World Cup 2014 - Gánh nặng của người dân Brazil

Bỏ quên người dân
World Cup 2014 - Gánh nặng của người dân Brazil

Người dân phẫn nộ, người lao động tham gia công trình bị ngược đãi… là những gì diễn ra tại Brazil khi World Cup 2014 đang tới gần. Những hình ảnh này đã phần nào dập tắt hy vọng World Cup 2014 sẽ mang lại hứng khởi cho Brazil, đất nước vốn có tình yêu say mê với bóng đá.

Biểu tình phản đối World Cup tại Brazil.

Biểu tình phản đối World Cup tại Brazil.

Bỏ quên người dân

Đầu tháng này, Tòa án Brazil ra phán quyết tạm ngừng việc xây dựng sân vận động Curtiba để phục vụ Wolrd Cup 2014 vì phát hiện chuỗi sai phạm như tình trạng công nhân bị bạc đãi, điều kiện lao động không đảm bảo an toàn. Đây là phán quyết mới nhất và cũng được xem mạnh tay nhất của giới chức trách Brazil sau hàng loạt chỉ trích về công tác chuẩn bị mùa World Cup.

Trước đó, theo điều tra của tờ Guardian, hơn 100 công nhân Brazil làm việc tại sân bay quốc tế Sao Paulo đang phải sống trong nghèo khổ và làm việc như nô lệ để gấp rút hoàn thành các công trình phục vụ World Cup diễn ra vào tháng 6 năm sau. Văn phòng Tổng chưởng lý Brazil khẳng định, các công nhân này được hứa trả 625USD/tháng, song thực tế họ đến từ những vùng quê nghèo và chỉ được nhận 220USD/tháng, điều kiện sống vô cùng tồi tệ.

Nhiều cuộc điều tra khác tại các công trình xây dựng phục vụ World Cup cũng phát hiện nhiều công nhân sống và làm việc trong cảnh cùng cực. Ngoài ra, để kịp tiến độ hoàn thành các sân vận động để phục vụ World Cup 2014, Brazil đã tận dụng cả những tù nhân.

Hồi đầu năm, người dân Brazil đã liên tục biểu tình phản đối việc đầu tư tốn kém cho World Cup của chính phủ. Những người biểu tình cho rằng, chính phủ “bỏ quên” việc đầu tư những nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế cũng như phần đông dân cư và có vẻ như mọi thứ đang đi ngược lại với mục tiêu “giảm bớt tỷ lệ nghèo đói và bất bình đẳng xã hội” của FIFA khi đưa World Cup về quốc gia Nam Mỹ này.

Thực tế cho thấy, kinh tế Brazil bắt đầu tuột dốc từ hơn một năm qua. Đang từ một trong những nền kinh tế năng động nhất của nhóm 5 nước mới nổi (BRICS, gồm Brazil –Nga - Ấn Độ - Trung Quốc và Nam Phi) năm 2012, Brazil bỗng dưng đội sổ với tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất là 0,9%. Đây cũng là thành tích kém cỏi nhất trong số các nước ở châu Mỹ Latin.

Về cơ cấu, ngành công nghiệp của Brazil ngày càng co cụm lại, được ví như người khổng lồ đang trên đường “phi công nghiệp hóa”. Cán cân thương mại của Brazil liên tục bị thâm hụt. Chính sách phá giá đồng tiền (đồng real mất giá 50% trong thời gian từ năm 2006-2010) và các biện pháp bảo hộ vẫn không giúp Brazil thu hẹp nhập siêu.

