Xác định rõ tiêu chí công bố dịch bệnh động vật

* Bảo đảm an toàn, tôn trọng nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam
Xác định rõ tiêu chí công bố dịch bệnh động vật

* Bảo đảm an toàn, tôn trọng nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam

(SGGPO).- Chiều 23-5, báo cáo tại phiên họp của Quốc hội về dự án Luật Thú y, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương nên phân cấp đến Chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị chỉ nên phân cấp đến chủ tịch UBND cấp tỉnh như quy định của Pháp lệnh Thú y hiện hành.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo về dự án Luật Thú y. Ảnh: Lã Anh

Theo cơ quan thẩm tra, mỗi loại ý kiến nêu trên đều có lập luận xác đáng, song trên thực tiễn, việc thực thi quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập như: không rõ trách nhiệm chính quyền huyện, xã với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; việc công bố dịch có thời điểm chưa kịp thời, có tình trạng “giấu dịch”, “chậm công bố dịch” làm dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát… Hơn nữa, việc quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch dễ tạo tâm lý cho rằng toàn tỉnh đó có dịch bệnh, gây tác động bất lợi cho việc kinh doanh động vật và sản phẩm động vật ở tỉnh/thành phố đã công bố dịch.

Do vậy, sau khi cân nhắc về năng lực thực tế của các địa phương cũng như các quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của UBND các cấp, đề nghị Quốc hội cho phân cấp thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn tới chủ tịch UBND cấp huyện – ông Phan Xuân Dũng nêu quan điểm.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về điều kiện dịch bệnh phải công bố tình trạng khẩn cấp; theo đó Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo để Thủ tướng Chính phủ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ vật nuôi làm cảnh trong nhà, vườn thú… để phòng trừ các bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người và bảo đảm vệ sinh môi trường; quy định rõ Danh mục dịch bệnh phải công bố; các biện pháp phòng, chống dịch, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong trường hợp dịch bệnh được công bố; chế tài đối với hành vi không thông báo, công bố dịch bệnh động vật trong trường hợp phải thông báo, công bố theo quy định của Luật này...

Góp ý về dự thảo Luật, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) bày tỏ quan tâm đến quy định về công bố dịch bệnh động vật. Cho rằng các quy định về tiêu chí còn định tính, thiếu định lượng, ĐB nói: “Dự thảo quy định công bố dịch bệnh khi “có chiều hướng lây lan nhanh và phát triển trên diện rộng” là nhận định phụ thuộc vào đánh giá chủ quan, do đó dễ dẫn đến hoặc công bố sớm hoặc công bố quá muộn. Tôi tán thành giao thẩm quyền cho chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch bệnh, nhưng phải làm rõ bao nhiêu xã trong huyện có dịch, tốc độ lây lan thế nào mới công bố”.

ĐB Diệu Thúy cũng kiên trì nhắc lại đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật nội tỉnh và trong nước để truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật theo chuỗi, nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc Luật An toàn thực phẩm.

Tán thành nhận định của ĐB Diệu Thúy về công bố dịch bệnh, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng cho rằng, việc công bố dịch bệnh phải thận trọng và có tiêu chí rất chặt chẽ, nếu không sẽ có thể “giết chết” ngành chăn nuôi của cả xã, cả huyện trong một thời gian dài, gây thiệt hại rất lớn.

Tuy nhiên, vẫn có một số ĐB cho rằng nên trao thẩm quyền công bố dịch bệnh cho chủ tịch UBND cấp tỉnh, vì thực tế cấp huyện cũng không có đủ điều kiện đánh giá dịch bệnh một cách chính xác…

Quan tâm đến lĩnh vực thủy sản, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) đề nghị bổ sung vào dự thảo điều khoản cấm sử dụng thuốc thú y trước khi thu hoạch thủy sản và phải công bố loại thuốc, liều lượng sử dụng. Theo ĐB Phương, dự thảo dường như đã “bỏ qua” trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định tiêu chuẩn môi trường trong các hoạt động sản xuất thuốc thú y, giết mổ, sơ chế động vật, trong khi nội dung này cũng rất cần thiết…


 Bảo đảm an toàn, tôn trọng nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam

Cũng trong chiều 23-5, báo cáo với Quốc hội về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện nhận định, Ban soạn thảo đã cố gắng thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các quy định của dự án Luật.

Trong số các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, dự thảo Luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, cần rà soát những nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để quy định tập trung, rõ ràng, cụ thể ngay trong dự án Luật, mà không giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam (đây là vấn đề chưa được đề cập rõ trong Tờ trình cũng như trong dự án Luật này). Mô hình đó phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm tính minh bạch, khách quan, độc lập về mặt tổ chức, quản lý cán bộ với cơ quan điều tra, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đã xảy ra trong thời gian qua.

UBTP đề nghị nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật tạm giữ, tạm giam, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, sự tôn trọng về nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam.

Nhiều ý kiến đề nghị, dự án Luật cần quy định cụ thể cả về quyền hạn và trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các chủ thể thực hiện quản lý đối với người bị tạm giữ, tạm giam trong việc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam.

