm nội dung trao đổi giữa các đại sứ quán Mỹ và Bộ Ngoại giao nước này là đòn tấn công nhằm vào cả thế giới. Bà cho biết, chính quyền Mỹ rất tiếc khi không thể ngăn chặn vụ việc.

Theo BBC, bà Clinton nói rằng nhân viên ngoại giao cần phải dùng điện tín mật để thực hiện công việc một cách hiệu quả. Trong phát biểu của mình, vị ngoại trưởng này hy vọng các mối quan hệ với bè bạn trên thế giới mà chính quyền Obama dày công xây dựng sẽ vượt qua được thử thách.

Theo trang tin CNET, trong bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ông Peter King, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa, thành viên cấp cao của Ủy ban An ninh nội địa Mỹ đã yêu cầu chính quyền Tổng thống Obama liệt Wikileaks vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài đe dọa đến an ninh của quốc gia này. Ông viết: “Wikileaks đã xâm phạm đến giới hạn của luật pháp và rõ ràng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joseph Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Mỹ cũng đưa ra nhận định tương tự. Theo ông, hành vi phát tán những tài liệu ngoại giao mật là sự liều lĩnh, xúc phạm nghiêm trọng đến cộng đồng quốc tế và đáng bị coi thường”.

Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs chỉ mô tả ngắn gọn rằng đây là tội ác kinh khủng nhất, khiến Tổng thống Mỹ B.Obama phiền lòng. Ông Robert Gibbs cũng cho biết, chính quyền Mỹ đang tiến hành điều tra để tìm ra kẻ đã ăn cắp những thông tin nhạy cảm trên tuồn về Wikileaks.

Cựu Tổng thống Mỹ G.Bush, nhân buổi thảo luận với Mark Zuckerberg, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook nhằm quảng bá cho tự truyện Decision Points (Điểm quyết định), đã nói: “Việc rò rỉ thông tin là vô cùng nguy hiểm và những ai tham gia trong vụ này phải bị truy tố. Cuộc đối thoại riêng của một vị lãnh đạo quốc gia với người đồng nhiệm từ các nước khác nếu kết thúc trên mặt báo thì chẳng nên chút nào”.

Vụ rò rỉ lần này cũng cho thấy sự chia rẽ rất lớn trong nội bộ nước Mỹ. Bà Sarah Palin, cựu Thống đốc bang Alaska, đồng thời là ứng viên Phó Tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Mỹ trên trang cá nhân của mạng xã hội Facebook.

Theo bà Sarah Palin, Tổng thống Obama đã không làm hết trách nhiệm để ngăn chặn vụ “tấn công ngoại giao quốc tế”. Bà Sarah Palin cũng được biết đến là nạn nhân của 1 trong 10 vụ rò rỉ thông tin chính trị - ngoại giao - quân sự lớn nhất mà Tạp chí Times vừa liệt kê (trong đó Wikileaks được nhắc đến ở vị trí đầu tiên).

Đồng minh phủ nhận và lo lắng

Dù muốn hay không, những quốc gia đồng minh cũng như những quốc gia đối đầu với Mỹ cũng đang dán mắt vào những trang tài liệu trên để tìm hiểu xem mình đã được nhắc đến như thế nào. Trong khi một số lãnh đạo của các quốc gia kịch liệt phản đối việc công bố, một số tỏ vẻ khó chịu với Mỹ, số còn lại dửng dưng và cho đây là điều không đáng để đính chính hay bình luận.

Những đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản đều cùng tỏ thái độ gạt bỏ những chi tiết tiêu cực về lãnh đạo của họ được nhắc đến trong các bức thư mật. Pháp cáo buộc vụ rò rỉ là vô trách nhiệm và không khác gì tấn công vào các quốc gia. Anh chỉ trích Wikileaks vì lo sợ an ninh quốc gia bị ảnh hưởng và khẳng định sẽ vẫn hợp tác chặt chẽ với Washington.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle trả lời trên tờ Spiegel rằng đó không khác gì những câu bình luận về các nhà chính trị của những kẻ ngồi lê đôi mách. Nó không chính xác và cũng không thực sự quan trọng để phải bận tâm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều người.

Bản đồ cho thấy tài liệu Wikileaks công bố lần này được truyền qua lại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và các đại sứ quán Mỹ trên thế giới, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Nhật Bản.

Bản đồ cho thấy tài liệu Wikileaks công bố lần này được truyền qua lại giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và các đại sứ quán Mỹ trên thế giới, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Nhật Bản.

Afghanistan xác định mối quan hệ với Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng vì những nhận xét về Tổng thống Hamid Karzai, cho rằng ông là người yếu ớt và hoang tưởng. Tài liệu còn nhắc đến người em của ông là trùm tham nhũng và buôn ma túy.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong chuyến thăm Mỹ diễn ra cùng với thời điểm của vụ rò rỉ trên đã một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác chiến lược Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, thông tin từ những tài liệu của Wikileaks đề cập đến việc Ankara hỗ trợ các phần tử thuộc mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeđa ở Iraq và Mỹ đã giúp các tay súng người Kurd ở Iraq chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Ahmet Davutoglu cho rằng thông tin này chỉ là lời đồn đại, song khẳng định về nguyên tắc: Ankara không dung thứ hay phớt lờ bất kỳ hành động khủng bố nào bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nhằm mục tiêu vào láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Iraq.

Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Carl Bildt nói: “Rõ ràng vụ công bố đang làm cho các mối quan hệ ngoại giao quốc tế xáo trộn và rồi sẽ bị yếu đi. Nhưng trước tiên và chủ yếu, đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là nền ngoại giao của Mỹ. Không chỉ thế, nó còn làm giảm mức độ an toàn trên thế giới. Tất cả sẽ trở nên dè dặt hơn”.

Đối tác bình chân như vại

Liên bang Nga cũng tuyên bố chẳng có gì đáng bình luận đối với ý kiến của giới ngoại giao Mỹ rằng nước Nga là một “xứ sở mafia” do Thủ tướng Putin cai trị chứ không phải do Tổng thống Medvedev, cùng nhiều lời bình luận khó nghe khác.

Một viên chức Điện Kremlin nói với tờ Kommersant rằng giới ngoại giao Nga nhiều khi cũng bộc trực như vậy trong lúc trao đổi riêng với nhau. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát của Nga đã lên tiếng chỉ trích Mỹ về sự “xúc phạm” trên.

Theo tờ tin ANSA của Italia, phản ứng trước những lời bình luận cho mình là nhà lãnh đạo vô dụng, tắc trách, thường xuyên thâu đêm suốt sáng với tiệc tùng, tự tin thái quá đến độ bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi không những không tỏ thái độ giận dữ mà còn có một trận cười sảng khoái. Không lạc quan như thế, nhiều nhà lãnh đạo đã có những phản ứng khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Italia Franco Frattini cho rằng đây là vụ tấn công ngoại giao quốc tế mang hình ảnh của vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Israel được lợi?

Trong khi đó, Israel vốn có những căng thẳng về ngoại giao với Iran trong suốt thời gian vừa qua lại “hả hê” với những tiết lộ của Wikileaks. Một số bức điện tín được công bố cho thấy Arab Saudi đã liên tục thúc giục Mỹ dùng những biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Một bức điện của đại diện Mỹ trích lời một quan chức Israel: “Những quốc gia Arab đang kêu gọi Mỹ sử dụng biện pháp quân sự cứng rắn hơn với Israel”.

Về phía Israel, đây là tình tiết có lợi vì cho thấy mối quan ngại về vấn đề hạt nhân ở Iran không chỉ được Israel quan ngại mà còn là nỗi lo của các quốc gia Arab, những nước với vẻ bên ngoài đã từng hô to phản đối mọi cuộc quân sự tấn công Iran.

Như được thể, cựu Cố vấn An ninh quốc gia và cũng là tướng về hưu của Israel, Giora Eiland trả lời phỏng vấn của AP: “Dường như Arab Saudi thấy vấn đề hạt nhân của Iran thú vị nên họ dành nhiều quan tâm hơn xung đột Israel - Palestine”.

