Từ nay đến ngày 15-1-2014, các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) phải hoàn tất công tác xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Cùng với việc xác định chỉ tiêu, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường công khai rõ các thông tin chỉ tiêu cụ thể từng ngành, thông tin về học phí, các điều kiện đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều trường chưa công khai cụ thể chỉ tiêu cho từng ngành, từng khối thi. Và với kiểu làm “nửa chừng xuân” này, thí sinh hoàn toàn chịu thiệt khi làm hồ sơ đăng ký dự thi cũng như khi trường xác định điểm trúng tuyển.
Công khai nửa chừng
Đến hẹn lại lên, ngay đầu mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT ra công văn nhắc nhở các cơ sở đào tạo phải công khai thông tin chi tiết về ngành nghề, chỉ tiêu, khối thi để thí sinh tìm hiểu khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, phần lớn các ĐH, học viện, các trường chỉ công khai nửa vời. Có trường chỉ thông báo tổng chỉ tiêu ĐH-CĐ, còn lại chỉ tiêu ở từng ngành bỏ trống.
Năm 2013, Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TPHCM công khai trên cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT chỉ vỏn vẹn ĐH: 1.300 chỉ tiêu, CĐ: 150 chỉ tiêu. Còn lại chỉ tiêu cụ thể cho 6 ngành ĐH và 3 ngành CĐ hoàn toàn không có. Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn tuyển 2.000 chỉ tiêu chia đều cho hệ ĐH và CĐ nhưng cũng không công khai cụ thể chỉ tiêu cho từng ngành ở mỗi hệ đào tạo. Hàng loạt trường khác như ĐH Hoa Sen 2.960 chỉ tiêu, ĐH Tài chính Marketing 3.900 chỉ tiêu, ĐH Mở TPHCM 2.340 chỉ tiêu, ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Tài nguyên và Môi trường 3.200 chỉ tiêu, cũng bỏ trống thông tin chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành…
Đáng nói hơn, từ khi Bộ GD-ĐT bổ sung thêm khối thi A1 (từ năm 2012) và nhiều trường áp dụng một ngành tuyển sinh nhiều khối thi, các trường thuận lợi về nguồn tuyển, chỉ tiêu tăng. Tuy nhiên, cũng từ đây việc xác định và công khai chỉ tiêu ở từng ngành thiếu minh bạch.
Điển hình như nhiều ngành của Trường ĐH Sư phạm TPHCM chỉ tuyển khối A, năm 2013 chỉ tiêu không tăng nhưng chia cho 2 khối như ngành Sư phạm Toán (khối A, A1: 170 chỉ tiêu), Sư phạm Vật lý (khối A, A1: 150 chỉ tiêu), Giáo dục tiểu học (khối A, A1, C, D: 170 chỉ tiêu), Quản lý giáo dục (khối A, A1, C, D: 80 chỉ tiêu). Trường ĐH Sài Gòn năm vừa rồi cũng chính thức tổ chức thi khối A1 cho hàng loạt ngành như Khoa học thư viện (30 chỉ tiêu), Quản trị kinh doanh (200 chỉ tiêu), Tài chính ngân hàng (200 chỉ tiêu), Công nghệ thông tin (150 chỉ tiêu), Toán ứng dụng (50 chỉ tiêu)…
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng chính thức áp dụng thi khối A1 cho 13 ngành hệ ĐH và 15 ngành hệ CĐ. Ngay cả những đại học lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TPHCM và các ĐH vùng như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế cũng lờ luôn việc công khai cụ thể chỉ tiêu cho từng khối thi.
Và mùa tuyển sinh năm 2014 cũng vậy, các trường như ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH Tài chính marketing… đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 nhưng không công bố cụ thể chỉ tiêu cho từng khối ở mỗi ngành.
Rõ ràng, cách công bố chỉ tiêu chung chung, thiếu cụ thể cho từng khối nên thí sinh khi đăng ký sẽ chịu nhiều thiệt thòi khi trường xác định điểm chuẩn (điểm trúng tuyển).
Lợi bất cập hại
Việc một ngành có thể tuyển sinh nhiều khối sẽ tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh ở các khối thi vào học những ngành học mà mình yêu thích. Đối với các cơ sở đào tạo, công tác tuyển sinh cũng thuận lợi hơn vì nguồn tuyển rộng hơn. Thế nhưng, từ việc công khai thiếu minh bạch về chỉ tiêu dẫn đến thí sinh sẽ chịu thiệt khi trường công bố điểm chuẩn lẫn ở khâu xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS).
Trong mùa tuyển sinh năm nay, rất nhiều thí sinh và phụ huynh đăng ký vào ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm TPHCM phải ngậm bồ hòn. Tổng chỉ tiêu của ngành Sư phạm Toán là 170 cho 2 khối A, A1. Nhưng khối A1 chỉ có 197 thí sinh dự thi, còn khối A có số thí sinh dự thi nhiều gấp 5 lần, 1.009 thí sinh dự thi. Thế nhưng khi xác định điểm chuẩn, hội đồng tuyển sinh của trường lại lấy chung mức điểm chuẩn khối A, A1 là 24,5 điểm.
Như vậy, chưa tính điểm ưu tiên, khối A1 chỉ có vỏn vẹn 5 thí sinh trúng tuyển. Trong khi đó, khối A có đến 90 thí sinh trúng tuyển. Nếu ngay từ đầu, cơ sở này phân chia rõ trong số 170 chỉ tiêu ra khối A bao nhiêu chỉ tiêu, khối A1 bao nhiêu chỉ tiêu thì có lẽ thí sinh đã không chịu thiệt.
Một ví dụ khác cũng cho thấy tỷ lệ thí sinh dự thi giữa các khối ở từng ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM ngành Công nghệ thực phẩm tổng chỉ tiêu là 250 cho 3 khối A, A1, B. Trong đó, chưa tính điểm ưu tiên khối B có đến 198/2.190 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (20,5 điểm); khối A1 có 15/1.711 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (19,5 điểm), khối A có 111/7.765 thí sinh dự thi trúng tuyển NV1 (19,5 điểm)…
Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho rằng: “Một ngành tuyển sinh nhiều khối tạo thuận lợi cho các trường, nhất là những trường khó tuyển sinh. Tuy nhiên, do trường ngại phức tạp nên không công khai chỉ tiêu cụ thể từng khối thi ở từng ngành. Vì vậy, khi xác định điểm trúng tuyển, các trường vì muốn đơn giản nên cứ vô tư lấy đại mức điểm chuẩn mà không cần cân đong, đo đếm giữa các khối và như thế quyền lợi thí sinh sẽ bị ảnh hưởng”.
Như vậy, kỳ thi tuyển sinh luôn khốc liệt và ranh giới giữa đậu và rớt chỉ có 0,25 điểm và càng khốc liệt hơn khi ở những ngành như sư phạm Toán, Y đa khoa, Dược, Công nghệ thực phẩm, Báo chí… hay vào những trường tốp đầu. Do đó, các trường hãy vì quyền lợi của thí sinh, phải công bằng và minh bạch trong việc phân bổ chỉ tiêu cụ thể ở từng khối thi đối với những ngành có 2 khối thi trở lên để thí sinh lượng sức cũng như nắm được thông tin khi chọn lựa.
| |
THANH HÙNG