Xác định vị trí của văn hóa Thủ đô để có hướng phát triển xứng tầm

Ngày 7-8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT, Sở Ngoại vụ tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến phương án phát triển của ngành, lĩnh vực tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội
Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội

Theo báo cáo của liên danh tư vấn, đến năm 2023, Thủ đô Hà Nội trở thành “thành phố sáng tạo”, “vì hòa bình”, “văn hiến, văn minh, hiện đại” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, với những thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh trong khu vực, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Đến năm 2030, doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8%GRDP (tổng sản phẩm địa phương), đến năm 2050 đạt từ 10%GRDP của thành phố trở lên. Hà Nội ưu tiên nguồn lực thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị các di sản được UNESCO ghi danh, di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, di tích xếp hạng quốc gia, bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng dân tộc thiểu số Mường và Dao cư trú trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích Hoàng thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Đền thờ Ngô Quyền, Cổ Loa nhằm phát huy giá trị của các di tích, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của nhân dân và phục vụ phát triển du lịch...

Tại buổi tọa đàm, cùng các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã thống nhất cho rằng, lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch là các lĩnh vực lớn của Thủ đô, khó có vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô giai đoạn tới. Do đó, việc xây dựng phương án phát triển ngành, lĩnh vực cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ, đánh giá chi tiết hiện trạng. Trong xây dựng quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển phải rõ căn cứ khoa học, thực tiễn, phải tính đến xu thế, thị hiếu tiêu dùng, tiêu thụ văn hóa; xác định vị trí đứng đầu, đi đầu của văn hóa Thủ đô để có hướng phát triển xứng tầm. Quy hoạch cũng phải nêu được Thủ đô bảo vệ, phát triển di sản theo hướng nào, xây dựng những công trình văn hóa mới ra sao… Đặc biệt, những tư tưởng, nhận thức mới về văn hóa phải được đề cập vì có nhận thức mới, tư duy mới thì mới có định hướng phát triển bắt kịp thời đại.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, liên danh tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của chuyên gia để có cách làm, cách thực hiện, xây dựng phương án phát triển ngành thật sự chất lượng. Trong đó, các sở ngành, đơn vị tư vấn phải thể hiện được cái mới, đột phá, tầm nhìn, khát vọng của ngành, lĩnh vực. Những điều này phải được thể hiện bằng những con số, bằng chỉ tiêu cụ thể và có so sánh với các thành phố tương đồng trên thế giới.

Đối với phương án phát triển hai lĩnh vực văn hóa và du lịch để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, đây là hai lĩnh vực lớn, quan trọng, có liên hệ mật thiết với nhau. Văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng vừa là động lực, nguồn lực phát triển. Liên danh tư vấn, viện phải nhận thức đầy đủ quan điểm này để có cách làm, xây dựng phương án phát triển ngành vừa đảm bảo tiến độ thời gian vừa đạt được chất lượng cao nhất để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô.

Tin cùng chuyên mục