>> Có ít nhất 1 tên khủng bố là người Pháp trong vụ tấn công khủng bố Paris
>> Pháp bị tấn công khủng bố, 129 người thiệt mạng
Cảnh sát Pháp thông báo đã xác định có 3 nhóm vũ trang mặc áo chống đạn đồng loạt tham gia các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris vào đêm 13-11, làm 129 người chết và 352 người khác bị thương.
Theo các công tố viên Pháp, có 7 đối tượng thuộc 3 nhóm này đã bị tiêu diệt hoặc chết do đánh bom tự sát. Đối tượng đầu tiên đã xác định được danh tính là một công dân Pháp 29 tuổi. Cảnh sát đang tiến hành khám xét nhà đối tượng này, đồng thời bắt giữ và thẩm vấn cha cùng anh trai đối tượng này đang cư trú tại thị trấn nhỏ Romilly sur Seine, cách Paris khoảng 130km về phía Đông và một địa điểm khác tại vùng Essonne ở miền Nam. Đối tượng này được cho là một trong những kẻ xả súng giết hại hơn 100 con tin trong nhà hát Bataclan.
Đối tượng thứ hai được xác định là đã từng đăng ký tị nạn ở Hy Lạp với lai lịch đến từ Syria. Việc phát hiện tấm hộ chiếu Syria gần xác của một kẻ tấn công khủng bố đã làm dấy lên nghi ngờ rằng một số đối tượng trong nhóm khủng bố có thể đã trà trộn xâm nhập châu Âu thông qua làn sóng người tị nạn đến từ Syria. Bộ trưởng Hy Lạp phụ trách vấn đề bảo vệ công dân, ông Nikos Toskas nói: “Chúng tôi khẳng định rằng đối tượng mang hộ chiếu Syria trên thuộc dòng người di cư đã đi qua đảo Leros của Hy Lạp hôm 3-10, nơi anh ta đăng ký tị nạn theo quy định của Liên minh châu Âu (EU)”.
Đối tượng thứ ba đang bị điều tra cũng bị tình nghi nằm trong dòng người di cư đến Hy Lạp từ Syria. Nhà chức trách Pháp đã đề nghị các đối tác Hy Lạp kiểm tra hộ chiếu và dấu vân tay của hai đối tượng tình nghi đã đăng ký tị nạn tại Hy Lạp trước khi vào châu Âu.
Theo thông tin mà cảnh sát Pháp công bố, loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris đã xảy ra đồng loạt tại 6 địa điểm, gồm nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, phố Charonne, phố Alibert, phố Fontaine au Roi và Đại lộ Voltaire.
Cùng lúc này, Thủ hiến bang Bayern, Đức, ông Horst Seehofer khẳng định có lý do tin rằng đối tượng bị bắt giữ ngày 5-11 vừa qua ở bang này cùng số lượng lớn vũ khí có liên quan tới những kẻ tấn công khủng bố ở Paris. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính bang Bayern, ông Markus Söder cũng yêu cầu lập tức có biện pháp không để việc di cư không có kiểm soát cũng như dòng người tị nạn bất hợp pháp đổ vào Đức như hiện nay, khẳng định vụ việc vừa xảy ra ở Paris đã làm thay đổi tình hình hiện nay.
* Thế giới chia sẻ nỗi đau với người Pháp
Cả thế giới đang hướng về Paris sau loạt vụ tấn công đẫm máu. Người dân nhiều quốc gia trên thế giới đêm 14-11 đã tổ chức các buổi cầu nguyện, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công khủng bố thủ đô Paris và bày tỏ sự sẻ chia với nhân dân Pháp.
Mái vòm nhà hát con sò sydney được phủ màu cờ Pháp
Tháp Eiffel tắt đèn tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố Paris
Trung tâm triển lãm Convention Centre Dublin tại Ireland
Cổng chào tại sân vận động Wembley, Anh
Tòa nhà cao nhất nước Mỹ - Trung tâm thương mại Một thế giới
Các mạng xã hội như Facebook và Twitter và người dùng khắp thế giới cũng chia sẻ nỗi đau này bằng các ứng dụng hữu ích. Facebook đã điều chỉnh ứng dụng kiểm tra Safety Check để người dùng có thể biết được tình trạng của bạn bè và người thân trong vụ khủng bố đẫm máu tại Pháp.
Ứng dụng này giúp người sử dụng Facebook đang sinh sống tại Paris thông báo cho bạn bè và người thân biết rằng họ an toàn đồng thời kiểm tra được tình trạng bạn bè của họ sau những vụ tấn công khủng bố.
Người dân tụ tập tại quảng trường Trafalgar ở London, Anh để tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Pháp
Người dân Toronto, Canada cầu nguyện ở quảng trường thành phố
Người dân Palestine thắp nến sẻ chia nỗi đau với người thân các nạn nhân vụ đánh bom khủng bố Pháp và Liban tại một nhà thờ ở thành phố Bethlehem
Người dân Mátxcơva tưởng niệm các nạn nhân
Chữ Paris và hoa tươi được đặt trước cửa Đại sứ quán Pháp ở Berlin, Đức
Những người sử dụng Facebook tại Paris được gửi các thông báo bởi ứng dụng Safety Check trên điện thoại để phản hồi về sự an toàn của họ. Theo đó, khi Facebook nhận ra điện thoại của bạn đang ở trong khu vực bị ảnh hưởng vì vụ tấn công ở Paris, sẽ có câu hỏi xuất hiện: “Bạn có an toàn không?”. Nếu không bị ảnh hưởng sau các vụ tấn công, người sử dụng sẽ chọn lựa “Tôi an toàn” và ngay lập tức thông tin này sẽ được cập nhật trên tài khoản Facebook của họ. Vị trí của người sử dụng được xác định qua thông tin đăng ký trên Facebook. Ứng dụng này có thể được sử dụng ở tất cả mọi nơi trên thế giới và tất cả các hệ điều hành Android, iOS cũng như trên máy tính.
Ứng dụng Safety Check của Facebook
Trong khi đó, những người sử dụng Twitter đã đồng loạt đưa ra phong trào hỗ trợ cung cấp nơi tạm trú tại Paris cho tất cả những người dân có nhu cầu trong khoảng thời gian khủng hoảng này với từ khóa #PorteOuverte được chia sẻ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những người sử dụng Twitter trên thế giới cũng đồng loạt cập nhật từ khóa #Prayers4Paris và #PrayForParis để thể hiện sự cảm thông và chia sẻ nỗi đau cùng các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Paris.
Ngoài ra những người sử dụng Uber tại Pháp cũng được ứng dụng này nhắc thông báo: “Bạn không nên di chuyển trừ khi thật cần thiết”. Thậm chí, nhiều tài xế taxi tại Paris còn hoàn toàn chở khách miễn phí để đóng góp sự hỗ trợ.
Trước đó các tòa nhà biểu tượng khắp thế giới đã cùng lúc chuyển sang màu cờ nước Pháp để bày tỏ sự thương xót cũng như cầu nguyện cho người dân Pháp.
VIỆT ANH