Chỉ thị 25/2014/CT-UBND của UBND TPHCM ban hành ngày 16-9-2014 đã có hiệu lực từ ngày 26-9-2014, theo đó, giao cho Công an TP thực hiện kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với người phát tán tờ rơi tại các giao lộ vòng xoay. Thế nhưng đến hôm nay, sau tròn 1 tháng chỉ thị này có hiệu lực, việc phát tán tờ rơi vẫn diễn ra.
Nhét rác vào tay người đi đường
Theo Chỉ thị 25, mỗi tờ rơi quảng cáo phát tán không đúng nơi quy định sẽ bị phạt 50.000 - 100.000 đồng. Với tờ rơi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ thuộc loại cấm quảng cáo có thể bị phạt 200.000 - 500.000 đồng/tờ. Đây là mức phạt rất cao, vì những người phát tán tờ rơi thường phát tán hàng trăm tờ. Do vậy nhiều người tin rằng đây sẽ là biện pháp mạnh và hữu hiệu để chấm dứt được nạn xả rác tờ rơi ở các giao lộ ở TPHCM.
Thế nhưng bạn đọc Hoàng Minh Quang (ở quận Tân Bình) phản ánh: “Tưởng rằng từ nay sẽ không còn phải nhận rác bất đắc dĩ từ những người phát tờ rơi ngoài đường nữa, vậy mà đến bây giờ chúng tôi vẫn bị nhét vào tay những tờ rơi quảng cáo. Đường phố vẫn trắng rác mà không hề thấy công an thực thi nhiệm vụ xử lý”.
Việc phát tờ rơi ở giao lộ gây cản trở giao thông và dễ xảy ra tai nạn. Ảnh: HOÀNG HƯNG
Từ nhiều năm nay, loại hình quảng cáo bằng cách phát tờ rơi đã được nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, kinh doanh sử dụng, bởi ưu thế chi phí rẻ, thông tin được truyền tải trực tiếp đến đối tượng mà đơn vị đó nhắm tới. Tuy nhiên, họ không hề nghĩ đến cảm giác của người phải nhận những thông tin quảng cáo kiểu đó.
Bạn đọc Lương Hồng Vân (ở quận 5) bức xúc: “Mỗi ngày khi dừng xe lúc đèn đỏ ở các ngã tư, bị nhét vào tay các tờ rơi quảng cáo, tôi thật bực mình. Nội dung quảng cáo thường cẩu thả, thiếu thông tin, thiếu địa chỉ rõ ràng. Những người quảng cáo kiểu này đang coi chúng tôi không khác gì những thùng rác. Rất nhiều bạn bè, người quen của tôi cũng cho biết có cảm giác khó chịu như vậy. Riêng bản thân tôi, chiều nào đi làm về tới nhà, giỏ xe tôi cũng có 5 - 7 tờ rơi mà những người phát tán ở giao lộ tự ý bỏ vào. Họ đưa cho tôi, tôi đã lắc đầu từ chối, vậy là họ vẫn bỏ vào giỏ xe. Có nhiều người bị nhét tờ rơi vào tay, họ chẳng thèm đọc, thả ngay xuống đường khiến các giao lộ trắng rác”.
Ai chịu trách nhiệm?
Dù có Chỉ thị 25, nhưng tại nhiều giao lộ ở các quận nội thành, nơi có đèn tín hiệu giao thông, vẫn còn sự xuất hiện của đội ngũ “xả rác”. Họ cầm trên tay hàng trăm tờ rơi với đủ kích cỡ, khi có đèn đỏ thì đổ xuống đường để dúi vào tay những người đang dừng đèn đỏ, bất chấp sự khó chịu của mọi người. Nhiều giao lộ như Âu Cơ - Lạc Long Quân, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Bình Thái, ngã tư Thủ Đức... có đến 4 - 5 người cùng lao ra phát tờ rơi quảng cáo.
Nguy hiểm nhất là cách phát tờ rơi của nhóm nhân viên các siêu thị điện máy, cửa hàng điện thoại khi khai trương cửa hàng hoặc có chương trình quảng cáo, khuyến mãi. Họ thường có khoảng 7 đến 10 người mặc đồng phục, đứng ở ngoài đường, phía trước khu vực cửa hàng và luôn tay cầm tờ rơi nhào ra đưa cho những người đang lưu thông bằng xe máy qua đó, bất chấp nguy hiểm. Nhiều người bị khuất tầm nhìn, không kiểm soát kịp khi có người bất ngờ xuất hiện chìa tờ rơi ra trước mặt, nên đã bị té xe.
Chị Huỳnh Minh Sương (ở quận 12) kể: “Tôi đã từng phải thắng gấp, cả xe và người té nhào xuống đường vì bị nhân viên một cửa hàng điện máy mới khai trương ở Hóc Môn nhào ra chìa tờ rơi trước mặt”.
Bạn đọc Lê Tấn Khoa (ĐH KHXH-NV) nói: “Nhiều người phát tờ rơi quảng cáo là sinh viên nhận việc làm thêm. Nhìn những tờ rơi biến thành rác rải trắng cả đoạn đường, chúng tôi thực sự thất vọng khi nghĩ sao các SV lại nhận tham gia vào việc gây mất mỹ quan đô thị như vậy. Thương cho những người công nhân quét đường, phải cặm cụi đi nhặt từng tờ giấy, vì khi mưa xuống, những mẩu rác ấy dán chặt xuống mặt đường”.
Trước khi có Chỉ thị 25 của UBND TPHCM, cũng đã có chế tài đối với hành vi phát tờ rơi ngoài đường. Theo Khoản 1 Điều 50 của Nghị định 55/2006/NĐ-CP quy định về địa điểm, vị trí quảng cáo, phạt cảnh cáo hoặc phạt 50.000 - 100.000 đồng đối với mỗi áp phích, tờ rơi, tờ gấp quảng cáo không đúng quy định. Thế nhưng việc kiểm tra thực hiện chế tài cứ bị bỏ lơ khiến quy định bị vô hiệu hóa.
Thiết nghĩ, khi được giao xử lý việc này, Công an TP nên quy định trách nhiệm cho công an các phường, xã triển khai thực hiện. Không chỉ phạt người phát tờ rơi (vì thực tế họ chỉ là người làm thuê), mà phải truy theo địa chỉ rao quảng cáo để phạt nghiêm. Có như vậy mới chấm dứt được nạn xả rác ở giao lộ.
THU HƯỜNG