
Cách đây 5 năm, nói đến Đạ Chais (xã Anh hùng có 100% bà con người dân tộc thiểu số thuộc huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), người ta nghĩ ngay đến một vùng rừng núi cách trở, đời sống người dân hết sức khó khăn, thiếu đói. Bây giờ, ở Đạ Chais, nhiều hộ dân đã có của ăn của để, làm được nhà cửa khang trang và mua sắm nhiều vật dụng giá trị. Có được sự đổi thay này, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước còn nhờ sự hỗ trợ của dự án phát triển chăn nuôi bò do bạn đọc Báo SGGP hỗ trợ.
- Đàn bò “tình thương” giúp xóa đói giảm nghèo

Ha Diêng chăm sóc bò do Báo SGGP hỗ trợ.
Chúng tôi đến xã Đạ Chais khi chương trình hỗ trợ chăn nuôi bò của Báo SGGP thực hiện ở đây được hơn 5 năm. Nếu như trước đây từ TP Đà Lạt đi Đạ Chais phải mất hơn một buổi, bây giờ chúng tôi chỉ mất 2 giờ chạy xe máy.
Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Bon Tô Ha Diêng phấn khởi: “Đàn bò do Báo hỗ trợ phát triển tốt lắm. Xã tiếp nhận đàn bò 29 con từ năm 2002, thông qua Hội Nông dân tỉnh. Sau khi nhận bò về, xã đã xét trao cho những hộ đặc biệt khó khăn ở 2 thôn K’Long K’Lanh và Đông Mang để chăn nuôi; 2 hộ nhận một con nuôi theo hình thức luân phiên, hộ này nuôi cho đẻ và đến khi bê con cai sữa thì giao bò mẹ cho hộ kia…”.
Đối với một xã đặc biệt khó khăn như Đạ Chais thì đây quả là một tài sản lớn, bởi vậy sau khi giao bò cho từng hộ, lãnh đạo xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn cách hướng dẫn dân chăn nuôi thế nào cho hiệu quả. Kơ Sá Ha En, Trưởng ban Xã hội-dân tộc của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, kể: “Do đời sống bà con quá khó khăn nên sau khi trao bò cho từng hộ, chúng tôi phải thường xuyên đến từng nhà làm công tác dân vận; đồng thời thành lập chi hội nuôi bò thuộc Hội Nông dân để vừa hướng dẫn đồng bào chăm sóc bò, vừa theo dõi tình hình chăn nuôi”.
Ha Diêng lật cuốn sổ dành riêng để theo dõi đàn bò do Báo SGGP giúp, thông tin cho chúng tôi những con số tuy khiêm tốn nhưng cũng rất đáng mừng: Từ 29 con lúc đầu, đàn bò đã phát triển thêm 29 con, trong đó nhiều hộ như Đa Ju K’Liêng (thôn K’Long K’Lanh), Ha Diêng (thôn Đưng K’Si)… đã phát triển được 4-5 con. Một số hộ sau khi nuôi bê con lớn đã bán đi để làm nhà hoặc đầu tư sản xuất như hộ: Xơ Kết Ha Hùng bán một con được 3 triệu đồng để bù tiền mua máy cày; Ha Lu A bán một con 4 triệu đồng lấy tiền làm nhà; Ha B’Lang và Ha Lai bán để mua ti vi và đồ gia dụng…
- Thay đổi tập quán chăn nuôi
Chủ tịch xã Kơ Đơng Ha Quyên cho biết: Đạ Chais vẫn là một xã nghèo, sống chủ yếu bằng trồng trọt với cây ngô là chủ yếu. Trước đây, người dân đã có nuôi bò, trâu, lợn nhưng do không có vốn và tập quán thả rong nên không phát triển được. Từ năm 2002, Báo SGGP hỗ trợ cho xã đàn bò 29 con, không những đem đến hiệu quả cụ thể mà còn giúp người dân thay đổi nhận thức và tập quán chăn nuôi. Hiện toàn xã đã có trên 200 hộ nuôi bò với 467 con. Đây là con số đáng mừng đối với một xã vùng sâu vùng xa với chỉ 235 hộ dân.
Nhưng cái được lớn nhất là thông qua chương trình hỗ trợ này, người dân đã thay đổi được tập quán chăn nuôi. Nếu trước đây bà con chỉ biết thả bò lên rừng, nửa tháng hoặc một tháng mới lên thăm một lần thì bây giờ đã biết làm chuồng trại nuôi tập trung, vừa dễ chăm sóc vật nuôi, lại có thêm phân bón cho cây trồng.
Theo chân Ha Diêng, chúng tôi đến cánh đồng K’Long Ơn bằng phẳng – nơi có nhiều đàn bò từ 15 đến 30 con béo tốt đang thi nhau gặm cỏ. Ha Diêng nói: “Sau khi Báo SGGP hỗ trợ bò cho dân, nhiều hộ nuôi thấy hiệu quả nên đã chủ động gom tiền mua thêm bò về nuôi. Hiện có hộ đã phát triển được trên 10 con”.
Gặp chúng tôi trên cánh đồng, Bon Tô Ha Lôi ở thôn Đưng K’Si – người được nhận bò luân phiên từ ông Xơ Kết Ha Lai cùng thôn – phấn khởi cho biết: “Trước đây muốn nuôi bò lắm nhưng không có tiền mua. Năm 2004, được Báo SGGP hỗ trợ, tôi mừng lắm. Hiện bò mẹ đã đẻ được một bê cái 4 tháng. Tôi sẽ giữ nó lại để làm giống phát triển chăn nuôi”.
Cùng với việc thay đổi tập quán chăn nuôi bò, người dân Đạ Chais bây giờ đã biết phát triển chăn nuôi lợn (182 con), dê (90 con)… Phát triển chăn nuôi chính là hướng đi để Đạ Chais phá thế tự cung tự cấp và tiến lên xóa đói giảm nghèo.
Tiễn chúng tôi lên đường rời Đạ Chais, Ha Diêng nở nụ cười thật thà và hy vọng: “Mong sao đồng bào chúng tôi có thêm nhiều những dự án như chương trình hỗ trợ bò của Báo SGGP”.
Bài và ảnh: Nam Viên