Một thách thức khác đặt ra cho người dân Brazil là hiện tượng vật giá leo thang (5,5% vào năm ngoái). Từ tiền điện, nước, đến nhà ở, lương thực…, mọi chi tiêu của các hộ gia đình đều tăng nhanh trong năm qua. Nếu chỉ nhìn riêng vào các phương tiện chuyên chở công cộng, thì giá vé xe buýt ở Rio de Janeiro hay Sao Paulo đắt tương đương với giá một cuốc xe ở các nước phát triển như Anh hay Pháp. Đây là hậu quả của chính sách đầu tư không đồng bộ vào cơ sở hạ tầng tại Brazil trong suốt gần 50 năm qua. Trong bối cảnh đó, quyết định tăng giá vé xe buýt của chính quyền Sao Paulo hay Rio de Janeiro đã trở thành giọt nước làm tràn ly, khiến hàng ngàn người dân phẫn nộ.

Sân vận động Fonte Nova tại Salvador da Bahia đang được xây dựng phục vụ World Cup.

Sân vận động Fonte Nova tại Salvador da Bahia đang được xây dựng phục vụ World Cup.

Thiếu bình đẳng

Không thể phủ nhận World Cup giúp cuộc sống của nhiều người trở nên dễ chịu hơn như giới thầu có hợp đồng xây dựng những công trình mới; giới kinh doanh nhà hàng, nước giải khát từ đó cũng được hưởng lợi nhưng World Cup cũng khiến nhiều người trở nên khó khăn hơn.

Ở thành phố Cuiaba, có tới 70% lượng nước thải không được xử lý, số trường học và bệnh viện cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Không phải Cuiaba không có tiền: họ đã chuẩn bị sẵn 250 triệu real (113 triệu USD) tiền thuế vào việc nâng cấp đường sá, nhưng cuối cùng lại quyết định dùng số tiền này để tài trợ cho các dự án phục vụ World Cup 2014.

Từ năm 1950, khi để vuột khỏi tầm tay chức vô địch bóng World Cup trên sân nhà, Brazil càng quyết tâm đầu tư vào môn thể thao này cho dù đã 5 lần đoạt chức vô địch. Năm 2007, cựu Tổng thống Lula da Silva đã đến Zurich để vận động và Brazil được chọn tổ chức World Cup nhờ lá phiếu của nhiều nước châu Phi. Khi đó, trưởng đoàn Brazil cam kết 99% chi phí tổ chức World Cup do lĩnh vực kinh tế tư nhân tài trợ. Nhưng cho tới nay, 99% các khoản đầu tư chuẩn bị cho sự kiện thể thao trọng đại này đều do nhà nước đài thọ. Khoản tiền này nhà nước phải lấy thuế của dân. Xuất phát từ khoản thuế buộc phải chi cho World Cup, người dân Brazil tất không thể tránh khỏi suy nghĩ đó là một gánh nặng.

Cách nay 6 năm, ban tổ chức dự trù các phí tổn sẽ lên tới 7 tỷ EUR (khoảng 9,5 tỷ USD). Nhưng đến nay, khoản tiền đó được ước tính sẽ từ 10-15 tỷ EUR. Để so sánh thì World Cup 1998 tổ chức tại Pháp chỉ tốn có 1 tỷ EUR. Chính quyền Brazil đã đặt quá nhiều ưu tiên vào mục tiêu xây dựng các sân vận động trước 2 sự kiện thể thao trọng đại là World Cup 2014 và Olympic 2016 mà lơ là với các ưu tiên trong chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, vào lúc Brazil đang cần 21 tỷ real để cải thiện đời sống người dân qua các chương trình trợ cấp xã hội, thì lại để thất thoát hàng năm từ 50 đến 80 tỷ vì các hành vi hối lộ, tham nhũng. Bất bình đẳng trong xã hội và tham nhũng cộng thêm với những khó khăn kinh tế chính là những nguyên nhân thôi thúc cả triệu người dân Brazil xuống đường. Không phải họ không mong muốn đất nước tổ chức thành công World Cup, đội tuyển quốc gia biết đâu sẽ gặt hái thêm thành tích vô địch thế giới nhưng cái họ cần hơn là sự quan tâm của chính phủ, thay vì chỉ chạy theo những công trình phục vụ cho thể thao.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục