Xác định chuẩn nghèo - tăng hay giảm nghèo đói?

Xác định chuẩn nghèo - tăng hay giảm nghèo đói?

Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến luận bàn xoay quanh chuẩn nghèo đói. Để có thêm thông tin tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của phóng viên Ed Stoddard, Hãng tin Reuters, bàn về chuẩn nghèo đói của thế giới.

  • Đâu là sự khác biệt?
Xác định chuẩn nghèo - tăng hay giảm nghèo đói? ảnh 1

Trẻ em nghèo Ấn Độ trong một giờ ăn tập thể.

Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) đã được Liên hợp quốc thông qua tại cuộc họp thượng đỉnh năm 2000. Theo đó, 8 vấn đề chính nổi lên là nghèo, đói, giáo dục sơ đẳng, bệnh AIDS và một số mục khác.

Về nghèo đói, một trong những tham vọng lớn nhất của cộng đồng thế giới là giảm toàn bộ tỷ lệ những người đang sống dưới mức 1 USD/ngày xuống con số 0 trước năm 2015. Liệu điều này có khả thi hay không?

Thật ra, câu hỏi gây tranh cãi nhiều hơn ở đây là việc xây dựng chuẩn cho tình trạng cực kỳ nghèo túng – nghèo tuyệt đối (extreme poverty line), có phù hợp?

Giới phê bình cho rằng về thực chất, chuẩn nghèo đói 1USD/ngày không hề mang bất kỳ ý nghĩa nào trong việc phân loại người nghèo. Hơn thế, nghèo đói không thể nào đo đếm một cách đầy đủ nếu chỉ chăm chăm nhìn vào thu nhập.

Nhà triết học John Ralston Saul người Canada, trong cuốn sách The End of Globalism (tạm dịch: Kết cục của quá trình toàn cầu hóa) xuất bản gần đây bình luận: “Vấn đề căn bản được đặt ra là liệu những tỷ lệ mang tính chất thống kê về cuộc sống 1 USD/ngày ấy có phản ánh được thực tế về điều kiện sống của con người hay không?. “Cuối cùng thì một người có thu nhập khoảng 3 USD/ngày vẫn phải sống trong những khu nhà ổ chuột tồi tàn ở Lagos. Nếu so sánh, cuộc sống ấy còn chẳng bằng một góc của những người thu nhập 1 USD/ngày ở những khu nhà ổ chuột tại Klong Toey, Bangkok”.

Trước thềm cuộc họp chính thức của Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Hoa Kỳ tỏ ý rằng nước này muốn xóa bỏ toàn bộ những gì liên quan tới cụm từ “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” và chỉ chấp nhận sử dụng khi nó được định nghĩa rõ ràng hơn. Vấn đề càng thêm rắc rối khi các nhà khoa học cho rằng bản thân việc đặt ra mục tiêu về nâng mức sống của con người lên trên chuẩn 1 USD/ngày là hướng đi sai lầm.

Quả là phức tạp! Theo Ngân hàng thế giới thì số người sống dưới mức 1 USD/ngày đã giảm từ 1,5 tỷ người vào năm 1981 xuống còn 1,1 tỷ người vào năm 2001. Con số này phần nào phản ánh tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ của hai quốc gia đông dân là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn, cũng theo Ngân hàng thế giới thì số người sống dưới mức 2 USD/ngày lại tăng lên, từ 2,4 tỷ người vào năm 1981 tăng lên 2,7 tỷ người vào năm 2001.

Trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới thì “1,6 tỷ người hiện đang sống giữa hai cái chuẩn 1 USD/ngày và 2 USD/ngày vẫn là những người nghèo khó”. Rõ ràng, khoảng cách giữa hai cái chuẩn này quá lớn. “Nếu lấy chuẩn là 2 USD/ngày thì thực tế cho thấy, đói nghèo thế giới đang tăng lên một cách đáng kể. Thay đổi chuẩn nghèo không những không cải thiện được tình hình mà còn làm cục diện tồi hơn”, Saul đã viết như vậy trong cuốn sách của mình. Theo bản báo cáo phát triển con người của UNDP (đầu tháng 9) thì theo đà như hiện nay, tới năm 2015 sẽ có thêm 1,7 tỷ người sống với mức 2 USD/ngày.

  • Nghèo tuyệt đối

Chuẩn 1 USD/ngày được coi là chuẩn nghèo tuyệt đối. Hiện nay, người ta tính toán mức nghèo đói dựa nhiều trên khái niệm sức mua tương đương (Purchasing Power Parity). Phương pháp này nhằm cố gắng giải thích cho sự lạm phát trong khi vẫn đo sức mua của đồng tiền các quốc gia khác nhau cho cùng chủng loại hàng và dịch vụ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập. Thật không dễ dàng gì đo ảnh hưởng của sự lạm phát lên từng nhóm có thu nhập khác nhau bởi giỏ hàng hóa thường mua của những nhóm này không giống nhau. Ở các quốc gia nghèo nhất, phần lớn giỏ hàng hóa thường mua là thực phẩm.

Lấy châu Phi làm ví dụ. Theo Ngân hàng thế giới thì số người nghèo tuyệt đối ở châu lục này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm nữa. Năm 1981, số người sống dưới 1 USD/ngày là 164 triệu người và năm 2001 là 313 triệu người. Mặc dù trong cuộc họp tháng 7 vừa qua, nhóm những quốc gia phát triển nhất thế giới G8 đã cam kết tăng viện trợ và xóa bớt nợ cho châu lục này nhưng châu Phi vẫn là khu vực được dự đoán sẽ không đạt được mục tiêu xóa nghèo mức 1 USD/ngày vào năm 2015. Như vậy, dù chuẩn nghèo có là 1 USD/ngày, 2 USD/ngày hay bao nhiêu đi chăng nữa, tình trạng nghèo đói ở châu Phi vẫn chẳng được cải thiện. 

PHƯƠNG NGUYỄN (Theo Reuters)
 

Tin cùng chuyên mục