Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHBI), trực thuộc Khu công nghệ cao TPHCM được thành lập vào năm 2006. Đây là một trong những mô hình ươm tạo doanh nghiệp ra đời sớm nhất trên cả nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, bởi thiếu nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất nên đơn vị này gặp không ít khó khăn trong hoạt động.
Báo cáo tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TPHCM chiều 5-5-2014, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM cho biết, đến nay, SHBI đã ươm tạo được 11 dự án, thuộc 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin, viễn thông; cơ khí chính xác, tự động hóa; công nghệ sinh học; vật liệu mới, công nghệ nano. Trong đó, có 10/11 dự án hoàn thành chương trình ươm tạo, 6 dự án còn hoạt động. Tiêu biểu nhất phải kể đến dự án của Công ty TNHH quang lượng tử Việt-Mỹ. Mới đây, dự án này đã công bố hoàn thiện kỹ thuật để bắt đầu đưa linh kiện chỉnh lưu diode Schottky vào sản xuất số lượng lớn. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu ngược ra nước ngoài một sản phẩm về vi mạch.
Tuy nhiên, cuộc họp này cũng cho thấy, vườn ươm đang đứng trước nhiều thử thách về cơ sở hạ tầng phục vụ ươm tạo. Số doanh nghiệp muốn vào vườn ươm ngày một nhiều nhưng diện tích vườn ươm quá nhỏ hẹp. Từ 2006 đến nay, SHBI phải hoạt động tạm thời tại Trung tâm Đào tạo của khu (số 35 Nguyễn Thông, quận 3), sau đó dời về tòa nhà ICDC và nay tiếp tục “ở tạm” tại văn phòng cũ của ban quản lý khu. Nhưng sắp tới đây văn phòng này cũng bị lấy lại phục vụ công việc khác. Như vậy, dù thời điểm ra đời, SHBI được ghi vốn 52 tỷ đồng phục vụ xây dựng cơ sở vật chất, nhưng đến nay cũng mới chỉ nhận “vỏn vẹn” 22 tỷ đồng… Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng, khởi đầu của một doanh nghiệp KHCN không bao giờ dễ dàng, bởi rất khó huy động các nguồn lực từ thị trường do các nhà đầu tư luôn e ngại tính rủi ro cao. Vì vậy, sự đầu tư mạnh dạn với ý thức không ngại chia sẻ rủi ro từ phía nhà nước cho các doanh nghiệp công nghệ được ươm tạo là cần thiết.
Dù vậy, đối với SHBI, việc đầu tư hơn 50 tỷ đồng để xây dựng một tòa nhà riêng lẻ liệu có mang lại hiệu quả cao hơn so với thuê mướn như hiện nay, cần được cân nhắc kỹ. Được biết Khu công nghệ cao đã quy hoạch khoảng 3ha tại khu không gian khoa học để xây dựng vườn ươm. Ban quản lý khu công nghệ cao nên xem xét mời gọi nhà đầu tư để phát triển nhanh cơ sở hạ tầng tại đây. Trên cơ sở đó, vườm ươm có thể thuê mướn một số khu vực để hoạt động. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: “Giải pháp này vừa kéo nhanh thời gian thực hiện dự án, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác có cơ hội kinh doanh trong khu. Việc huy động các nguồn vốn từ xã hội như vậy cũng đang là chủ trương lớn của TPHCM để phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời những cơ chế hỗ trợ của nhà nước cũng sẽ mang lại lợi ích nhanh chóng cho các vườn ươm của TPHCM hiện nay”.
TƯỜNG HÂN