Thế nhưng, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tỏ thái độ thản nhiên và cho rằng: “Đây chỉ là trò dối trá. Chẳng có giá trị ở những tài liệu này”. Về phía Arab Saudi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Osama Nugali cho rằng chẳng ai có thể khẳng định được tính xác thực của những công bố trên là bao nhiêu. Vì thế, Arab Saudi không muốn bình luận gì.

Như Quỳnh (Theo AFP, AP, Spiegel)

Những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất

1. Quả bom Wikileaks công bố hàng trăm ngàn tài liệu mật về cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, thư tín quốc tế mật cùng những tài liệu riêng lẻ liên quan đến nhiều nhà chính trị trước đó.

2. Vụ Watergate: Phó Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Mark Felt với biệt danh Deap Throat đã dũng cảm phanh phui vụ Watergate. Ông đã vạch trần vụ nghe lén của Tổng thống Nixon đúng vào thời điểm Mỹ xâm lược Việt Nam.

3. Tài liệu Lầu Năm góc: Năm 1971, tờ New York Times đã đăng tải phần đầu tài liệu gồm 9 chương đã được phân loại nói về sự dính líu của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

4. Vụ tiết lộ danh tính nữ điệp viên Plame của CIA kéo theo hàng loạt rắc rối cho Nhà Trắng và CIA.

5. Tám tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã chỉ thị cho tướng Stanley McChrystal lúc bấy giờ (nay đã từ chức vì đã có những tuyên bố chỉ trích chính quyền Obama) chỉ huy lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế kiêm chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan đến thị sát tổng thể cuộc chiến tranh của Mỹ tại quốc gia này. Theo báo cáo, tướng McChrystal yêu cầu Mỹ tăng thêm quân. Sau đó, ông Obama đã đáp ứng yêu cầu này trong khi Mỹ vẫn tuyên bố sẽ giảm dần can thiệp vào các quốc gia trong vùng Vịnh.


* Ông Dan Esllberg, người đã công bố 7.000 trang tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến Việt Nam, đã lên tiếng bảo vệ việc công bố các tài liệu của Wikileaks. Ông hoan nghênh những người đã rò rỉ thông tin quân sự cho Wikileaks trong lần trước đây và nói: “Tôi từng đối mặt với rủi ro cách đây 40 năm và tôi sẵn sàng đối mặt với khả năng phải đi tù để giúp rút ngắn cuộc chiến... mà cuộc chiến khi đó là cuộc chiến tại Việt Nam”.

* BBC cho biết Wikileaks đang nắm giữ nhiều thông tin về các cuộc trao đổi giữa các nhà ngoại giao Mỹ ở Việt Nam với Chính phủ Mỹ gồm hơn 2.300 bức điện tín gửi đi từ Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và gần 800 bức điện tín từ Lãnh sự quán Mỹ ở TPHCM. Trong số hơn 3.100 bức điện tín này có cả những loại thuộc diện mật. Tuy nhiên, Wikileaks chưa công bố nội dung của bất kỳ cuộc trao đổi nào.

Số lượng tài liệu mà Wikileaks có được liên quan tới Việt Nam ở mức trung bình cao, đứng thứ 37 so với vị trí thứ 35 của Myanmar, 33 của Indonesia, 32 của Thái Lan và 5 của Trung Quốc.

BBC


>> Về quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, Wikileaks đã tuyên bố những tài liệu để chứng minh Triều Tiên đang đánh mất giá trị chiến lược vì Trung Quốc. Đó là cái giá mà Triều Tiên phải trả khi thuyết phục được Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ trước những vụ xuất khẩu trái phép vũ khí và tên lửa của quốc gia này.

Trong số những tài liệu nhắc đến Trung Quốc, có tài liệu đã đề cập việc Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Cheng Guoping nói với lãnh đạo Triều Tiên: “Trung Quốc mong muốn hai miền Triều Tiên thống nhất trong hòa bình về lâu dài nhưng trước mắt, cả hai vẫn phải chịu sự chia tách đến thời điểm thích hợp.

Ngoài ra, Wikileaks còn cáo buộc Trung Quốc đứng sau những vụ tấn công Google hồi đầu năm 2010.

Tin cùng chuyên mục