Qua hoạt động giám sát, khảo sát của UBTP cho thấy, hiện nay tại mỗi tỉnh có 1 trại tạm giam, mỗi huyện có 1 nhà tạm giữ, có những trại tạm giam, nhà tạm giữ luôn trong tình trạng quá tải, nhưng cũng có trại tạm giam, nhà tạm giữ lại không có đủ số lượng theo quy mô xây dựng. Do đó, Dự án Luật cần nghiên cứu xây dựng mô hình hoàn thiện hơn để sử dụng trại tạm giam, nhà tạm giữ hợp lý, hiệu quả, khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên.

Về quản lý tạm giữ, tạm giam và chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam

UBTP nhận thấy, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam có sự khác biệt với địa vị pháp lý của người đang chấp hành án phạt tù. Do đó, việc thực hiện chung một chế độ về ăn, ở, mặc, sinh hoạt, chữa bệnh của người bị tạm giữ, tạm giam giống như người đang chấp hành án phạt tù là không phù hợp. Do đó, cần thiết phải quy định cụ thể về chế độ của đối tượng này ngay trong dự án Luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định.

Một số ý kiến cho rằng, dự án Luật quy định biện pháp kỷ luật cùm chân đối với người vi phạm nội quy của cơ sở giam, giữ là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, vì người tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là người có tội. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ như gây rối, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì áp dụng biện pháp kỷ luật khác, như cách ly ở buồng giam kỷ luật, không cho tiếp xúc với những người bị tạm giữ, tạm giam khác ...

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể về việc trích xuất, thăm gặp của người bị tạm giữ, tạm giam trong thời gian chờ Chủ tịch nước xem xét đơn xin ân giảm án tử hình.

Về quản lý, chế độ đối với người bị kết án tử hình bị tạm giam

UBTP cho rằng, qua tổng kết thực tiễn thì mô hình quản lý giam giữ đối với người bị kết án tử hình tại các Trại tạm giam như hiện nay về cơ bản là phù hợp, bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; tạo điều kiện cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự của các cơ sở giam giữ; đồng thời cũng tạo thuận lợi cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình tiếp nhận xác để an táng. Tuy nhiên, với việc duy trì mô hình này thì công tác thi hành án tử hình cần có sự đổi mới về phương thức, theo đó nghiên cứu phương án bố trí các xe thi hành án tử hình lưu động nhằm tránh phát sinh tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc tổ chức thi hành án tử hình như trên thực tế vừa qua.

UBTP đề nghị Chính phủ cần làm rõ những quy định về cơ sở giam giữ người đang chờ thi hành án tử hình tại khoản 4, Điều 3 và khoản 2 Điều 51 của dự án Luật là cơ sở nào; mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ sở này (nếu có) cũng cần phải được quy định cụ thể trong Luật.

Về kiểm sát chế độ tạm giữ, tạm giam

UBTP cho rằng, dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về nội dung, cơ chế, phương thức, thẩm quyền kiểm sát hoạt động tạm giữ, tạm giam để xác định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát và trách nhiệm của cơ quan thực hiện quản lý tạm giữ, tạm giam, góp phần vừa phục vụ công tác điều tra, khám phá tội phạm vừa bảo đảm tốt nhất quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

Về điều kiện bảo đảm thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam

UBTP cho rằng, tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân, chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam. Để tăng cường công tác chống bức cung, nhục hình, UBTP đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án Luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam; việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai; việc kiểm tra sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam trước và sau trích xuất; trách nhiệm của nhà tạm giữ, trại tạm giam khi có bức cung, nhục hình trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam.... để bảo đảm căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam.

Về một số vấn đề khác

Một số ý kiến đề nghị làm rõ tại sao trong dự án Luật lại quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc chỉ đạo Tòa án các cấp thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, thống kê việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam, vì đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; đồng thời làm rõ việc giao cho Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương cho các cơ sở tạm giữ, tạm giam, vì quy định này không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự án Luật trùng lặp, nhất là quy định về chế độ của người bị tạm giữ, và chế độ của người bị tạm giam (Mục 2 Chương III và mục 2 Chương IV), do đó cần quy định ngắn gọn, chặt chẽ hơn. Dự án Luật cần rà soát các quy định về thẩm quyền của giám thị trại tạm giam trong tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự; về người chuyển giới; việc lập danh bản, chỉ bản; việc trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, người tạm giam khi có quyết định của Viện kiểm sát nhân dân; bổ sung quyền kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát hoạt động thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; nhiệm vụ, quyền hạn của chính trị viên trong các trại tạm giam của Quân đội nhân dân, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn, khả thi hơn về người bị tạm giữ, tạm giam được gặp “người khác” tại Điều 22, 38 của dự thảo Luật; các trường hợp được phép giam giữ chung người chưa thành niên với người đã thành niên hoặc giao trách nhiệm quản lý người bị tạm giữ, tạm giam cho cơ quan có lệnh trích xuất (khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 37).

Anh Phương

>> Cần đặc biệt coi trọng hòa giải trong án dân sự

Tin cùng chuyên mục